Thứ sáu, 26/04/2024 | 19:51
RSS

Cùng chung tay giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế

Thứ bảy, 17/08/2019, 07:26 (GMT+7)

Nhựa là vật liệu đa năng, nhẹ, bền và giá thành hợp lý; được sử dụng rộng rãi ở rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau trong cuộc sống hiện đại ngày nay, bao gồm cả ngành y tế. Tuy nhiên chất thải nhựa đang trở thành vấn đề ô nhiễm môi trường toàn cầu bởi những đặc tính bền và khó phân hủy của nó.

Rác thải nhựa đang hằng ngày, hằng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam nếu trung bình khoảng 10% chất thải nhựa, túi ni-lông dùng một lần không được tái sử dụng, thì mỗi năm phát sinh 2,5 triệu tấn chất thải nhựa. Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa cao trên thế giới Trước thực trạng này Chính phủ đang quyết liệt thực hiện các chính sách và giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa nhất là từ các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy.

Để giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng. Vì vậy để góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa nói chung cũng như giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế nói riêng, Bộ Y tế đã tổ chức "Hội nghị trực tuyến Triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế" nhằm phổ biến triển khai chỉ thị tới tất cả các cơ quan, đơn vị, công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tế.

Cùng chung tay giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế
 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ô nhiễm chất thải nhựa đang ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường, sinh thái và sức khỏe con người. Ước tính có hơn 700 loài sinh vật trên thế giới bị ảnh hưởng tiêu cực do ô nhiễm chất thải nhựa. Theo thống kê của Ủy ban Châu Âu (EC), ước tính khoảng 8,3 tỷ tấn sản phẩm nhựa đã sản xuất cho đến năm 2018. Khoảng 6,3 tỷ tấn nhựa trở thành rác thải; và khoảng 5 tỷ tấn tích lũy ngoài môi trường hoặc được chôn lấp. Hàng năm, tổng cộng khoảng 4,8 - 12,7 triệu tấn chất thải nhựa xả vào đại dương.

Cũng theo Bộ trưởng, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân các cơ sở y tế cũng làm phát sinh chất thải nhựa. Chất thải nhựa trong y tế phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của các nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh và người sử dụng dịch vụ y tế và từ các hoạt động chuyên môn y tế như  từ bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế. Trong đó, đa số chất thải nhựa là các túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần để bao gói, sử dụng cho mục đích ăn uống, sinh hoạt của bệnh nhân. Theo báo cáo nhanh từ một số bệnh viện, có khoảng 5% trong số chất thải y tế phát sinh là chất thải nhựa (khoảng 22 tấn/ngày).

Cùng chung tay giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế 2
Lễ ký cam kết về giảm thiểu chất thải nhựa giữa Bộ trưởng Bộ Y tế với giám đốc một số bệnh viện

"Chúng ta cũng biết ưu điểm của các sản phẩm nhựa dùng 1 lần trong y tế đã góp phần phòng ngừa được nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo chất lượng chuyên môn y tế; đặc biệt những công việc đòi hỏi nghiêm ngặt về vô trùng, an toàn, an ninh sinh học. Mặc dù vậy, nhiều vật liệu bao gói, vật dụng bằng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần có thể thay thế được bằng các vật liệu an toàn và thân thiện với môi trường hơn" Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Cùng chung tay giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế 3
 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên& Môi trường Trần Hồng Hà tham quan các sản phẩm bên lề Hội nghị.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc chung tay giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa, ngày 29/7/2019, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BYT về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế. Đồng thời, Bộ Y tế đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể và bước đầu thu được kết quả tích cực.

“Các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc các bệnh viện, trường học, cơ sở y tế trực thuộc Bộ Y tế phải ký cam kết với Bộ trưởng Bộ Y tế. Từng giám đốc ký với các trưởng khoa đơn vị, từng trưởng khoa đơn vị ký cam kết với nhân viên, bác sĩ, điều dưỡng, chuẩn bị mua sắm các dụng cụ, giảm bớt, hạn chế tối đa các dụng cụ nhựa dùng 1 lần. Trong các vấn đề chuyên môn, từ khoa Dược, khoa Điều trị nội trú, Khoa khám bệnh ngoại trú đến khoa dinh dưỡng, bếp ăn, nhà ăn, đến cộng đồng liên quan đến sản phẩm y tế, sinh hoạt thì đều thực hiện cam kết ngay từ hôm nay giảm thiểu tối đa, tiến tới không dùng sản phẩm nhựa 1 lần”- Bộ trưởng cho biết.

Cùng chung tay giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế 4
Sản phẩm ống hút giấy bảo vệ môi trường được trưng bày tại Hội nghị.

Người đứng đầu ngành y tế cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị ngành y tế ở trung ương và tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước phát động thi đua, khen thưởng, phát hiện và biểu dương, khen thưởng kịp thời các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong giảm thiểu chất thải nhựa. Đồng thời rà soát đánh giá nguồn phát sinh, số lượng, chủng loại chất thải nhựa. Đưa tiêu chí giảm thải chất thải nhựa để đánh giá bệnh viện xanh sạch đẹp. Trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị vật tư tiêu hao, các dụng cụ, hạn chế các sản phẩm nhựa dùng 1 lần.

Cùng chung tay giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế 5
Các sản phẩm từ tre thay thế đồ nhựa được trưng bày tại Hội nghị.

Minh Trang
Theo Đời sống Plus/GĐVN