Thứ sáu, 22/11/2024 | 02:50
RSS

Đắp lá để chữa tắc tuyến sữa, mẹ trẻ gặp biến chứng kinh hoàng

Thứ sáu, 19/06/2020, 10:59 (GMT+7)

Khi nhập viện, bác sĩ chẩn đoán sản phụ bị áp xe vú, ngực chảy mủ, đặc biệt ổ nhiễm trùng đã lan rộng gây tổn thương vùng xung quanh.

Đắp lá để chữa tắc tuyến sữa, mẹ trẻ gặp biến chứng kinh hoàng
Sản phụ bị tắc tuyến sữa nhập viện vào BV Sản Nhi Quảng Ninh

Vừa qua Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh có tiếp nhận một trường hợp sản phụ tự ý đắp lá điều trị tắc tuyến sữa dẫn đến bị nhiễm trùng chảy mủ. Kết quả khám lâm sàng cho thấy phần ngực có một ổ nhiễm khuẩn, chảy mủ...

Qua hội chẩn chuyên khoa Bác sĩ chẩn đoán sản phụ bị áp xe vú, ngực chảy mủ do tắc tuyến sữa và chỉ định chích áp xe và làm vật lý trị liệu cho bệnh nhân.

Đắp lá để chữa tắc tuyến sữa, mẹ trẻ gặp biến chứng kinh hoàng 2
Phần ngực của bệnh nhân bị nhiễm trùng, chảy mủ

Các bác sĩ cảnh báo, việc đắp lá tạo ra sự kích ứng da gây nên mẩn đỏ da tại vị trí bầu ngực. Bởi vì bản thân các loại lá cây chứa nhiều lông tơ nhỏ rất dễ gây kích ứng cho da, chưa kể nếu các lá cây chưa vệ sinh kỹ nhiễm bẩn hoặc chứa hóa chất thì còn nguy hiểm hơn.

Khi tạo áp xe, người nhà của bệnh nhân lại nặn bóp quá sớm làm ổ nhiễm trùng lan rộng gây tổn thương tổ chức mềm lành xung quanh, khiến bệnh lý nặng hơn.

Khi ngực căng, có dấu hiệu tắc sữa, sản phụ có thể chườm mát hoặc massager ngực sẽ có hiệu quả trước khi trở thành ổ áp xe. Có thể phối hợp sử dụng thông tắc sữa bằng máy hút sữa hoặc làm mềm ngực bằng máy vật lý trị liệu như đèn hồng ngoại, sóng siêu âm.

Đồng thời đến cơ sở chuyên khoa uy tín để bác sĩ khám, chẩn đoán và điều trị áp xe vú kịp thời, phòng tránh nguy cơ ung thư vú.

Theo các bác sĩ, nguyên nhân dẫn đến viêm tắc tia sữa thường là do người mẹ không cho trẻ bú sớm và thường xuyên, cho con bú khi đầu vú và bàn tay không vệ sinh sạch sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập từ ngoài vào ống dẫn sữa thông qua đầu vú.

Hệ thống ống dẫn sữa nhiễm khuẩn sẽ bị nhỏ hẹp gây cản trở sữa thoát ra ngoài. Sản phụ bị căng thẳng tinh thần trong thời kỳ cho con bú hoặc chế độ dinh dưỡng cho người mẹ chưa hợp lý cũng làm tăng nguy cơ tắc tia sữa.

Dấu hiệu đầu tiên của hiện tượng tắc sữa là bầu vú căng to hơn so với bình thường và càng lúc càng tăng dần, đau nhức và không tiết sữa hoặc ra ít. Có cảm giác mệt mỏi, nhức đầu, sốt, đau vú tăng lên nếu sữa đã ứ đọng nhiều ở bên trong. Khi sờ sẽ thấy có những khối tròn bề mặt gồ ghề, mật độ cứng với nhiều kích thước khác nhau, khi chạm vào rất đau.

Kiều Khanh
Theo Đời sống Plus/GĐVN