Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:42
RSS

Đau đầu căng cơ: Nguyên nhân, triệu chứng & cách điều trị

Thứ bảy, 15/04/2023, 11:37 (GMT+7)

Trong nhóm bệnh đau đầu nguyên phát, đau đầu do căng cơ là dạng chiếm tỷ lệ cao nhất khoảng 78%. Mặc dù bệnh chiếm tỷ lệ cao và gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống nhưng lại thường dễ bị người bệnh ngó lơ. Vì sao lại như vậy? Hãy cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.

I - Đau đầu căng cơ là bệnh gì?

Đau đầu căng cơ hay còn được biết đến với tên gọi đau đầu do căng thẳng. Bệnh gây ra cơn đau lan tỏa, ổn định từ trán đến chẩm thay vì là đau nhói như trong chứng đau nửa đầu. Người bệnh mô tả cơn đau như bị một dải băng thắt chặt quanh đầu. Cơn đau có thể là cấp hoặc mạn tính, kéo dài liên tục hoặc hàng ngày.

đau đầu căng cơ là thế nào

II - Nguyên nhân gây ra chứng đau đầu căng cơ

Cho tới nay, các nghiên cứu vẫn đang được thực hiện để tìm ra nguyên nhân chính xác gây bệnh đau đầu căng cơ. Có nhiều ý kiến cho rằng các mô cơ quanh sọ bị siết chặt có liên quan đến cơn đau cấp tính. Trong khi đó, sự rối loạn trong kiểm soát nhận cảm đau của thần kinh trung ương có vai trò khiến bệnh chuyển thành thể mạn tính.

Ngoài ra, có những yếu tố gián tiếp cũng góp phần khiến triệu chứng đau trở nên trầm trọng hơn như:

  • Mắt nhức mỏi do phải tập trung nhìn vào màn hình điện tử trong thời gian dài.
  • Thiếu ngủ hoặc mất ngủ.
  • Các căng thẳng liên quan đến gia đình, công việc, cuộc sống…
  • Thói quen sống ít vận động, ít luyện tập thể dục, thể thao.
  • Nhạy cảm với mùi hương đặc biệt (ví dụ nước hoa, mùi sơn...).
  • Nhạy cảm với tiếng ồn (còi xe, tiếng nhạc lớn…).
  • Cơ thể suy nhược do làm việc quá sức hoặc chế độ dinh dưỡng thiếu chất…

nguyên nhân gây đau đầu căng cơ

III - Chẩn đoán bệnh và nhận biết triệu chứng của đau đầu căng cơ

Khi gặp phải cơn đau đầu kiểu căng thẳng, người bệnh thường có những triệu chứng được mô tả khá rõ ràng như sau:

  • Cơn đau giống như việc bạn bị buộc một dải băng quá chặt quanh đầu. Đau tại những vùng mà dải băng vắt qua: từ trán lan sang 2 bên thái dương, tiếp tục đến sau đầu (chẩm) cuối cùng lan xuống vùng cổ và vai gáy.
  • Đặc điểm của cơn đau là âm ỉ, có tính đối xứng, cảm giác như bị đè nén, đau có thể tăng dần đến mức căng tức.
  • Cơn đau xuất hiện theo đợt, hoặc hàng ngày và kéo dài từ vài phút đều vài tiếng, thường xuyên hoặc không.

Cần phân biệt với triệu chứng của cơn đau nửa đầu thường là đau 1 bên, đau kiểu nhói, có cảm giác buồn nôn, sợ ánh sáng. Những triệu chứng này không xuất hiện trong đau đầu do căng cơ.

Chụp chiếu hoặc xét nghiệm không thể chẩn đoán xác định bệnh, mà chỉ giúp loại trừ khả năng đây là triệu chứng của một bệnh lý khác nghiêm trọng hơn như có khối u, chảy máu hoặc nhiễm trùng. Bác sĩ sẽ xác định bệnh bằng cách dựa trên sự mô tả cụ thể các vấn đề mà người bệnh nhân gặp phải.

chuẩn đoán đau đầu căng cơ

Dưới đây là bộ tiêu chí để chẩn đoán bệnh đau đầu căng cơ trong bản phân loại rối loạn đau đầu quốc tế (ICHD-II), giúp bạn có thể tham khảo và tự đánh giá:

  • Cơn nhức đầu kéo dài từ 30 phút đến 7 ngày.
  • Có ít nhất 2 trong số các đặc điểm sau:
  • Vị trí đau có tính đối xứng hai bên.
  • Cảm giác như bị ép chặt tại vùng đau.
  • Cường độ đau từ nhẹ đến trung bình.
  • Khi hoạt động bình thường không làm cơn đau trầm trọng hơn.

Không có cả 2 điều sau:

  • Cảm thấy buồn nôn, nôn.
  • Đau đầu kèm cảm giác sợ ánh sáng hoặc âm thanh.

Nếu bạn đáp ứng các tiêu chí trên và:

  • Cơn đau xảy ra trung bình <1 ngày/tháng, xác định đây loại đau đầu căng cơ theo đợt, không thường xuyên.
  • Cơn đau xảy ra trung bình từ 1-15 ngày/tháng, xác định loại đau đầu căng cơ theo đợt, thường xuyên.
  • Cơn đau xảy ra >15 ngày/tháng, bệnh chuyển thành đau đầu căng cơ mạn tính.

IV - Đau đầu căng cơ có nguy hiểm không?

May mắn là, đau đầu do căng cơ thường có đáp ứng tốt với điều trị và không có xu hướng gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Mặc dù vậy, khi bệnh kéo dài và chuyển thành mạn tính sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công việc và cuộc sống của người bệnh. Chứng đau đầu do căng thẳng cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh lý tiềm ẩn như bệnh về tuyến giáp, các rối loạn thần kinh hoặc khối u. Lúc này, bạn nên đi khám bác sĩ để được tư vấn và chẩn đoán kịp thời.

V - Điều trị chứng đau đầu căng cơ thế nào?

Các biện pháp giúp làm thuyên giảm và kiểm soát tốt triệu chứng đều được khuyến khích, bao gồm cả biện pháp dùng thuốc, và không dùng thuốc.

1. Sử dụng thuốc điều trị đau đầu căng cơ

Thuốc điều trị đau đầu căng cơ có thể chia ra theo hai mục đích: thuốc điều trị bệnh cấp tính đau từng cơn và thuốc dự phòng để giảm thiểu số đợt đau xảy ra.

Đối với các cơn đau đầu cấp tính, thuốc thường được chỉ định là thuốc giảm đau:

  • Thuốc giảm đau nhóm chống viêm không steroid (NSAID) như: aspirin, ibuprofen và paracetamol.
  • Trường hợp cơn đau nặng hơn, kèm mất ngủ bác sĩ có thể kết hợp với caffeine. Thuốc an thần không phải là lựa chọn đầu tay vì gây giảm tỉnh táo và dễ bị lạm dụng, phụ thuộc.
  • Cũng có trường hợp cơn đau đầu do căng cơ đi kèm chứng đau nửa đầu, bạn có thể sẽ được kê triptan để giảm đau hiệu quả hơn.

Những bệnh nhân có cơn đau kéo dài và tiến triển thành mạn tính, thuốc giảm đau không làm thuyên giảm tình trạng bệnh, bác sĩ có thể kê một số thuốc nhằm dự phòng các cơn đau đầu tái phát:

  • Nhóm thuốc chống trầm cảm được đánh giá là vừa có tác dụng giảm đau đầu, vừa giúp làm mềm cơ là: amitriptyline và nortriptyline. Tuy nhiên vẫn cần xem xét tác dụng phụ thường gặp bao gồm khô miệng, buồn ngủ, táo bón và mờ mắt.
  • Nhóm thuốc chống co giật và thuốc giãn cơ cũng có thể được bác sĩ sử dụng.

Để giảm thiểu tác dụng phụ, hiệu quả phòng ngừa cao, thuốc nên được bắt đầu bằng liều thấp nhất và tăng dần cho đến khi thấy hiệu quả. Việc sử dụng và điều chỉnh liều chỉ nên được thực hiện bởi bác sĩ, người bệnh tuyệt đối không nên tự ý điều trị.

điều trị đau đầu căng cơ

2. Trị liệu vật lý

Phương pháp tác động vào mô cơ mà không cần dùng thuốc đó là các phương pháp vật lý trị liệu như:

  • Trị liệu đau mỏi cơ chuyên sâu: Dùng tay tác động vào mô cơ bị tổn thương, giúp thư giãn vùng cơ đang bị đau mỏi.
  • Trị liệu thần kinh cột sống: Nắn chỉnh khớp xương về đúng vị trí góp phần giải phóng các dây thần kinh khỏi bị chèn ép.
  • Một số phương pháp trị liệu công nghệ cao: trị liệu laser, sóng xung kích Shockwave...

3. Thay đổi thói quen sống

Thuốc có thể hữu ích đối với các triệu chứng đau đầu, nhưng đừng quên những tác nhân gây căng thẳng cũng là nguyên nhân thứ phát dẫn đến tình trạng nặng lên của bệnh. Do đó việc thay đổi thói quen sống lành mạnh là phương pháp an toàn và hiệu quả:

  • Hạn chế tối thiểu hoặc tạm tránh xa những yếu tố có thể gây căng thẳng.
  • Xây dựng lối sống thể dục, thể thao lành mạnh.
  • Bổ sung chế độ ăn đủ chất, tốt cho sức khỏe, hạn chế đồ ăn rán, chiên, xào.
  • Ngủ đủ giấc và tạo thói quen ngủ đều đặn, hạn chế thức quá khuya.
  • Tập thiền định, thực hành các bài tập hít thở sâu, giúp cung cấp oxy cho não.
  • Sử dụng những sản phẩm hỗ trợ hoạt huyết, bổ huyết, tăng cường lưu thông máu lên não, từ đó mô cơ được nuôi dưỡng khỏe mạnh, hạn chế tình trạng đau mỏi do căng cơ.

Chúng tôi mong rằng những kiến thức trên đây đã phần nào cho bạn một cái nhìn rõ nét nhất về chứng đau đầu do căng cơ. Việc nắm rõ được triệu chứng và tác dụng của các phương pháp điều trị sẽ giúp bạn chủ động trong việc chẩn đoán và lựa chọn phương pháp phù hợp.

thông tin tư vấn

DS Lương Hưng
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại