Thứ sáu, 19/04/2024 | 14:36
RSS

Đề xuất CSGT công khai tên, điện thoại… khi làm nhiệm vụ

Thứ sáu, 28/06/2019, 20:35 (GMT+7)

Trong dự thảo mới nhất, Bộ Công an đề xuất phải công khai tên, chức vụ cán bộ và số điện thoại của đơn vị đi làm nhiệm vụ.

Đề xuất CSGT công khai tên, điện thoại…khi làm nhiệm vụBộ Công an đề xuất phải công khai tên, chức vụ cán bộ và số điện thoại của đơn vị đi làm nhiệm vụ. Ảnh minh hoạ

Báo Thời Đại cho biết, ngày 28/6, Bộ Công an công bố dự thảo Thông tư quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông để trưng cầu các ý kiến đóng góp trong vòng 2 tháng.

Mục đích của thông tư là nhằm thực hiện dân chủ để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân. Đồng thời, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, theo quy định của pháp luật

Thông tin trên báo Người Đưa Tin cũng cho hay, trong dự thảo này, Bộ Công an lần đầu tiên đề xuất lực lượng công an phải công khai tên, địa chỉ, số điện thoại, thư điện tử của đơn vị có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và công khai tên, cấp bậc, chức vụ của cán bộ làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính.

Ngoài ra, các cán bộ phải công khai các văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính (trừ những nội dung thuộc bí mật Nhà nước và nội bộ ngành).

Trong công tác đăng ký, cấp biển số xe, dự thảo đề xuất phải công khai tên, địa chỉ, nơi làm việc, số điện thoại, thư điện tử của đơn vị có nhiệm vụ đăng ký, cấp biển số xe và công khai tên, cấp bậc, chức vụ của cán bộ liên quan.

Cũng theo dự thảo, các hình thức tham gia ý kiến của nhân dân gồm: thông qua đơn, thư gửi cơ quan công an; thông qua điện thoại, đường dây nóng, hòm thư góp ý; thông qua các cuộc họp tại địa bàn cư trú (gồm: tổ dân phố, bản, làng, thôn, xóm); nơi làm việc, học tập; thông qua các cuộc điều tra xã hội học; thông qua hoạt động tiếp công dân của cơ quan công an.

Các hình thức giám sát của nhân dân gồm: thông qua các thông tin công khai của CAND và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với CAND; thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

PV (TH)
Theo Đời sống Plus/GĐVN