Kiếp người thân… nhện
Đến thăm anh Cao Bá Quát ở số nhà 22, ngõ 162 (đường Đặng Châu Tuệ, tổ 2, khu 7B, phường Quang Hanh, TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) ai cũng xót xa, nhiều người không cầm nổi nước mắt. Anh được ví là người đàn ông đu mình trên dây.
Ông Nguyễn Văn Vinh anh rể của anh Quát phải trấn an tôi trước khi đưa tôi xuống thăm chiếc giường em vợ mình nằm đã gần 50 năm. Ông bảo có người chưa biết mà vào thì thấy sợ hãi lắm bởi nhìn giường gì mà như một cái trạm biến áp dây dợ chằng chịt. Có người thấy như cái mạng nhện còn anh Quát thì như con mồi vướng lưới đang vùng vẫy trên đó.
Gọi là giường cho sang đấy chứ anh có nằm ở đó bao giờ đâu. Toàn bộ chân tay, lưng, đầu đùi của anh đều được đệm bằng vải sau đó dùng dây buộc lại và treo lên. Thân thể anh teo tóp lại chỉ như cậu bé. Ngón tay ngón chân cũng phải duỗi ra buộc chặt lại kẻo anh Quát cào vào da thịt.
Anh Quát treo trên dây, vướng víu, trầy xước, người không thể mặc được quần áo. Tư thế cố định của anh là ngửa cổ, mắt hướng lên trần nhà và quan sát xem có ai đến hỏi thăm. Thấy tôi vào anh Quát ú ớ lên vài câu ra chiều vui mừng chào khách.
Những tiếng nói ấy cất lên ngọng ngịu lắm tôi nghe chẳng rõ câu gì ra câu gì. Rồi anh lại ngửa cổ hướng mắt ra xem ti vi. Chiếc ti vi không đặt phía dưới chân như người thường mà đặt sau gáy, phía trên đầu, đang phát chương trình bóng đá Ông Vinh bảo cậu ấy chỉ thích xem bóng đá và phim chưởng. Có lẽ cậu ấy đang mơ ước được chạy nhảy vận động như họ (!?).
Cụ Lê Thị Hòe, gần 90 tuổi, là mẹ của anh Cao Bá Quát gạt nước mắt bùi ngùi kể: Hai cụ sinh được 5 người con, chỉ có mình Quát là con trai. Năm 1968, khi anh Quát ra đời cha mẹ vui lắm vì đã có con trai nối dõi.
Cụ ông mừng rỡ đặt tên con là Cao Bá Quát với hy vọng con sau này có chí lớn, tung hoành ngang dọc. Không ngờ, mới được 1 tháng 5 ngày thì cậu bé bỗng nhiên bị sốt cao, người tím tái chân tay co quắp phải đưa đi bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ ở tuyến dưới không biết bệnh gì. Và, cụ Hòe đành phải cho con đi chữa ở khắp nơi theo kiểu “có bệnh thì vái tứ phương”.
Bao năm cụ dồn hết tiền của, địu con trên lưng lọc cọc cái xe đạp nghe ai nói có thầy giỏi là tìm đến họ đều lắc đầu. Về sau cụ đưa con lên Hà Nội bác sĩ kết luận anh Quát bị viêm não biến chứng và tăng trương lực cơ, vô phương cứu chữa… Sau đận đó, cụ Hòe thất thểu đưa con về đặt con nằm trên chiếc lốp ô tô để đi làm.
Cụ Hòe kể, kể từ dạo đó, cụ ông quay ra chán đời suốt ngày rượu chè cờ bạc đánh đập con cái. Trong nhà có thứ gì ông mang cầm cố hết và đến năm 1985 cụ ông mất bỏ lại cụ bà cùng 5 người con.
Một mình cụ bà tần tảo nuôi đàn con 5 người thì một người tàn tật. Lúc cụ đi làm 3 người chị của anh Quát thay nhau trông em nhưng cũng không nổi vì cậu em luôn cào cấu cơ thể mình đến rách thịt chảy máu. Mọi người trong nhà mới bàn nhau treo Quát lên để anh không cào vào đâu được nữa.
Treo mình trên dây để chống chọi với cơn đau giằng xé từ căn bệnh bại não, tê liệt chân tay và sự ăn mòn từng thớ da thịt, Quát lớn lên cùng chiếc giường cũ kĩ, hôi hám.
Máu mủ thương nhau và "người dưng" tốt bụng
Bốn chị em gái của Quát thì 1 người mất 2 người lập gia đình riêng. Chỉ có người chị thứ hai Cao Thị Thu Hương (sinh năm 1966) đã không nỡ đi lấy chồng để ở nhà chăm em. Nhìn cảnh em trai xé thân xác đến rách da, thối thịt, lòng chị Hương như xát muối.
“Giá như cậu ấy không biết gì thì còn đỡ đau lòng. Đằng này, tuy nằm đấy nhưng đầu óc nó tỉnh táo lắm, cái gì cũng biết. Gặp người một lần là nhớ. Không được đi học nhưng biết hết con số!”, chị Hương xót xa:
Chị bảo xót xa lắm khi chứng kiến cơ thể Quát luôn có những cơn co giật, chân tay vẫn có cảm giác đau nhức và bị thối rữa từng ngày do không thể hoạt động. Mỗi lần đau đớn là anh Quát tự vùng vẫy, cọ xát cơ thể xuống giường, mặt đất hay bất cứ đồ vật gì bên cạnh. Chính vì vậy những vết thương chảy máu đã giăng khắp cơ thể.
Chị Hương kể tiếp: “Phải hơn một tuần mới tắm cho cậu ấy một lần. Lúc đó, chúng tôi phải xin nghỉ làm ở nhà để tắm cho em. Khi tắm phải có ba người hỗ trợ nhau tháo dỡ dây nilon vải quấn, bông băng rồi vệ sinh từng bộ phận.
Khó khăn nhất là rửa những nơi bị thối rữa và chắp dây treo lên không trung. Nhà thiếu đàn ông nên có thể nói đây là công việc nặng nhọc nhất của tôi. Dẫu vậy, thương em, thương mẹ già nên suốt 47 năm qua, tôi và mẹ vẫn tận tâm chăm sóc tốt cho cậu Quát”.
Do nằm nhiều như thế nên có thời gian lưng Quát bị thối hết, chị Hương phải treo em lên cao hơn rồi nằm ngửa dưới lưng em mà rửa ráy, mà bôi thuốc vào vết thương. Chị nói rằng: “Lúc đó thì không thấy sợ mà chỉ thấy thương em vô cùng”.
Những tưởng suốt đời ở vậy nuôi em, nhưng rồi tình yêu cũng đến với chị. Anh là Nguyễn Văn Vinh, bộ đội ở một đơn vị tên lửa đóng quân gần nhà, thường ngày vẫn qua lại, giúp đỡ gia đình chị.
Năm 1983, phục viên về quê nhưng anh vẫn thường về Cẩm Phả thăm nom gia đình Hương. Từ chỗ cảm mến người con gái nghĩa tình, năm 1989 anh đã chấp nhận ở rể để cùng Hương giúp mẹ nuôi người em tàn tật. Lúc này gia đinh chị bớt đi một phần vất vả vì có bàn tay chăm nom của anh Vinh.
Cụ Hòe cho biết, nằm nhiều không vận động và dùng quá nhiều thuốc nên đường ruột của anh Quát hỏng mất rồi. Mỗi ngày anh đi ngoài dăm bảy lượt. Cũng may mỗi lần chực đi anh biết đường gọi mẹ. Do vậy, cụ Hòe phải kê giường cạnh giường của anh.
“May có con gái và con rể chứ mình tôi giờ đã gần 90 rồi sức lại yếu bệnh tật đầy mình không biết xoay sở làm sao. Thương con nên còn sức ngày nào tôi cũng chăm lo cho nó ngày đó nhưng chỉ sợ nay mai tôi mất đi ...”, cụ Hòe buông lửng câu nói, gạt đi những giọt nước mắt.
Cần lắm những tấm lòng
Tôi hỏi chị Hương sao mấy chục năm qua không báo cáo lên chính quyền sớm để kêu gọi mọi người giúp đỡ. Chị bảo ngại lắm, ngộ nhỡ không được người ta lại bảo mình dựa dẫm. Vả lại cuộc đời cũng còn những người khác khổ như mình, hơn mình nữa chứ. Và thế là mẹ con chị cam chịu suốt mấy chục năm lặng lẽ chăm sóc cho anh Quát.
Mới thời gian gần đây, gia đình làm hồ sơ và anh Cao Bá Quát là đối tượng tàn tật không có khả năng tự phục vụ ở mức độ đặc biệt nặng và đang được hưởng mức 600.000 đồng/tháng theo trợ cấp thường xuyên người tàn tật nặng, người tâm thần đúng với quy định của Nhà nước.
Ngoài ra, chính quyền vẫn đang thực hiện chế độ hỗ trợ kinh phí chăm sóc thường xuyên cho gia đình bà Lê Thị Hòe mẹ anh Quát với mức tiền 300.000 đồng/tháng. Gần đây nhất, một tổ chức từ thiện đã tặng cho anh Quát một chiếc giường bằng thép trị giá 8 triệu đồng đủ rộng để anh có thể nằm thoải mái hơn và gia đình chăm sóc anh thuận tiện hơn.
Ông Vinh bảo, có họ giúp đỡ chứ gia đình tôi cũng không có tiền để sắm giường sắt cho cậu ấy.
Ông Nguyễn Quốc Dị, trưởng khu, cán bộ Mặt trận Tổ quốc phường Quang Hanh thì cho biết, trường hợp anh Quát bây giờ thì đã có nhiều người biết tới và quan tâm hơn trước đây. Sự quan tâm ấy đã làm vơi đi những khó khăn vất vả và cả nỗi đau của gia đình người đàn ông lúc nào cũng treo mình trên dây này.