Hà Nội ngày nóng đỉnh điểm: Khoa cấp cứu - BV Bạch Mai tiếp nhận nhiều bệnh nhân sốc nhiệt, say nắng, đột quỵ
Sáng nay 4/7, Khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) vừa tiếp nhận một bệnh nhân được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê, không rõ thân nhân, thân nhiệt tăng cao lên đến 41 độ C. Đây là một người đàn ông trung niên được phát hiện nằm bên vệ đường, sau đó, người dân phường Định Công báo cho công an sở tại và đưa vào viện cấp cứu.
Sau hơn 1 tiếng tích cực hạ nhiệt, thân nhiệt bệnh nhân đã xuống 38,5 độ nhưng vẫn đang hôn mê.
Trao đổi với PV, TS.BS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Cấp cứu Tổng hợp, khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) cho biết, các kết quả chẩn đoán cho bệnh nhân vẫn đang chờ, nhưng với biểu hiện ban đầu, rất có khả năng bệnh nhân bị sốc nhiệt do nóng nắng.
Các bác sĩ tại khoa Cấp cứu cũng nhận định, với tình trạng bệnh nhân này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng, tim... và hiện đang cần đánh giá thêm.
Cũng ngay trong sáng nay, là một bệnh nhân nữ 54 tuổi (ở Quốc Oai Hà Nội) cũng nhập viện trong tình trạng hôn mê. Gia đình bệnh nhân cho biết, sáng sớm khi ra khỏi phòng điều hòa để đánh răng rửa mặt, bệnh nhân bất ngờ ngã quỵ và ngay lập tức được gọi xe cấp cứu để đưa vào Bệnh viện Bạch Mai.
Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán bị đột quỵ. Hiện bệnh nhân vẫn đang trong tình trạng hôn mê. Trước đó, bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp.
TS.BS Nguyễn Anh Tuấn đang thăm khám cho bệnh nhân hôn mê, sốc nhiệt do nắng nóng
Theo TS.BS Nguyễn Anh Tuấn, trong mùa nắng nóng, tình trạng nhiều bệnh nhân nhập viện do say nắng, sốc nhiệt... tăng cao. Trong đó, say nắng là tình trạng cấp cứu, có thể gây tổn thương não, mê sảng, mất ý thức, thậm chí tử vong. Với các bệnh nhân này, việc sơ cứu ban đầu là vô cùng quan trọng, quyết định đến hiệu quả điều trị, di chứng mà bệnh nhân phải chịu.
Ngay khi thấy một người nghi ngờ sốc nhiệt, say nắng với các biểu hiện mặt đỏ bừng, da nóng, khô, mệt lả, đau đầu, khó ở, đỏ mặt, nôn mửa… thì ưu tiên hàng đầu là sơ cứu hạ thân nhiệt cho người bệnh.
Việc cần làm đầu tiên là nhanh chóng chuyển bệnh nhân tới khu vực râm mát, cởi bớt quần áo, dùng các biện pháp chườm mát vào cùng cổ, nách, bẹn, lau người toàn thân bằng nước mát để nhanh chóng hạ thân nhiệt của bệnh nhân bằng bất cứ biện pháp nào.
Trong khi tìm cách hạ thân nhiệt của bệnh nhân, hãy nhờ người gọi xe cấp cứu đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Tiếp tục theo dõi thân nhiệt và tiến hành các biện pháp làm mát cho tới khi nhiệt độ xuống còn 38,5 hay 39 độ C rồi chuyển bệnh nhân đến viện nhanh nhất.
Xem thêm Clip: Thời tiết nắng nóng bé ngứa ngáy - khó ngủ đến mấy cũng sẽ hết nếu mẹ biết những mẹo này