"Mê cung" dịch vụ thẩm mỹ
Mới đây nhất, sự việc một phụ nữ là N.Linh (Hoàn Kiếm, Hà Nôi) bị biến chứng sau phẫu thuật nâng ngực (tụ máu ngực và đau nhức bất thường) tại Bệnh viện thẩm mỹ Kim Cương trở thành câu chuyện gây “sốc” trong cộng đồng.
Không chỉ xót xa bởi hình ảnh đau đớn về thể xác mà chủ nhân chia sẻ, nhiều người không khỏi phẫn nộ khi đọc được chia sẻ của người phụ nữ trên về những bức xúc vì bị nhân viên bệnh viện này phớt lờ và sự “dửng dưng” khi có biến chứng xảy ra.
Chuyện phẫu thuật thẩm mỹ lại một lần nữa được dấy lên và nhiều người nghĩ rằng nó là cá thể nhưng thực tế trong giới làm đẹp vẫn luôn tồn tại những câu chuyện “khóc dở mếu dở” vì biến chứng sau phẫu thuật thẩm mỹ.
Trao đổi với phóng viên, chị M. Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ rằng đã trải qua một câu chuyện “đáng nhớ” khi lựa chọn một đơn vị làm đẹp qua Facebook để thực hiện điêu khắc lông mày 6D tại một spa nhỏ trên đường Mai Hắc Đế, Hà Nội. Tin tưởng vào dịch vụ của doanh nghiệp nhưng thực tế chị M. Anh “ngã ngửa” vì chất lượng dịch vụ và sự thờ ơ của chủ spa khi xảy ra chuyện.
“Trong lúc nhân viên làm lông mày mình đã nhận thấy lông mày của mình bị lệch và nói với nhân viên điều đó. Nhưng bạn nhân viên lại bảo rằng đó là do trán mình bị lệch nên không thể làm chuẩn được. Lúc đó mình cũng chẳng để ý nên không nói gì thêm.”, chị M. Anh nhớ lại.
Thế nhưng, sau khi về đến nhà thì chị M. Anh mới nhận ra không chỉ lông mày bị lệch mà những đường điêu khắc lông mày cũng rất đậm, dày, chồng chéo lên nhau. Điều đáng buồn hơn nữa là khi phản ánh điều này với chủ spa, chị M. Anh chỉ nhận lại được một thái độ dửng dưng. Không những vậy chủ spa lại “đẩy” trách nhiệm cho chị M. Anh vì cho rằng khách hàng đã không đúng vì chủ đâu phải là người trực tiếp làm?
Không chỉ với những spa làm đẹp nhỏ, ngay cả những thẩm mỹ viện lớn cũng xảy ra tình trạng tương tự. Cách đây không lâu, một khách hàng là T. T. Hiệp phản ánh về dịch vụ phun môi tại một thẩm mỹ viện lớn tại Thành phố Buôn Mê Thuột. Theo chị Hiệp, chị đã phải phun môi tới lần thứ 3 lần trong vòng 7 tháng nhưng môi của chị vẫn ngày càng khô, thâm và thậm chí đã bị viêm tiếp xúc theo chẩn đoán của bác sỹ da liễu.
Sau năm lần bảy lượt thẩm mỹ viện hứa hẹn sẽ sửa lại nhưng không làm, chị Hiệp đã phải từ bỏ và tìm đến bác sỹ da liễu để chữa trị. Không những vậy, trong suốt gần một năm sống chung với đôi môi thâm đen xấu xí, chị Hiệp mắc chứng căng thẳng thần kinh do mất ngủ kéo dài.
Quyền lợi khách hàng bị "bỏ quên"
Ba câu chuyện trên không nói lên được tất cả những bất cập của thế giới làm đẹp hiện nay. Trong một buổi trò chuyện về hiện trạng spa, thẩm mỹ viện với phóng viên Chất lượng Việt Nam, Bác sỹ Lã Thanh Hà, Trưởng Khoa Da liễu của Học viện Y học cổ truyền Việt Nam chia sẻ: “Luật pháp Việt Nam quy định đầy đủ về quy trình cấp phép cho một đơn vị thẩm mỹ viện hay spa khi muốn điều trị hay can thiệp có xâm lấn buộc phải có bác sĩ có chứng chỉ hành nghề đúng phạm vi hoạt động chuyên môn kiểm soát chịu trách nhiệm về chăm sóc y tế thẩm mỹ viện và spa đó. Đây là một cách bảo vệ chính quyền lợi của khách hàng vì họ sẽ được chăm sóc sắc đẹp an toàn.”
Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn theo bác sỹ Hà cho biết là tại Việt Nam hiện nay nhiều thẩm mỹ viện và spa lạm dụng thái quá các dịch vụ thẩm mỹ, can thiệp sâu vào chuyên môn vượt qua khung qui định của pháp luật với khách hàng của mình. Trên thực tế, nhiều thẩm mỹ viện và spa làm đẹp thường bỏ qua khâu quan trọng nhất là người bác sỹ mà cứ tiến hành đầu tư thiết bị công nghệ cao rồi tự sử dụng trong điều trị, điều đó gây ra không ít hậu quả nặng nề không đáng có do tai biến trong điều trị.
Bác sỹ Hà cũng nhấn mạnh rằng: “Mỗi khách hàng trước mắt hãy là người bảo vệ quyền lợi cho chính mình bằng cách cân nhắc thật kỹ càng những địa chỉ trao gửi niềm tin. Đặc biệt, liên quan đến vấn đề thẩm mỹ, chữa các bệnh lý về da nên đến bệnh viện hoặc những cơ sở có bác sĩ đúng chuyên khoa để được khám và chẩn đoán, điều trị an toàn hiệu quả.”
Nghị định 109/2016/NĐ-CP, Điều 37. Điều kiện hoạt động đối với cơ sở dịch vụ thẩm mỹ: 1. Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ chỉ được thực hiện các hoạt động xăm, phun, thêu trên da, không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm và phải đáp ứng các điều kiện sau đây: a) Cơ sở vật chất: - Có địa điểm cố định; - Bảo đảm các điều kiện vệ sinh. b) Thiết bị: Có đủ thiết bị, dụng cụ, vật tư phù hợp với phạm vi hoạt động của cơ sở và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. c) Nhân sự: Người thực hiện xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề về phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp. d) Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động nhưng phải có văn bản thông báo đủ điều kiện quy định tại điểm a, b và c khoản này gửi về Sở Y tế nơi đặt trụ sở để quản lý trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày. Văn bản thông báo theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định này. 2. Các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. |