Thứ năm, 25/04/2024 | 22:49
RSS

Chồng chữa tắc tia sữa cho vợ, bác sỹ nói hành động đáng tuyên dương

Thứ năm, 28/12/2017, 12:00 (GMT+7)

Theo Bác sỹ - Lương y Phạm Thị Thanh Bình cho rằng, người chồng trực tiếp chữa tắc tia sữa cho vợ trong bệnh viện là rất dũng cảm và đáng tuyên dương.

người chồng mút trực tiếp chữa tắc sữa cho vợ
Hình ảnh người chồng trực tiếp hút chữa tắc tia sữa cho vợ gây xôn xao 

Mấy ngày nay, hình ảnh người chồng dùng miệng mút trực tiếp để chữa tắc tia sữa cho vợ trong bệnh viện được đăng tải trên mạng xã hội gây xôn xao. Người đồng tình ủng hộ người lại chê bai thiếu tế nhị. Trước tình hình này, PV Đời sống Plus đã có cuộc trao đổi với Bác sỹ - Lương y Phạm Thị Thanh Bình, hiện đang công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương, đồng thời là chủ nhiệm phòng khám chuyên chữa tắc tia sữa tại Đội Nhân, Hà Nội

Theo BS Bình, hành động dùng miệng mút trực tiếp để chữa tắc tia sữa cho vợ của người chồng này là đáng hoan nghênh, không có gì là xấu hổ, bởi ngày nay có rất ít ông chồng "dũng cảm" như vậy.

"Việc nhờ chồng mút để tắc tia sữa là việc làm bình thường. Từ xưa khi không có máy hút sữa, các ông chồng vẫn giúp vợ chữa tắc tia sữa bằng cách này. Tuy nhiên hiện nay thì ít người làm như vậy" - BS Bình nói.

Tuy nhiên, BS Bình cho rằng, việc nhờ người hút trực tiếp hay dùng máy hút để chữa tắc tia sữa chỉ là một phần. Sản phụ cần phải kết hợp thêm với việc chườm ấm, xoa bóp, vắt sữa.

Việc vắt sữa có thể thực hiện bằng tay hoặc bằng máy nhưng phải vắt kiệt. Các mẹ không nên có tâm lý tiếc sữa khi con không bú hết, vì để lâu chỉ gây ra ứ sữa lâu dần thành tắc, còn nguy hại hơn. Mẹ có thể dùng máy vắt nốt phần sữa thừa sau khi con bú để bảo quản trong tủ lạnh, cho bé dùng lần sau.

Bị tắc tia sữa sau khi thông rồi vẫn có thể bị tái đi tái lại nên các mẹ nhớ phải cho con bú thường xuyên"- BS Bình nhấn mạnh.

hình ảnh người chồng mút trực tiếp chữa tắc sữa cho vợ
Để tránh bị tắc tia sữa mẹ nên cho con bú thường xuyên

Theo BS Bình, nguyên nhân khiến sản phụ bị tắc sữa sau sinh chủ yếu là do sinh mổ, phải dùng kháng sinh, thân nhiệt nóng, gây tắc sữa. Một nguyên nhân phổ biến nữa là khi cho con bú, bé không bú hết, mẹ tiếc không vắt hết ra, lâu dần bị ứ sữa, gây ra tình trạng tắc sữa. Ngoài ra, việc mẹ không cho trẻ bú sớm và bú thường xuyên hoặc không vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi cho con bú... cũng là nguyên nhân khiến mẹ bị tắc tia sữa

Tắc tia sữa nếu không điều trị kịp thời và đúng phương pháp, sản phụ có thể bị viêm tuyến vú, áp-xe tuyến vú, lâu dần trở thành các dải xơ hóa hay u xơ tuyến vú. Ngoài ra, tắc tia sữa còn làm cho quá trình tạo sữa bị ảnh hưởng, dần dần người mẹ ít sữa hoặc sẽ mất sữa.

Để ngăn ngừa tắc sữa, BS Bình khuyến cáo các mẹ cần cho con bú đúng giờ, mỗi lần bú không quá dài, khoảng 10 – 15 phút là đủ, không để trẻ ngậm đầu ti ngủ. Mỗi lần cho bú phải bú hết sạch bên này rồi mới đổi sang bên kia, nếu bú không hết thì vắt ra ngoài. Mỗi lần cho bú, bạn cần giữ thật sạch đầu vú, nhất là ở các kẽ của núm vú.

Trước khi cho con bú phải lau sạch và vắt một vài giọt sữa đầu bỏ đi, khi bú xong lại phải lau sạch, khô. Khi vắt sữa thấy một tia nào tắc hoặc chảy không thành tia thì phải xoa vú cho mềm, sau đó vắt mạnh để thông sữa khi cho bú, hoặc là phải dùng máy vắt sữa thường xuyên như vậy sẽ tránh được tắc tia sữa.

Nguyễn Trang
Theo Đời sống Plus/GĐVN