Tuy nhiên, với hàng loạt sai phạm tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Bộ Công Thương thời gian qua, càng đòi hỏi phải sớm có cơ chế kiểm soát hữu hiệu hơn, tránh tình trạng tập trung quyền lực, thiếu dân chủ, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước và Nhân dân.
Hệ lụy nghiêm trọng
Bấy lâu nay, dư luận thừa hiểu rằng, không phải bỗng nhiên một số “ông nọ, bà kia” được cất nhắc, thăng tiến một cách chóng mặt dù chức danh được bổ nhiệm chẳng liên quan đến nghiệp vụ, chuyên môn; bất chấp các quy định ngặt nghèo; bất chấp sự phản ứng của xã hội.
Họ cũng biết rõ ai là người sắp đặt, “chống lưng” cho những việc làm sai trái với động cơ, mục đích là gì. Bởi thế, mới có nhiều trường hợp bổ nhiệm “thần tốc”, “siêu thần tốc” cán bộ theo kiểu “quan hệ, tiền tệ, hậu duệ” , theo kiểu “con ông, cháu cha” hoặc cả nhà làm quan, cả họ làm quan.
Thế mới có chuyện Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận hay Vũ Đình Duy dù sai phạm “khủng” nhưng vẫn được ông Vũ Huy Hoàng khi còn làm Bộ trưởng Bộ Công Thương ưu ái “xếp ghế” to.
Thế mới xuất hiện ngày càng nhiều dự án thua lỗ nghiêm trọng kéo dài, đến hàng nghìn tỷ đồng như Xơ sợi Đình Vũ, Ethanol Phú Thọ, Ethanol Bình Phước… tới khi phát hiện thì không còn khả năng cứu vãn, rồi không ít “sếp lớn” một thời của PVN, bất chấp sai lầm trong công tác cán bộ cũng như đầu tư kinh doanh, vẫn “tằng tằng mà tiến”.
Đó là những hệ quả tất yếu của tình trạng lợi dụng, lạm dụng quyền lực trong hệ thống công quyền hiện nay.
Trụ sở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (ảnh lớn); Trịnh Xuân Thanh (ảnh nhỏ).
Rất may là Đảng đã nhận ra điều này và đang có nhiều giải pháp thực hiện quyết liệt. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Hội nghị T.Ư 4 (Khóa XII) có đưa ra 4 biện pháp để chống tham nhũng, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Tổng Bí thư nói: “Đó là Kiểm soát quyền lực, người ta hay gọi là nhốt quyền lực vào lồng.
Hiện nay, Đảng có cơ chế dân chủ chính là kiểm soát quyền lực, chứ một mình lãnh đạo mà tự tung, tự tác quyết hết thì dễ sai lắm. Thứ hai là, công tác cán bộ không có đề bạt suốt đời, tư duy nhiệm kỳ, có lên mà không có xuống, có vào mà không có ra, giờ phải đổi mới công tác cán bộ. Thứ ba là, phê bình và tự phê bình phải tiếp tục làm tiếp.
Đặc biệt thứ tư là, nhấn mạnh vai trò giám sát của MTTQ, của Nhân dân, mới chống được tham nhũng, làm sao có những cơ chế, tạo điều kiện cho Nhân dân, MTTQ trong giám sát tham nhũng. Phải chú ý kiểm soát thu hồi tài sản, kê khai tài sản, phải quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn thì dân mới tin”.
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng), cái “lồng” kiên cố để nhốt quyền lực ở đây chính là kỷ luật Đảng và khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật Dân chủ phải gắn liền với kỷ luật, phải thực hành dân chủ rộng rãi, đồng thời siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, dân chủ thực chất và tập trung đúng đắn.
Mọi cán bộ lãnh đạo, quản lý dù ở cấp nào đều phải sinh hoạt trong một tổ chức Đảng, chịu sự quản lý của chi bộ mà mình sinh hoạt, của cấp ủy mà mình là thành viên. Đó là vấn đề có tính nguyên tắc.
Nếu phát huy dân chủ rộng rãi và thực chất trong Đảng, trong từng tổ chức Đảng và cấp ủy thì sẽ không để một người đứng đầu có thể thao túng, chi phối, thậm chí vô hiệu hóa tổ chức Đảng và những đảng viên trung thực.
Do dân chủ hình thức, không thực chất nên dẫn đến độc đoán, chuyên quyền và dù bổ nhiệm cán bộ “đúng quy trình” vẫn để lọt vào hàng ngũ lãnh đạo những cán bộ không đủ tiêu chuẩn và không chọn được cán bộ thật sự có tài, có đức.
Cơ chế “mở” để Nhân dân giám sát
PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, thực trạng công tác cán bộ hiện nay đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa hiệu quả, hiệu lực quản lý, giám sát, kiểm soát công việc của cán bộ do cấp mình quản lý.
Cần thiết phải có những quy định chung, đồng thời có những quy định rất cụ thể về quản lý cán bộ lãnh đạo, quản lý trong công việc họ đảm nhiệm, đồng thời quản lý, kiểm soát về tư tưởng chính trị, về thu nhập, về đạo đức, lối sống… Xử lý nghiêm bằng kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý sai phạm.
Mọi cán bộ, đảng viên phải thượng tôn pháp luật, nếu sai phạm phải bị xử lý nghiêm theo pháp luật, bình đẳng trước pháp luật.
Việc quản lý cán bộ, kiểm soát quyền lực trong điều kiện Đảng cầm quyền, cán bộ, đảng viên của Đảng nắm vị trí lãnh đạo các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp đòi hỏi phải bảo đảm quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Thực hiện tốt việc kiểm soát giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp chính là sự bảo đảm kiểm soát quyền lực của cán bộ có hiệu quả.
PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc cũng cho rằng, Nhân dân chính là “tai mắt” của mọi xã hội. Chỉ có Nhân dân mới biết được người cán bộ từ khu phố, từ quận, phường… rõ nhất. Nhưng, người dân có biết cũng không làm gì được, nếu không có những cơ chế thực sự có hiệu quả để “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” như khẩu hiệu mà chúng ta đã nêu.
Để cho những người dân bình thường, không có quyền lực, thực hiện được quyền lực của mình, chúng ta chỉ có thể thực hành mọi điều một cách dân chủ, công khai, minh bạch và thượng tôn pháp luật.
Đồng tình quan điểm này, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư Vũ Quốc Hùng nhấn mạnh: “Tất cả những biểu hiện, những giải pháp ngăn chặn đều đã được đưa ra cụ thể tại Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XII). Do đó, không chỉ cá nhân tôi mà rất nhiều đảng viên, Nhân dân đang rất mong mỏi việc thực hiện, cụ thể hóa như thế nào mà thôi.
Theo tôi, cần phải triển khai dân chủ hơn, có tiếng nói tham gia của người dân, đừng làm một cách hình thức. Chúng ta phải nghiên cứu xây dựng một diễn đàn “mở” để tất cả mọi người có thể góp ý, xây dựng, giám sát”. Có như vậy, cơ chế kiểm soát quyền lực mới thực sự hiệu quả, mới hạn chế được tham nhũng, tiêu cực và lợi ích nhóm.