Thứ sáu, 19/04/2024 | 08:44
RSS

Cựu Bí thư thị xã Bến Cát móc nối chiếm đoạt tiền tỷ như thế nào?

Thứ bảy, 11/08/2018, 09:09 (GMT+7)

Công an tỉnh Bình Dương thông báo đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Hồng Khanh, Tỉnh uỷ viên, cựu Bí thư thị xã Bến Cát (Bình Dương).

Theo tin tức pháp luật từ VOV, chiều 10/8, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức cuộc họp thông báo về việc Công an tỉnh Bình Dương vừa ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Hồng Khanh (51 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương, nguyên Bí thư Thị ủy Bến Cát, tỉnh Bình Dương) do vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.

Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Bình Dương hiện đang thụ lý điều tra vụ án vi phạm các quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát lãng phí và lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra xã An Tây, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, theo quyết định khởi tố vụ án số 37, ngày 12/3/2018.

Trưởng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương cho biết từ năm 2005-2008, Giám đốc Công ty An Tây (thị xã Bến Cát, Bình Dương) là bà Hồ Thị Hiệp vay 72 tỷ đồng của Ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn.

Tài sản mà công ty này thế chấp cho ngân hàng là 20 ha đất, nhà xưởng, máy móc… với tổng giá trị khoảng 80 tỷ đồng.

Cựu Bí thư thị xã Bến Cát móc nối chiếm đoạt tiền tỷ như thế nào?
Chân dung ông Nguyễn Hồng Khanh. Ảnh: Vietnamnet

Năm 2008, công ty của bà Hiệp không đủ khả năng trả nợ nên bị liệt kê vào danh sách nợ xấu. Nhiều năm sau đó, ngân hàng tổ chức xử lý tài sản thế chấp của công ty để thu hồi nợ và giao cho bà Hiệp tự đứng ra bán để hoàn tiền.

Năm 2015, bà Hiệp bán lại số tài sản cho gia đình ông Nguyễn Hồng Khanh, cựu Bí thư thị xã Bến Cát.

Thời gian này, việc xử lý các thủ tục tài sản thế chấp của Công ty An Tây do ông Nguyễn Huy Hùng, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng BIDV Tây Sài Gòn và ông Nguyễn Quang Lộc, Phó trưởng phòng quan hệ khách hàng của ngân hàng thực hiện, Zing cho hay.

Trong quá trình xử lý, 2 ông này đã không làm thỏa thuận giữa ngân hàng với bên bán, không định giá, đấu giá tài sản và tự ý hạ thấp giá trị của tài sản nhằm chiếm đoạt.

Tính tới thời điểm hiện tại, công ty An Tây còn nợ 106 tỷ đồng mà ngân hàng không thu hồi được. Hành vi này gây thiệt hại lớn cho tài sản Nhà nước. Bị can Hùng, Lộc đủ yếu tố cấu thành tội phạm "Vi phạm quy định sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát".

Ông Nguyễn Hồng Khanh với cương vị là Phó chủ tịch rồi Chủ tịch UBND thị xã Bến Cát đã thống nhất với 2 ông Hùng, Lộc và bà Hồ Thị Hiệp trích 50% giá trị tài sản bán được đưa lại cho bà Hiệp.

Cơ quan điều tra đã chứng minh, ông Khanh đưa cho bà Hiệp 4,1 tỷ, đúng ra tài sản này ngân hàng thu hồi được.

Từ chứng cứ thu thập được, cơ quan điều tra đã đủ căn cứ xác định hành vi của ông Khanh cùng đồng phạm Hùng, Lập "Vi phạm quy định quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" căn cứ điều 219 bộ luật Hình sự, theo Vietnamnet.


Xem thêm: Vì sao chấm thẩm định không phát hiện ra sai phạm điểm thi ở Hòa Bình?

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN