Chủ nhật, 19/01/2025 | 09:35
RSS

​Bí thư Đinh La Thăng: TP HCM quá tải cả trên trời, dưới đất

Thứ năm, 27/10/2016, 00:00 (GMT+7)

Bí thư Đinh La Thăng cho rằng, TP HCM hiện đang quá tải cả trên trời cả dưới đất, người dân thành phố rất khổ mỗi lần ngập nước do triều cường…

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội chiều 22/10, Bí thư Thành uỷ TP HCM Đinh La Thăng cho biết, thành phố đang gặp phải thách thức rất lớn trong các vấn đề như ùn tắc giao thông ngập nước..., chưa có đủ nguồn lực để giải quyết.

Bí thư Thành uỷ TP HCM Đinh La Thăng

Bí thư Thành uỷ TP HCM Đinh La Thăng

Kết nối của TP HCM rất yếu

Bí thư Đinh La Thăng cho hay, Thủ đô Hà Nội có cao tốc Hà Nội- Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Ninh Bình, Hà Nội – Hoà Lạc. Các tuyến cửa ngõ vào thủ đô đều cao tốc.

Trong khi đó, các cửa ngõ từ miền Tây Nam Bộ vào TP HCM đều tắc hết.

Ngay Bình Dương đến TP HCM, đường Bình Dương 60m, vào TP có 23m nhưng muốn khai thác làm Safiri ở Củ Chi 500ha mà đường đấy thì không thể đi được.

Kết nối TP HCM với các địa phương trong vùng chưa tốt, là hạt nhân mà TP không có kết nối với các tỉnh lân cận. Đây là vấn đề các địa phương rất bức xúc.

Sân bay Tân Sơn Nhất, với tiến độ làm Long Thành như hiện nay thì với dự báo đến 2020 là 200 triệu khách, năm nay dự kiến 32 triệu hành khách là quá tải.

Bởi vậy, TP HCM đang quá tải cả trên trời cả dưới đất, quá tải từ ngoài sân bay. Đi máy bay bay giữa trời cả nửa tiếng, thậm chí một tiếng mới đáp được.

Sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên trong tình trạng quá tải

Sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên trong tình trạng quá tải (Ảnh: Internet)

TP HCM phải “thắt lưng buộc bụng”

Nhắc lại Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM, Bí thư Đinh La Thăng cho biết, Nghị quyết đã xác định xây dựng TP HCM thành trung tâm của cả nước, vì cả nước.

Đề thực hiện nhiệm vụ đề ra, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa GDP 2011-2020 cao hơn 1,5 lần mức tăng trưởng bình quân cả nước; GDP bình quân đầu người 2020 đạt khoảng 8.500 USD.

5 năm 2010-2015 TP HCM đã tăng trưởng 9,6 lần, gấp 1,66 lần cả nước. Những năm tới thực hiện mục tiêu Bộ Chính trị giao thì xem xét để tăng tỉ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố với những nguồn thu có sự phân chia giữa Trung ương và thành phố thực hiện từ 2015.

Tuy nhiên, ông Đinh La Thăng cho rằng, nếu như để giữ tốc độ cao hơn 1,5 bình quân cả nước thì phải đầu tư lại.

Hiện nay, điều tiết về TP HCM có ý kiến cho rằng chỉ để 18%, tức giảm từ 23% xuống còn 18% tỷ lệ ngân sách được giữ lại nhằm chia sẻ với khó khăn chung của cả nước vì mình là đầu tàu cả nước, vì cả nước.

Tuy nhiên, Thường vụ Thành uỷ TP HCM đã bàn và báo cáo Bộ Chính trị và báo cáo Quốc hội là chỉ giảm từ 23% xuống còn 21%. Bởi nếu không để TP có đủ ngân sách đầu tư trở lại thì khó lòng tăng trưởng được.

Nêu thực tế “thắt lưng buộc bụng” của TP HCM, Bí thư Đinh La Thăng cho rằng, không phải thành phố kêu khổ mà phải phân tích, đánh giá đúng thực trạng để có đề xuất với Quốc hội, làm sao cùng chia sẻ cho cả nước và cũng phải chăm lo cho "đầu tàu" để tốc độ chạy nhanh hơn. “Phải chăm lo được cho đầu tàu để tốc độ chạy nhanh hơn, đủ lực để chạy. Chứ đầu tàu chậm lại 1 chút để lấy lại gia tốc là rất khó,” Bí thư lưu ý.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm (Phó bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP HCM) cho hay, tổng thu của TP HCM là 347.000 tỷ đồng. Trách nhiệm của thành phố là đơn vị đầu tàu, so với nhiều địa phương khác thì TW cũng đã tập trung lãnh đạo để TP phát triển. Nhiều luật cũng lồng ghép để tạo điều kiện thuận lợi cho TP HCM phát triển được như hiện nay. Đóng góp GDP của TP HCM năm sau cao hơn năm trước.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng cho rằng, việc tỷ lệ ngân sách thành phố được giữ lại giảm từ 23% xuống 18% giai đoạn 2017 - 2020 là "giảm một cách đột ngột". Bà Tâm đề nghị chỉ giảm từ 23 % xuống 21% tỷ lệ ngân sách được giữ lại/.

Trần Ngọc - Ngọc Thành
VOV