Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:44
RSS

Đá bóng dưới trời nắng nóng, nam bác sĩ ở Hà Nội đột tử thương tâm

Thứ năm, 02/05/2019, 19:41 (GMT+7)

Khi đang tham gia một trận bóng, nam bác sĩ này bỗng ngã xuống rồi nhanh chóng rơi vào hôn mê, ngừng tuần hoàn.

Bác sĩ trẻ bất ngờ tử vong sau trận bóng

Đang đá bóng dưới trời nắng nóng, nam bác sĩ bất ngờ ngã xuống hôn mê rồi tử vong
Khi trời nắng nóng, người chơi thể thao nên tránh khung giờ từ 12 giờ đến 16 giờ. Hình minh họa.

Nắng nóng những ngày qua tại miền Bắc, mỗi ngày khoa Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận hàng chục trường hợp đến cấp cứu do bị đột quỵ. Đây mới là thời điểm đầu hè và con số này sẽ còn gia tăng khi theo dự báo tình hình nắng nóng năm nay sẽ đạt mức kỷ lục.

Một trong những trường hợp rất đáng tiếc vừa qua là sự ra đi của một bác sĩ trẻ đang công tác tại một bệnh viện ở Hà Nội. Khi đang tham gia một trận bóng, nam bác sĩ này bỗng ngã xuống rồi nhanh chóng rơi vào hôn mê, ngừng tuần hoàn.

Kết quả chiếu chụp cho thấy bệnh nhân bị xuất huyết dưới nhện. Mặc dù được cấp cứu kịp thời và nhanh chóng nhưng ổ vỡ quá lớn, diễn biến nghiêm trọng. Vì thế, khi vừa ngã xuống bệnh nhân đã nhanh chóng rơi vào hôn mê sâu, ngừng tuần hoàn và tử vong.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai: Nắng nóng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra đột quỵ mà nó chỉ là yếu tố thuận lợi khiến những người có các yếu tố nguy cơ của đột quỵ não như tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, các bệnh lý mạch máu, loạn nhịp tim, bệnh van tim, bệnh lý chuyển hóa, béo phì, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia….có thể bị đột quỵ.

Đang đá bóng dưới trời nắng nóng, nam bác sĩ bất ngờ ngã xuống hôn mê rồi tử vong 2
Gia tăng bệnh nhân nhập viện vào Khoa Cấp cứu A9 những ngày nắng nóng.

PGS Chi phân tích: “Trận đá bóng đó, thời tiết nóng đó không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra cơn đột quỵ. Bệnh nhân đã có sẵn nguy cơ bất thường về mạch, thời điểm xảy ra vỡ mạch máu gây xuất huyết não trong thời tiết nóng hay gắng sức chơi thể thao có chỉ là yếu tố tạo thuận lợi làm tăng nguy cơ vỡ bất thường mạch máu não”.

Qua trường hợp này, PGS. Chi cũng lưu ý người dân trong điều kiện nắng nóng bất thường như hiện nay cần chú ý đến điều kiện tập luyện, nên tránh thời điểm nắng nóng nhất thường từ 12 giờ đến 16 giờ, nên chọn sau thời điểm này, nhiệt độ dịu hơn. Bởi trong môi trường nắng nóng nếu tập luyện quá sức, nhiệt độ cơ thể tăng cao vượt quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể sẽ có nguy cơ gây ra đột quỵ hoặc sốc nhiệt.

Làm sao để tránh nguy cơ đột quỵ?

Bác sĩ Đào Việt Phương - Khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai cho biết: “Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ. Nếu kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ để hạn chế đột quỵ xảy ra thì đó là dự phòng cấp 1. Còn khi đã bị đột quỵ được xuất viện thì phải dự phòng cấp 2, sử dụng thuốc và các biện pháp kiểm soát các yếu tố nguy cơ đều đặn.

Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân đã không theo chỉ định của bác sĩ, tự ý bỏ thuốc và đã bị đột quỵ lần 2 với mức độ nặng tăng lên. Trong những ngày nắng nóng vừa qua, nhiều bệnh nhân bị đột quỵ lần 2 đến với Khoa Cấp cứu trong tình trạng nặng và khó có cơ hội phục hồi hoàn toàn".

Đang đá bóng dưới trời nắng nóng, nam bác sĩ bất ngờ ngã xuống hôn mê rồi tử vong 3
BS. Đào Việt Phương thăm khám cho bệnh nhân đột quỵ đang điều trị tại Khoa Cấp cứu

Theo các bác sỹ, thời gian vàng để cấp cứu đột quỵ là 6 giờ đầu. “Đột quỵ điều trị thành công hay không phụ thuộc vào việc người bệnh đến cơ sở y tế sớm hay muộn”, BS. Đào Việt Phương nhấn mạnh.

Hiện Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật tiên tiến trên thế giới đối với bệnh nhân đột quỵ như kỹ thuật tiêu sợi huyết đối với bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não, kỹ thuật lấy huyết khối bằng dụng cụ… giúp cứu sống và phục hồi tốt cho rất nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu sớm trong khung giờ vàng chỉ chiếm gần 10%.

Các dấu hiệu của bệnh đột quỵ là rối loạn ý thức, méo miệng, nói khó, thậm chí không nói được, đột ngột mất thị lực, liệt 1 nửa cơ thể, liệt 1 tay, 1 chân, vận động khó khăn, chóng mặt bất thường, đau đầu dữ dội. Khi thấy người bệnh có các dấu hiệu trên, người nhà nên nhanh chóng sơ cứu bệnh nhân bằng cách cho bệnh nhân nằm nghiêng, gối cao đầu và tạo thông thoáng đường thở.

Tiếp đó cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. Tuyệt đối không cố gắng cho bệnh nhân ăn hoặc uống bất kỳ loại thuốc gì vì rất dễ gây sặc và nghẹt đường thở cho bệnh nhân.

Mai Thanh
Theo Đời sống Plus/GĐVN