Thứ bảy, 18/01/2025 | 15:49
RSS

Đắk Lắk: Ca tử vong thứ 2 do sốt xuất huyết là người đàn ông U60

Thứ năm, 04/08/2022, 15:50 (GMT+7)

Đắk Lắk vừa ghi nhận thêm một ca tử vong do sốt xuất huyết, đây là ca tử vong thứ 2 trên địa bàn tỉnh.

Sự kiện:
Đắk Lắk


Ảnh minh họa.

Ngày 4/8, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk thông tin, trên địa bàn vừa ghi nhận trường hợp thứ 2 tử vong vì sốt xuất huyết  

Theo đó, bệnh nhân là anh V.V (SN 1968, Thôn 2, Thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana). Theo người nhà bệnh nhân thông tin, ngày 20/7, bệnh nhân V. có biểu hiện sốt cao liên tục, đau mỏi toàn thân, đã điều trị thuốc (không rõ chủng loại) tại 1 phòng khám tư trên địa bàn nhưng bệnh không giảm.

Đến ngày 23/7, bệnh nhân đi khám và nhập viện Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh và được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết Dengue ngày thứ 3. Đến ngày 27/7, khi bệnh diễn biến nặng, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên với chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue ngày thứ 7 mức độ nặng.

Đến 20h45 cùng ngày, bệnh nhân được chuyển xuống Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.Hồ Chí Minh. Đến ngày 30/7, người nhà xin đưa bệnh nhân về với chẩn đoán sốt xuất huyết nặng. Bệnh nhân tử vong trên đường về nhà.

Trước đó, trường hợp tử vong đầu tiên do sốt xuất huyết (vào ngày 25/7) trên địa bàn Đắk Lắk tính từ đầu năm nay là bệnh nhi 7 tuổi, ở TT.Ea Súp, H.Ea Súp.

Theo Sở Y tế Đắk Lắk thông tin, tính đến ngày 3/8, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 2.646 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 15 huyện, thị xã, thành phố, trong đó, riêng huyện Krông Ana ghi nhận 163 trường hợp mắc và 5 ổ dịch sốt xuất huyết.

Trước tình hình dịch Sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, để chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản yêu cầu các bệnh viện, đơn vị điều trị tăng cường tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết, chủ động xét nghiệm (kháng nguyên Dengue NS1) nhằm phát hiện ca bệnh và thông tin đến đơn vị dự phòng để kịp thời xử lý ổ dịch.

Bên cạnh đó cần bảo đảm đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu để cấp cứu người bệnh, đặc biệt là dung dịch cao phân tử để chống sốc; chuyển viện kịp thời khi đủ điều kiện, tránh quá tải cho tuyến trên.

Đối với các đơn vị hệ dự phòng cần tăng cường công tác truyền thông một cách phù hợp để nhân dân biết được các dấu hiệu nghi ngờ của bệnh sốt xuất huyết, sự nguy hiểm của bệnh và thông tin các cơ sở khám, chữa bệnh gần nhất để được khám bệnh, tư vấn.

HT
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại