Ảnh minh họa.
Nếu đề minh họa đúng với tính chất minh họa cho cấu trúc, kiểu dạng, mức độ các câu hỏi của đề thi chính thức trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 thì nhiều giáo viên và học sinh bày tỏ sự yên tâm, cảm giác an toàn khi chuẩn bị bước vào thời gian ôn luyện sắp tới.
Bám sát chương trình
Cô Tú Anh, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Việt Nam - Cuba, Hà Nội cho biết, đề thi đảm bảo kiến thức cơ bản và không có kiến thức thuộc nội dung giảm tải. Đề vừa sức với học sinh, học sinh trung bình không khó để đạt mức điểm 5 - 6; học sinh khá cứng đạt 7 - 8,5 điểm. Cụ thể, so với đề thi những năm trước đây, đề thi tham khảo lần này sự thay đổi đáng chú ý trong câu số 4 phần đọc hiểu. Đây là sự thay đổi phù hợp.
TS Ngữ văn Trịnh Thu Tuyết cũng cho rằng đề minh họa môn Ngữ văn năm nay nhìn chung không thay đổi so với đề thi tham khảo lần 2 và đề thi chính thức môn Ngữ văn kì thi Tốt nghiệp THPT năm học 2019 - 2020. Đề thi giữ nguyên hai phần như cấu trúc đề thi THPT quốc gia từ năm 2017 tới nay, tạo sự quen thuộc, phù hợp với tâm lý, nhận thức của học trò. Đặc biệt, với nhiều hơn các câu hỏi nhận biết so với các kỳ thi trước đây phù hợp với xu hướng giảm tải như chủ trương của Bộ GDGT đã công bố trước đó.
Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử và Địa lý có 25-30% câu hỏi ở mức độ vận dụng, vận dụng cao, phục vụ cho mục tiêu tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng. Tổ Khoa học xã hội - Hệ thống giáo dục HOCMAI nhận xét, đề tham khảo hai môn này có các câu hỏi có nội dung tương đương với đề thi 2020. Tuy nhiên, mức độ khó có phần gia tăng hơn bằng việc tăng độ nhiễu trong các đáp án ở một số câu hỏi. Trong đó, 90% tổng số câu hỏi thuộc kiến thức lớp 12 và 10% hoặc nhỏ hơn câu hỏi thuộc lớp 11.
Mức độ câu hỏi nhận biết thông hiểu chiếm khoảng 70-75% tổng số câu, đảm bảo mục tiêu xét tốt nghiệp, các câu hỏi chủ yếu nằm trong nội dung sách giáo khoa, nội dung rõ ràng không lắt léo. 25-30% câu hỏi ở mức độ vận dụng và vận dụng cao, phục vụ cho mục tiêu tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng.
Tăng mức độ phân hóa
Đây là nhận định của thầy Trần Mạnh Tùng- giáo viên Toán (Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) về đề tham khảo môn Toán kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 so với đề thi năm 2020. Cụ thể, về cấu trúc đề thi, đề năm 2021 có cấu trúc tương tự đề chính thức năm 2020. Bao gồm 50 câu, thời gian làm trong 90 phút. Về phân bổ phạm vi kiến thức lớp 12 là 9 điểm (45 câu), gồm tất cả các nội dung. Lớp 11 chỉ 1 điểm (5 câu), gồm: Dãy số, tổ hợp, xác suất, góc, khoảng cách (mỗi phần 1 câu).
Có 4 mức độ trong đề thi, bao gồm: 6 điểm (câu 1 - 30): Mức độ dễ (nhận biết + thông hiểu); 2 điểm (câu 31 - 40): Mức độ trung bình (vận dụng); 1 điểm (câu 41 - 45): Khó (vận dụng); 1 điểm (câu 46 - 50): Rất khó (vận dụng cao). Đối với 8 điểm đầu tiên có cùng mức độ đề 2020. Với 2 điểm tiếp theo là khó hơn, đặc biệt là 5 câu cuối.
Thầy Phạm Quốc Toản- giáo viên Vật lý (Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng), nhận định đề thi vật lý dễ thở với học sinh có mục tiêu tốt nghiệp (dễ kiếm điểm 5), phân loại tốt với học sinh dùng môn Vật lí để xét tuyển đại học (8 câu cuối). Dự kiến phổ điểm chủ yếu sẽ tầm từ 5 đến 7 điểm nhưng điểm 9 sẽ ít, còn điểm 10 thì chắc chắn vẫn rất rất hạn chế.
Cho rằng đề thi một số môn năm nay có độ khó hơn 2020 là hợp lí, thầy Trần Mạnh Tùng cho rằng trong năm học này, dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt hơn, mức độ tác động đến dạy và học là ít hơn so với năm học trước.
Bên cạnh đó, số trường đại học, số thí sinh dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào đại học vẫn cao (Ví dụ như năm 2020, số thí sinh đỗ đại học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT lên đến 60%). Vì thế, kết quả này vẫn là 1 căn cứ tin cậy và chủ yếu để xét tuyển đại học. Cần tăng độ khó để thuận lợi trong tuyển sinh đại học
Từ nay đến lúc thi dự kiến chỉ còn khoảng 3 tháng, các chuyên gia lưu ý thí sinh cần tập trung để học và ôn thi. Bên cạnh việc nghiên cứu các đề tham khảo, cần lên kế hoạch học và ôn thi chi tiết với phương châm: nắm chắc kiến thức cơ bản, sau đó mới mở rộng lên phần nâng cao và rèn luyện kỹ năng thông qua các bài thi thử.
Việc công bố các đề thi tham khảo nhằm giúp giáo viên, thí sinh có kế hoạch ôn tập, chuẩn bị tốt cho kỳ thi sắp tới. Theo chủ trương của Bộ GDĐT, cấu trúc đề thi giữ ổn định để thuận lợi cho việc dạy học, ôn tập của giáo viên, học sinh, trong đó chú trọng tới chất lượng, độ tin cậy của đề thi để phân loại học sinh.