Thứ sáu, 22/11/2024 | 11:03
RSS

Cua đồng chế biến theo cách này, mẹ không lo chăm mãi con vẫn còi xương, chậm biết đi

Chủ nhật, 16/07/2017, 10:02 (GMT+7)

Không chỉ làm nên những món canh dân dã giải nhiệt mùa hè, cua đồng còn là vị thuốc chữa mụn nhọt, sưng tấy, viêm cơ, sốt nóng, tiêu hóa kém,… hiệu quả.

Công dụng chữa bệnh của cua đồng

Cua đồng không chỉ là thực phẩm dân dã quen thuộc đối với người Việt Nam mà còn là một vị thuốc tốt. Canh cua đồng là món giải nhiệt trong mùa hè, kích thích ăn uống và dễ tiêu hóa thức ăn.

công dụng chữa bệnh của cua đồng 1

Canh cua đồng có tác dụng thanh nhiệt cơ thể trong mùa nóng. Ảnh minh họa

Trong Đông y, cua đồng còn là vị thuốc có trị nhiệt tà, thông kinh mạch, mạnh gân xương... Y học cổ truyền nhận định cua đồng có vị mặn, tính hàn, hơi độc, có tác dụng sinh phong liền gân nối xương; dùng trị nhiệt tà, bạt độc, trừ ghẻ lở và máu kết cục.

Y học hiện đại xác nhận, thịt cua đồng giàu protid, lipid, canxi, phospho, sắt, các vitamin B1, B2, B6 và PP, melatonin, mai cua còn có chất chitin rất tốt cho trẻ còi xương và người bị loãng xương.

Bài thuốc dân gian từ cua đồng

- Chữa còi xương, chậm biết đi ở trẻ: Cua đồng 100g rửa sạch, bỏ yếm, mai, chân và càng, để ráo, rang nhỏ lửa đến khô và vàng. Xay giã nhỏ mịn, rây lấy bột mịn. Mỗi ngày dùng 1-2 thìa nhỏ bột (5-10g) pha với bột gạo, đun chín.

- Chữa vết thương đụng dập, lở loét: Cua đồng 2 con giã nát, rượu 1 chén, cho vào nồi đun sôi, gạn lấy nước uống, bã đắp vào chỗ đau.

cua đồng 2

Cua đồng chữa còi xương ở trẻ em rất hiệu quả. Ảnh Internet

- Chữa tâm trạng bồn chồn, kém ăn, ít ngủ: Rau nhút  (rau rút) 1 - 2 nắm bỏ rễ, cạo bỏ phần bấc, ngắt đoạn, rửa sạch;  khoai sọ 300 g - 400g cạo vỏ, xắt nhỏ; cua đồng 200g bỏ yếm, mai, rửa sạch, giã nát, gạn lấy nước. Cho khoai sọ vào nước cua nấu chín, khi gần chín, cho rau nhút vào, đun sôi tiếp 5 - 10 phút. Ăn trong ngày, dùng 2 - 3 ngày.

- Giải nhiệt mùa hè trị lở ngứa: Cua đồng 200g bỏ yếm, mai, rửa sạch, giã nát, lọc lấy nước; mướp hương 1 - 2 trái cạo vỏ, rửa sạch, cắt miếng; rau đay và mồng tơi tươi mỗi thứ 100g rửa sạch, cắt đoạn. Đun sôi nước cua và cho các loại rau vào, đến khi mướp chín là được.

- Trị viêm thận cấp: Cua đồng 250g bỏ yếm, mai, rửa sạch, giã nát, lọc lấy nước; vỏ cây dâu 50g rửa sạch, cắt đoạn. Đem tất cả nấu thành canh, uống nước.

- Trị trướng bụng, chứng phù tim: Cua đồng tươi nấu cháo, ăn nóng.

- Chữa sưng tấy: Mai cua 10g sao vàng, vảy tê tê 10g sao phồng rộp; gai bồ kết 10g phơi sấy khô. Tất cả tán bột, uống với rượu.

Lưu ý

Theo Đông y, những đối tượng không nên hoặc hạn chế ăn cua đồng gồm phụ nữ có thai, người ốm mới khỏe hệ tiêu hóa còn yếu, người có biểu hiện tỳ vị hư hàn (sợ lạnh), người đang bị tiêu chảy, bệnh nhân tim mạch hoặc huyết áp cao, người bị bệnh gout, người dễ bị dị ứng với cua và hải sản.

cua dong 4

Phụ nữ có thai, người mới ốm dậy không nên ăn cua đồng. Ảnh Internet

Trong sách Nam dược thần hiệu, danh y Tuệ Tĩnh đã lưu ý: “Cua đồng nên kiêng loại 6 chân hoặc 4 chân, mắt đỏ, bụng dưới có lông, trong bụng có xương, đầu lưng có chấm sao, chân có khoang thì chớ ăn mà hại người, nên cẩn thận”.

Trên cua đồng thường có ký sinh trùng sống bám, không nên ăn cua đồng sống hoặc chế biến chưa chín để tránh bị đau bụng, tiêu chảy, sán lá phổi,… Khi ăn cua, nên ăn cùng lá tía tô, gừng để giảm bớt tính hàn (lạnh) của cua. 

Clip hướng dẫn nấu 7 món cháo đơn giản giúp bé còi xương tăng cân vù vù

Tri Thu (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN