Phương pháp phẫu thuật cũ tiềm ẩn nhiều biến chứng
Một bệnh nhi bị não úng thủy từng điều trị tại bệnh viện Nhi Trung ương.
Não úng thủy là một bệnh lý thần kinh trung ương có thể để lại nhiều di chứng nặng nề ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Một phần không nhỏ các bệnh nhi mắc bệnh nếu được chẩn đoán sớm và điều trị tốt có thể phát triển tâm thần, vận động bình thường.
Trước đây, để điều trị bệnh nhân mắc bệnh này, các bác sĩ chỉ có một phương pháp duy nhất là tiến hành phẫu thuật đặt van dẫn lưu (shunt) bên trong não thất nơi có dịch não tủy tích tụ quá nhiều. Tuy nhiên, phương pháp được coi là duy nhất này vẫn tiềm ẩn nhiều biến chứng đối với các bệnh nhi như xuất huyết trong não, nhiễm trùng và tắc van dẫn lưu.
Mới đây, một phương pháp phẫu thuật mới có tên: phương pháp phẫu thuật nội soi phá sàn não thất III (ETV) kết hợp đốt đám rối mạch mạc (CPC) bằng ống mềm đã được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương áp dụng trong điều trị não úng thủy cho trẻ em. Từ tháng 5 năm 2017 đến nay đã có 227 bệnh nhi được phẫu thuật bằng phương pháp điều trị mới với thành công đáng ghi nhận.
Theo bác sĩ Trần Văn Sĩ, khoa Ngoại Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Trung ương, dịch não tủy một chất lỏng ở bên trong não có nhiệm vụ làm giảm tác động của các sang chấn từ bên ngoài lên não, cung cấp chất dinh dưỡng cho não và loại bỏ chất thải, đồng thời giúp điều chỉnh áp lực bên trong sọ não. Phương pháp phẫu thuật đặt dẫn lưu não thất là phương pháp mà các bác sĩ sẽ đặt một van dẫn lưu luân chuyển dịch não tủy trong não thất đến khoang khác trong cơ thể như ổ bụng, màng phổi, màng tim…
Như vậy, bệnh nhi có thể không chỉ phải phẫu thuật một lần và còn có thể nhiều lần. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của các cháu, thời gian nằm viện kéo dài và chi phí điều trị cao.
Đã có 370 em bé bị não úng thủy trên cả nước đã được phẫu thuật bằng phương pháp mới
Bác sĩ Trần Văn Sĩ đang thăm khám cho một bệnh nhi tại khoa Thần Kinh.
Nhìn cậu bé Nguyễn P. M (4 tuổi, Hà Nội) thông minh lanh lợi không ai nghĩ đây là em bé sinh ra với căn bệnh não úng thủy bẩm sinh. Mẹ cháu chia sẻ, khi mang thai cháu M được 5 tháng, gia đình đã được các bác sĩ siêu âm chẩn đoán cháu bị giãn não thất. Sau khi bé chào đời, gia đình đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám thì các bác sĩ ở đây cũng kết luận cháu mắc bệnh não úng thủy và chỉ định cháu M phẫu thuật.
Bé M được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật nội soi ngày 24/08/2017, khi bé được 2 tuổi. Đến nay, đã hơn 2 năm, qua 3 lần tái khám, các bác sĩ cho biết sức khỏe của cháu M tiến triển rất tốt: bé vận động và nhận thức tốt như những bạn bè cùng trang lứa.
Cùng đến tái khám đợt này với cháu M là bé Nguyễn B.Q (30 tháng tuổi). Cũng giống như bé M, cháu Q được các bác sĩ siêu âm chẩn đoán thoát vị não kèm giãn não thất từ khi còn trong bụng mẹ. Gia đình vẫn quyết tâm giữ con. Khi bé Q ra đời, cháu được đưa đến bệnh viện Nhi Trung ương điều trị bằng phương pháp phẫu thuật đặt ống shunt trong não thất.
Tuy nhiên khi bé 4 tháng tuổi, ống shunt lại bị tắc và trẻ lại tái diễn tình trạng giãn não thất. Lần thứ 2 đưa con đến phẫu thuật tại Bệnh viện Nhi Trung ương, gia đình bé Q được các bác sĩ tư vấn phương pháp phẫu thuật nội soi điều trị bệnh này. Đến nay, đã hơn 2 năm trôi qua, bé Q chưa phải phẫu thuật lại lần nào. Quá trình phát triển tinh thần và vận động của cháu cho kết quả bình thường.
Chia sẻ về kỹ thuật mới - phẫu thuật nội soi điều trị não úng thủy, bác sĩ Trần Văn Sĩ cho biết, với phương pháp này, các bác sĩ sẽ tiến hành mở một lỗ nhỏ trên sọ của bệnh nhân và đưa thiết bị nội soi qua đó để tiến hành phẫu thuật. Ưu điểm của phương pháp này là thời gian thực hiện ngắn (chừng 30-40 phút), tổn thương nhỏ nên ít gây đau đớn, nguy cơ biến chứng, nhiễm trùng thấp hơn.
Hiện nay, phương pháp mổ nội soi bằng ống nội soi mềm nằm trong chương trình hợp tác quốc tế giữa tổ chức Cure International và một số bệnh viện như Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM), Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Nhi Trung ương, chương trình hợp tác bắt đầu từ tháng 6 năm 2016 tại BV Nhi đồng 2. Cho đến nay, cả nước đã có 370 (trong đó Viện Nhi TW có 227 ca) bệnh nhi mắc bệnh được thụ hưởng lợi ích từ phương pháp tiên tiến này.
Phương pháp phẫu thuật nội soi điều trị não úng thủy là sáng kiến của bác sĩ Benjamin Warf, chuyên khoa Ngoại Thần kinh Bệnh viện Nhi Boston (Mỹ), giáo sư đại học y khoa Havard, một trong những người sáng lập tổ chức CURE International. Bác sĩ Warf đã đề xuất sử dụng ống nội soi mềm để kết hợp phá sàn não thất 3 và đốt đám rối mạch mạc trong cùng một phẫu thuật. Từ năm 2000-2006, ông đã đưa cả gia đình đến bệnh viện CURE tại Uganda để thực hành và hướng dẫn kỹ thuật này cũng như áp dụng cho các nước đang phát triển, các nước nghèo ở Châu Phi rồi đến Châu Á. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), phẫu thuật nội soi bằng ống mềm điều trị não úng thủy bắt đầu được triển khai từ tháng 5 năm 2017. |