Thứ bảy, 18/01/2025 | 16:00
RSS

Đi khám vì đau bụng, người phụ nữ phát hiện sỏi đúc khuôn đầy trong gan

Thứ hai, 12/10/2020, 07:07 (GMT+7)

Đau bụng, gầy sút cân, thi thoảng sốt từng cơn kèm rét run không rõ lý do nên người phụ nữ đã đến bệnh viện khám. Kết quả phát hiện sỏi đúc khuôn toàn bộ đường mật trong gan hai bên.

Đi khám vì đau bụng, người phụ nữ phát hiện sỏi đúc khuôn đầy trong gan

Sỏi đúc khuôn toàn bộ đường mật trong gan hai bên của bệnh nhân. Ảnh: Dân trí

Ngày 12/10, thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết trên Dân trí, các bác sĩ đơn vị này vừa tiến hành tán sỏi qua da bằng Laser cho chị Vy (30 tuổi, Nghệ An) có sỏi đúc khuôn toàn bộ đường mật trong gan hai bên. 

Bệnh nhân có tiền sử mắc nang ống mật, một dị tật đường mật bẩm sinh khá hiếm, đã được mổ nối mật ruột từ năm 4 tuổi. Bệnh nhân đã được mổ lại lấy sỏi vào năm 2008 tại một bệnh viện lớn của Hà Nội.  Mặc dù đã kiêng cữ vì sợ bị tái phát sỏi nhưng bệnh giãn đường mật bẩm sinh tạo thành vòng xoáy bệnh lý không dứt, khiến bệnh nhân bị tái phát sỏi trong gan. 

Gần đây, bệnh nhân thấy có biểu hiện đau bụng, gầy sút cân, thi thoảng sốt từng cơn kèm rét run, đi khám thì phát hiện rất nhiều sỏi đúc khuôn trong toàn bộ đường mật trong gan 2 bên, viên sỏi to nhất có kích thước 5cm. Không muốn một lần nữa phải mổ mở để lấy sỏi, chị tìm đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. 

Sau khi thăm khám và chụp chiếu, các bác sĩ phát hiện có rất nhiều sỏi trong gan, nhu mô gan có dấu hiệu xơ hóa nhẹ. Bình thường sỏi đường mật trong gan có kích thước 1-2 cm, trong khi ở bệnh nhân này là 5 cm, to hơn thân đốt sống, lấp đầy đường mật trong gan. Đây là trường hợp có sỏi đường mật trong gan lớn nhất các bác sĩ tại đây từng thấy.

Bệnh nhân được hội chẩn liên khoa: ngoại khoa, nội khoa và can thiệp và được chỉ định tán sỏi qua da bằng Laser. Sau tán sỏi, hiện chị bệnh nhân đã đi lại được dù vẫn hơi đau vì ống sonde dẫn lưu chưa được rút. Kết quả siêu âm và chụp đường mật cho thấy trong gan không còn sỏi. Bệnh nhân được cho xuất viện và hẹn ngày tái khám. 

Đi khám vì đau bụng, người phụ nữ phát hiện sỏi đúc khuôn đầy trong gan

Hình ảnh sỏi mật sau khi được tán nhỏ và lấy ra. Ảnh: Dân trí

ThS.BS Phan Nhân Hiển, khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội- người trực tiếp làm can thiệp cho bệnh nhân cho Dân trí biết, khả năng tái phát sỏi trong gan của phương pháp này tương đương phẫu thuật, phụ thuộc vào tình trạng chuyển hóa, chế độ ăn sinh hoạt của bệnh nhân, thành đường mật… Bệnh nhân được hẹn tái khám 6 tháng 1 lần, phòng nguy cơ tái phát. 

Theo bác sĩ Hiển, sỏi đường mật là bệnh lý khá phổ biến, chỉ sau sỏi thận. Trung bình mỗi năm, các bác sĩ gặp hàng trăm ca sỏi đường mật trong gan và sỏi ống mật chủ, đa số có thể áp dụng tán sỏi mật qua da bằng laser. Biểu hiện đầu tiên của bệnh nhân là đau bụng, nếu không có tắc mật thì không có biểu hiện khác. Nếu bệnh nhân có tắc mật thì có thêm biểu hiện vàng da, sốt, chán ăn do không có mật xuống ruột. 

Sỏi đường mật nếu không được phát hiện, điều trị sớm có thể để lại hậu quả nặng nề như thành đường mật bị viêm mạn tính lâu ngày, sần sùi, mất độ trơn nhẵn, xơ hẹp. Khi đó, việc điều trị phục hồi khó, bệnh nhân hay bị tái phát sỏi, xơ gan mật, thậm chí có nguy cơ hình thành ung thư về sau.

Do đó, để phòng bệnh, bác sĩ khuyên người dân cần thực hiện ăn chín uống sôi, tập thể dục đều để dịch mật lưu thông tốt xuống ruột. Đồng thời khám định kỳ siêu âm gan mật cũng đóng vai trò quan trọng, giúp phát hiện sớm bệnh lý này. 

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN