Cụ thể, tại văn bản này, Cục Di sản văn hóa đề nghị Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang cung cấp thông tin liên quan đến nội dung cải tạo công trình công trình nêu trên.
Cục Di sản văn hóa lưu ý việc cải tạo công trình cần thực hiện theo đúng ý kiến của Bộ VHTTDL (tại Công văn số 4141/BVHTTDL-DSVH ngày 14/10/2019) và phương án đã có sự đồng thuận của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.
Trước đó, công trình nhà nghỉ Panorama trên đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang) sau sự cố xây dựng trái phép vào tháng 10/2019 đã được yêu cầu cắt bỏ, tháo dỡ tầng do “không phù hợp cảnh quan và cản trở tầm nhìn của du khách; đồng thời, công trình không đảm bảo các yêu cầu theo quy định của Luật Di sản văn hoá”.
Theo yêu cầu chủ đầu tư phải đục bỏ theo thiết kế các mảng tường bao che, để lại hệ khung bê tông cốt thép và một số diện tường. Dỡ bỏ phần mái đua ra ở các cốt cao độ: 0.000, -2.500, -5.000.
Riêng cao độ 0.000 chỉ tháo dỡ một nửa hệ mái để không gây đột biến cao độ giữa Khối đón tiếp và phần công trình còn lại. Các diện tường còn lại được ốp đá phiến, các sân ngắm cảnh được bao quanh bởi lan can xây tường ốp đá và lan can sắt theo thiết kế, sàn lát đá hoặc trải cỏ nhân tạo.
Tuy nhiên, theo phản ánh của báo chí, bất chấp yêu cầu của các cơ quan chức năng hiện nay công trình vẫn đang ngang nhiên hoạt động.
Cụ thể, ngoài việc hiện tại các sàn ngắm cảnh bằng khung thép này vẫn chưa được tháo dỡ. Hiện nhà hàng đã thay đổi màu sơn từ đỏ và ghi đậm sang xám nhạt (màu đá), tuy nhiên, kiến trúc bên ngoài không có nhiều thay đổi, nóc nhà được lợp ngói mới, các phần mái nhô ra phía sông Nho Quế giữ nguyên.
Như vậy, công trình chưa hoàn thành chỉnh sửa nên khả năng chưa được nghiệm thu, đánh giá an toàn.
Ngoài ra theo phản ánh của nhiều du khách, hiện tại chủ đầu tư đã đón tiếp khách, với mức thu vào cửa 20 ngàn đồng/người, có kèm nước uống là 50 ngàn đồng/người vào ban ngày.
Trao đổi với báo Đại Đoàn Kết, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam người tham dự cuộc họp bàn phương án sửa chữa, cải tạo nhà hàng Panorama cho rằng, lẽ ra khi cải tạo, những phần nào liên quan đến kết cấu đảm bảo cho công trình an toàn thì giữ lại, còn phần giật cấp ra phía sông Nho Quế nên bỏ bớt. "Trong cuộc họp trên, tôi cũng nêu quan điểm kiến trúc nhà hàng Panorama phải thấp, giảm bớt số tầng nổi, chỉ giữ lại một tầng và lợp mái ngói".
“Công trình nên mang kiến trúc bản địa, nhỏ, thân thiện với cảnh quan xung quanh và mang đúng nghĩa là trạm dừng chân cho du khách chứ không phải là khách sạn lưu trú” - KTS Phạm Thanh Tùng nói.