Hành vi đánh bạc trong ngày Tết có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ảnh minh hoạ
Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, người tụ tập đánh bài ăn tiền hay các hình thức cờ bạc càng nhiều. Có người chỉ chơi 5.000 - 10.000 đồng cho vui, nhưng cũng có người máu ăn thua, chơi nhiều hơn, sát phạt nhau với số tiền tăng dần mỗi ngày.
Nhiều người cho rằng, tết nhứt phải có tí đỏ đen mới vui tuy nhiên, hệ lụy khi tham gia cờ bạc, người chơi không chỉ bị mất mát tài sản, nhiều người còn mất luôn cả hạnh phúc gia đình, thậm chí rơi vào vòng lao lý.
Phân tích về luận điểm này, Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho hay, đánh bạc là được thua bằng tiền hay một vật có giá trị dựa vào kết quả chưa rõ ràng của một sự kiện với một mục đích có thêm tiền bạc hoặc giá trị vật chất.
Do vậy đánh bạc dựa trên ba yếu tố: sự tính toán, cơ hội và giải thưởng. Đánh bạc phân làm hai loại là đánh bạc có sự quản lý của nhà nước (đánh bạc hợp pháp)như xổ số, lô tô, casino...
Ngoài những hình thức đánh bạc mà nhà nước cho phép, quản lý thì các hình thức đánh bạc khác đều là đánh bạc trái phép, các hình thức đánh bạc trái phép như số đề, lô, ba cây, xóc đĩa...
Tất cả những hành vi có tính chất được thua bằng tiền, sát phạt lẫn nhau mà không được Nhà nước cho phép đều là đánh bạc trái phép. Các hành vi đánh bạc trái phép thường diễn ra vào những dịp lễ, tết và sau Tết Nguyên đán.
Tùy vào tính chất mức độ hành vi và số lượng tiền đánh bạc mà hành vi đánh bạc trái phép có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo quy định của pháp luật hiện nay thì hành vi đánh bạc trái phép từ 5.000.000 đồng trở lên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Còn dưới mức 5.000.000 đồng thì hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính Theo điều 321, Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 có quy định về tội đánh bạc, về tội này hành vi đánh bạc thắng thua bằng tiền mà có giá trị từ 5.000.000 đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự như sau: Điều 321. Tội đánh bạc.
1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua thắng bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: a) Có tính chất chuyên nghiệp; b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên; c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Cách tính tiền, giá trị vật dùng để đánh bạc thì không tính tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của tất cả các lần đánh bạc, mà phải căn cứ từng lần để xem xét như sau:
+) Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc đều dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (dưới 5.000.000 đồng) và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật hình sự, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm) thì người đánh bạc không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Đánh bạc.
+) Trường hợp tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của lần đánh bạc nào bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 5.000.000 đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đánh bạc đối với lần đánh bạc đó.
+) Trường hợp đánh bạc từ 02 lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 5.000.000 đồng trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần”.
+) Trường hợp đánh bạc từ 05 lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 5.000.000 đồng trở lên) và lấy tiền, hiện vật do đánh bạc mà có làm nguồn sống chính thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình tiết định khung “có tính chất chuyên nghiệp”.
2. Số tiền hoặc giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc được xác định như sau:
+ Tiền hoặc hiện vật thu giữ trên chiếu bạc.
+ Tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc.
+ Tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc.
Như vậy, ngoài tiền và hiện vật sử dụng để chơi bạc (được trực tiếp tại chiếu bạc), những tài sản trên người gồm cả tiền và hiện vật bị cơ quan chức năng thu giữ mà “có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc” thì cũng sẽ được xác định là tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc.
Đánh bạc có thể đã thành thói quen của nhiều người, thậm chí nhiều khu vực, vùng dân cư. Tuy nhiên hành vi đánh bạc trái phép là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này này thường diễn ra một cách phổ biến trong những ngày lễ, ngày tết, những lễ hội sau tết. Bởi vậy nhiều người đã bị xử phạt hành chính thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự bởi xa đà vào hành vi này.
Xem thêm:
Thanh Hoá: Bắt giữ hàng chục thanh niên mang theo hung khí hỗn chiến trong đêm