Tôi thấy lạ khi thấy trên một số diễn đàn, người ta đang chia sẻ bức ảnh một người chồng đang khom người cúi xuống hút ti sữa cho vợ tại giường của bệnh viện, do người vợ bị tắc sữa với thái độ cười cợt, châm biếm, chế giễu. Tôi nghĩ chắc những người đàn ông ấy chưa là chồng, hoặc chưa từng ở trong cảnh huống vợ bị tắc sữa.
Còn những người đã là chồng, làm bố, hiểu được những gian nan, vất vả và cả những tình huống éo le mà người vợ gặp phải khi sinh, nuôi con mà cười cợt được, tôi cho rằng cần phải xem lại thái độ cũng như tình cảm mà anh ta dành cho vợ.
Sở dĩ thấy lạ khi nhìn bức ảnh kèm những dòng cười cợt, chế giễu ấy, bởi vì tôi nghĩ đó là cảnh quá bình thường. Bình thường như khi ta ốm đau, vợ vẫn thường ở bên chăm sóc, có khi phải bón cho ta từng miếng cơm, thìa cháo, hoặc khi ta say sỉn, vợ phải tháo cho ta từng chiếc giày, cởi từng chiếc tất.
Ông chồng nào nếu khả năng kìm chế kém, trót “ói” ra, thì người vợ vẫn cần mẫn giặt khăn nóng, lau miệng, lau chân cho vậy. Có gì đáng cười đâu nhỉ? Vợ chồng với nhau chứ đâu phải người xa lạ? Ngay cả là người xa lạ, nếu tình huống bất đắc dĩ, nếu có thể, người ta vẫn có thể giúp nhau được mà?
Tôi xem kỹ bức ảnh trên và thấy đây là khung cảnh diễn ra trong bệnh viện. Rất có thể chị vợ vừa sinh xong, đang bị tắc sữa. Đây là biểu hiện bình thường mà hầu hết các bà mẹ mới sinh đều gặp phải. Có những người phụ nữ, như tôi biết, họ đau chảy cả nước mắt khi gặp tình huống này. Đàn ông, tất nhiên không phải chịu nỗi đau ấy nên khó cảm nhận được, nhưng tôi nghĩ, nhìn nước mắt người mẹ mới sinh rơi ra một cách bất lực, đau đớn, mặt nhăn nhó, miệng rên rỉ, là đủ hiểu.
Điều đáng nói là những người xung quanh xuất hiện trong ảnh, họ vẫn hành động bình thường, không chú ý đến. Có thể họ coi đấy là việc bình thường, cũng có thể họ đang bận, không để ý, hoặc, nhiều khi họ ý tứ quay đi không quan sát để người chồng đỡ ngại ngùng hơn.
Hình ảnh khiến cư dân mạng tranh cãi những ngày qua
Người chụp bức ảnh này, chia sẻ lên, tôi nghĩ chắc cũng không có ý đồ gì xấu với người đàn ông đang lom khom hút ti để giải thoát cơn tắc sữa của vợ. Có thể, người ta chưa ở vào cảnh đó nên thấy vui và muốn chia sẻ với mọi người. Hoặc họ cảm phục thật sự hành động của người đàn ông kia nên muốn đăng lên để những người chồng khác nhìn vào học tập.
Một bức ảnh chụp “lén” nhưng tôi cho là đẹp. Nó đẹp ở sự nhân văn, ở tình yêu thương giữa người chồng với người vợ. Có mặt bên cạnh vợ lúc họ vượt cạn, nằm viện, ở lúc ấy, là điều mà người đàn ông nào cũng cần phải cố. Nhưng, có mặt ở đó không phải chỉ để “báo cáo có mặt”, mà phải quan tâm, chia sẻ, chăm sóc thực sự, tôi nghĩ, đó mới là cách đàn ông thể hiện hết trách nhiệm và tình cảm với vợ của mình.
Vợ tôi đã qua hai lần sinh, lần nào tôi cũng ở bên. Ơn Trời, vợ tôi sinh thường, lại sinh dễ, nên may thay, không phải chịu nhiều những giây phút đau đớn lúc vượt cạn. Quá trình nuôi con, vợ tôi cũng ít bị tắc sữa, hầu hết đều “tự mình giải quyết được”, nên tôi cũng chưa phải cúi người giúp vợ lần nào.
Chỉ có một lần, khi chuẩn bị đi ngủ, vợ tôi nhăn nhó kêu đau vì tắc sữa và chìa bầu ngực căng phồng do sưng ra phía chồng, tôi mới giật mình. Giật mình một lúc tôi chưa biết làm gì. Định há miệng, vục đầu vào “trợ giúp” thì vợ cười trêu: “Chưa đến mức phải như vậy đâu. Vợ đang tự xử lý rồi”. Lúc sau, vợ tôi cũng xử lý được thật. Nhìn vợ hết đau, mặt giãn ra, mà tôi thở phào nhẹ nhõm, như mình vừa qua một cơn đau hay một lần “sát hạch” vậy.
Khi yêu nhau, người ta hay thề non hẹn biển, hứa những điều cao sang, to tát. Khi lấy nhau rồi, tôi cho rằng, cả người vợ và chồng đều không cần những giây phút lãng mạn ngắm sao thề thốt mong ước nữa, mà cần những cử chỉ, hành động thực tế, giản dị hơn. Và cúi xuống giúp vợ giải thoát cơn đau vì bị tắc tia sữa chính là một hành động giản dị ấy. Đó chính là cách tốt nhất để thể hiện tình cảm vợ chồng, cũng như tình yêu thương của người chồng dành cho vợ. Mình yêu vợ mình, giúp vợ mình bớt đau, có gì mà phải ngại ngùng, giấu diếm? Nó cũng càng không đáng để thiên hạ phải xì xào bàn tán, hoặc cười chế nhạo, mỉa mai!