Thứ bảy, 18/01/2025 | 20:18
RSS

Đã có 3.300 người tố Công ty Alibaba lừa 1.800 tỉ đồng

Thứ tư, 26/02/2020, 11:19 (GMT+7)

Tính đến ngày 20/2 cơ quan công an đã tiếp nhận 3.312 nạn nhân tố cáo Công ty CP địa ốc Alibaba lừa đảo tổng số tiền hơn 1.800 tỉ đồng.

Ngày 25/2, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho Thanh Niên biết tính đến ngày 20/2 đã tiếp nhận 3.312 nạn nhân tố cáo Công ty CP địa ốc Alibaba (viết tắt Công ty Alibaba, trụ sở Q.Thủ Đức, TP.HCM) lừa đảo tổng số tiền hơn 1.800 tỉ đồng.

Trong khi đó, theo tài liệu thu thập, cũng như hồ sơ mà Công ty Alibaba cung cấp, thể hiện công ty này đã bán nền đất cho hơn 6.700 khách hàng với số tiền giao dịch hơn 2.500 tỉ đồng (Báo Thanh Niên đã thông tin). Vì vậy, số nạn nhân tố cáo đến nay còn thấp so với số liệu ban đầu.

Công an TP.HCM nhận định còn nhiều người bị Công ty Alibaba lừa đảo chưa ra trình báo, nên kêu gọi ai là nạn nhân đến Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) Công an TP.HCM trình báo nhằm đảm bảo quyền lợi sau này.

Liên quan đến vụ án trên, Công an TP.HCM đã khởi tố bị can, bắt giam 3 anh em ruột Nguyễn Thái Luyện (35 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba), Nguyễn Thái Lĩnh (31 tuổi, Tổng giám đốc Công ty Alibaba) và Nguyễn Thái Lực (21 tuổi, Giám đốc Công ty Alibaba Tân Thành - công ty thành viên của Công ty Alibaba) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

3.300 người tố Công ty Alibaba lừa 1.800 tỉ đồng, công an vẫn kêu gọi tố cáo
Ông chủ Alibaba Nguyễn Thái Luyện. Ảnh: Internet

Đây là những bị can nắm giữ các chức vụ quan trọng nhất tại Công ty Alibaba, đứng tên sử dụng đất trong các dự án “ma” do công ty này lập nên để lừa hàng ngàn khách hàng. Hiện Công an TP.HCM vẫn đang mở rộng điều tra vụ án và những người liên quan.

Công ty địa ốc Alibaba thành lập 22 pháp nhân, sử dụng người thân quen trong gia đình đứng tên đại diện pháp luật để kinh doanh bất động sản

Khi khách hàng mua đất mà Công ty Alibaba rao bán, khách hàng sẽ được hướng dẫn ký Hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với công ty "chủ đầu tư dự án" (thực chất chỉ là công ty được cá nhân sử dụng đất ủy quyền làm các thủ tục liên quan đến việc phân lô tách thửa). Sau đó, khách hàng được tiếp tục hướng dẫn ký Hợp đồng quyền chọn, với phương án cơ bản là nhận lãi suất, không nhận đất.

Cả hai hợp đồng: “Hợp đồng thoả thuận" và "Hợp đồng quyền chọn" khách hàng ký với 2 công ty khác nhau, nhưng người đại diện của cả hai công ty này là một.

Khách hàng cho công ty thuê lại đất với giá thuê 2%/tháng; công ty mua lại chênh lệch 30% sau 12 tháng hoặc mua lại chênh lệch 38% sau 15 tháng... Trong thời gian đó, công ty được toàn quyền sử dụng lô đất của khách cho mục đích kinh doanh.

Với những khách hàng mua đất chỉ nhận lãi, không nhận nền, công ty sẽ tiếp tục bán lần 2 cho khách hàng khác với giá bằng giá gốc cộng lãi suất phải trả cho khách hàng F1 và cộng thêm chi phí quản lý doanh nghiệp.

Tương tự như vậy, khách hàng F2 sẽ chọn nhận lãi, không nhận đất thì lại được Công ty này bán tiếp cho F3. Với hình thức lấy tiền của người sau trả cho người trước, và nếu “lỡ” chưa bán cho được người F4 thì người F3 đừng hòng nhận lãi. Cũng có những trường hợp khách hàng sau khi mua đất phát hiện ra những dấu hiệu không minh bạch, đến để đòi tiền… và sau nhiều tháng vẫn chưa thể lấy lại tiền của mình.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN