Thứ sáu, 19/04/2024 | 19:35
RSS

Đại học Quốc gia Hà Nội không tổ chức luyện thi đánh giá năng lực

Thứ bảy, 18/02/2023, 07:16 (GMT+7)

Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục tuyển sinh đại học bằng xét điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi đánh giá năng lực và các chứng chỉ quốc tế.

Đại học Quốc gia Hà Nội không tổ chức luyện thi đánh giá năng lực

Kỳ thi đánh giá năng lực được ĐHQGHN tổ chức ngày càng tạo sức hút lớn.

Đa dạng xét tuyển

Ngày 16/2, Trường quốc tế Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), thông báo tuyển 1.760 sinh viên cho 15 ngành đào tạo, tăng hơn 300 chỉ tiêu so với năm 2022. Trong đó các ngành Quản lý, Kế toán và Tài chính, Quản trị khách sạn, thể thao và Du lịch sẽ do các đại học tại Mỹ và Anh cấp bằng, với 360 chỉ tiêu.

Phương thức tuyển sinh được chia thành 2 nhóm với các ngành do ĐHQGHN cấp bằng và đồng cấp bằng, Trường Quốc tế tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT 2023; điểm thi đánh giá năng lực (HSA); xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT, ĐHQGHN; xét tuyển chứng chỉ quốc tế như A-Level, SAT, ACT, IELTS, TOEFL iBT, bằng Tú tài quốc tế (IB).

Đại học Quốc gia Hà Nội không tổ chức luyện thi đánh giá năng lực

Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn xét tuyển linh hoạt nhiều hình thức.

Với các ngành do đại học nước ngoài cấp bằng, trường không tuyển sinh từ kết quả thi đánh giá năng lực (ĐGNL), mà sẽ xét tuyển thẳng theo quy định riêng. Các phương thức khác tương tự nhóm còn lại.

Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN công bố các phương thức tuyển sinh 2023. Theo đó, trường xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và ĐHQGHN; kết quả thi ĐGNL (HSA); xét chứng chỉ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Trường Đại học Kinh tế tuyển 2.370 sinh viên. Trường áp dụng 11 phương thức tuyển sinh. Xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT 2023 vẫn là phương thức chính, chiếm gần 60% tổng chỉ tiêu. Ngoài ra, trường Đại học Kinh tế dành khoảng 25% chỉ tiêu để xét tuyển kết hợp IELTS 5.5, TOEFL iBT 65 trở lên với điểm học bạ và phỏng vấn, hoặc với điểm thi tốt nghiệp THPT, trong đó tổng hai môn còn lại trong tổ hợp tối thiểu 15.

Cảnh báo luyện thi ảo

Được biết, có hơn 42.000 lượt thí sinh đăng ký thành công kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) do ĐHQGHN tổ chức trong ngày đầu tiên mở cổng đăng ký trực tuyến. Nhận thấy sức nóng của kỳ thi ĐGNL, nhiều nhóm luyện thi THPT quảng cáo khóa học tổng ôn luyện, các nhóm này quảng cáo khóa học chất lượng, mục tiêu bứt phá điểm tối đa 100+ với bài thi đánh giá năng lực.

Theo đó, thí sinh theo học khóa này sẽ chinh phục được mọi dạng bài gồm 10 đề tiêu chuẩn, 5 đề nâng cao, 10 đề thực chiến. Hay chỉ trong 75 ngày có thể nhân đôi cơ hội đỗ trường Top. Bên cạnh các thông tin cập nhật về kỳ thi đánh giá năng lực, các trang luyện thi cũng đăng tải chiêu sinh nhiều khóa ôn thi như khóa giải đề, khóa ôn từng môn, khóa live luyện đề, khóa combo…

Đại học Quốc gia Hà Nội không tổ chức luyện thi đánh giá năng lực

Kiểm tra hồ sơ thí sinh trước khi bước vào phòng thi.

Với mức học phí được đưa ra là thấp nhất 149.000 đồng/môn học và cao nhất là khóa giải đề lên đến gần 4 triệu đồng bằng hình thức học trực tuyến, tùy theo từng khóa mà có các hình thức giải đề, có giáo viên hướng dẫn, có kiểm tra và chấm điểm online…Để thu hút sự quan tâm của thí sinh, nhiều facebook được lập ra, đăng tải các bình luận trên các hội nhóm về việc chia sẻ đề thi, ôn thi khiến cho nhiều thí sinh đứng ngồi không yên với những hoạt động này.

Trả lời về những khẳng định của các trung tâm, trang luyện thi online giúp thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi ĐGNL, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN cho biết, ĐHQGHN không tổ chức hay liên quan tới bất cứ một hình thức ôn luyện nào với kỳ thi ĐGNL và cũng không liên kết với bất cứ tổ chức, trung tâm, cá nhân nào trong việc cung cấp bộ đề, ôn luyện cho thí sinh dự thi đánh giá năng lực.

“Đề luyện thi được quảng cáo có thể dựa vào các bài thi tham khảo hoặc cóp nhặt đề thi của trường này, trường kia khiến thí sinh cảm tưởng đề luyện thi giống đề thi thật. Tuy nhiên, với đề cóp nhặt kiểu này sẽ thiếu tính hệ thống hóa, học sinh giải các đề này cảm thấy chỗ rất khó, câu lại quá dễ không đúng với ma trận đề thi chính thống. Đội ngũ giáo viên, giảng viên tham gia làm đề thi đánh giá năng lực cũng đều cam kết với đơn vị không tham gia dạy thêm, ôn luyện thi cho thí sinh’.- GS Nguyễn Tiến Thảo khẳng định

Để đạt kết quả cao của kỳ thi này, thí sinh không cần tham gia bất cứ hình thức luyện thi nào mà chỉ cần làm quen với dạng bài thi qua đề thi tham khảo đã được công bố và củng cố kiến thức các môn học bậc phổ thông. Thí sinh cần hệ thống hóa kiến thức lớp 11, 12, có sự kết nối giữa các khoảng kiến thức, hiểu về khái niệm, bản chất, ứng dụng Quá trình ôn luyện kiến thức, các em nên đọc kỹ bài học, trao đổi với bạn bè và tìm hiểu về những ứng dụng. Kinh nghiệm giúp các thí sinh đạt điểm cao là khả năng đọc hiểu tốt, xử lý tốt, logic hóa tốt, bình tĩnh khi làm bài thi. - GS.TS Nguyễn Tiến Thảo.

Hà An
Theo Giáo dục & Thời đại