Thứ sáu, 22/11/2024 | 01:58
RSS

Cụ ông 70 tuổi hôn mê sau khi dùng thuốc An cung ngưu hoàng hoàn

Thứ năm, 02/07/2020, 15:01 (GMT+7)

Người thân trong gia đình đã cho ông uống 4 liều thuốc An cung ngưu hoàng hoàn để dự phòng tai biến. Sau khi uống, cụ ông rơi vào trạng thái hôn mê.

Cụ ông 70 tuổi hôn mê vì dùng sai thuốc An cung ngưu hoàng
Sau khi lấy huyết khối, bệnh nhân hồi phục tốt. Ảnh:VNN

Bệnh nhân tên Lê Văn L. (74 tuổi, Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) được đưa vào Bệnh viện H.N cấp cứu trong tình trạng hôn mê sau khi uống thuốc An cung ngưu hoàng hoàn ngừa tai biến não.

Theo lời kể từ người nhà bệnh nhân, trước đó khoảng 1 tuần, ông L. bị ngã, sau đó đau đầu chóng mặt. Người thân trong gia đình đã cho ông uống 4  liều thuốc An cung ngưu hoàng hoàn để dự phòng tai biến. Tuy nhiên, tình trạng đau đầu không được cải thiện, ông L. bắt đầu có biểu hiện bất thường, hôn mê.

Tại bệnh viện, kết quả chụp cắt lớp CT cho thấy bệnh nhân L.V.L. bị xuất huyết não có cục máu tụ dưới màng cứng. Các bác sĩ đã tiến hành xử lý lấy máu tụ. Sau can thiệp, sức khoẻ người bệnh đã ổn định.

Bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị, cho biết trên VNN chảy máu ở vị trí này thường là do chấn thương. Tuy nhiên do gia đình không biết, cho uống an cung nên gây chảy máu nặng nề hơn, dẫn tới hôn mê. Ngay lập tức, bệnh nhân được chỉ định lấy máu tụ, hiện sức khoẻ đã ổn định.

Trong viên An cung ngưu hoàng hoàn có rất nhiều thành phần, bao gồm cả thành phần gây độc như asen, thạch tín. Nếu người dân sử dụng không đúng mục đích sẽ gây nguy hiểm khôn lường. Trong thực tế, bệnh viện đã gặp không ít trường hợp bị tai biến nặng lên do uống an cung làm tăng nguy cơ chảy máu.

BS Khiêm cũng nhấn mạnh, đến nay chưa có bất kỳ nghiên cứu nào chứng minh An cung ngưu hoàng hoàn có tác dụng thực sự trong dự phòng hay điều trị đột quỵ dù theo quảng cáo, thuốc có thành phần làm tan các cục máu đông, có thể uống sau khi chụp cộng hưởng từ không phát hiện xuất huyết não.

“Do hãng thuốc quảng cáo quá lên, người dân lại truyền tai nhau nhiều nên hiểu lầm tác dụng vượt quá khả năng thực tế. Tôi biết rất nhiều người cao tuổi coi loại thuốc này như cứu cánh, phương thuốc thần để phòng và chữa bệnh tai biến mạch máu não”, BS Khiêm chia sẻ.

BS Khiêm cho hay, trong đột quỵ có 2 thể chính là nhồi máu não và xuất huyết não. Để xác định được chính xác được 2 thể này, bác sĩ cần có máy móc, phương tiện để chẩn đoán.

Trong khi đó, người dân thấy người nhà bị yếu, liệt, hôn mê là cho uống an cung, nếu rơi vào thể xuất huyết não sẽ gây rối loạn đông máu khiến xuất huyết nặng nề thêm, nguy cơ tử vong càng lớn.

“Trường hợp nếu cố giữ bệnh nhân ở nhà thêm nhiều tiếng, cơ hội cứu sống bệnh nhân và cơ hội phục hồi không còn”, BS Khiêm nhấn mạnh.

Theo BS Khiêm, bất kỳ thuốc nào đưa vào cơ thể đều cần có sự kiểm soát của bác sĩ, không có thuốc nào là thần dược chữa được tất cả các bệnh hay là cứu tinh làm tỉnh người hôn mê hay chữa khỏi người bị liệt. Do đó, người dân cần lắng nghe ý kiến của người có chuyên môn.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam cho biết trên VNE bài thuốc An cung ngưu hoàng hoàn do danh y Ngô Cúc Thông sáng chế, thường có 11 vị gồm: chu sa, hoàng cầm, hoàng liên, hùng hoàng, mai phiến (băng phiến), ngưu hoàng, chi tử, tê giác, trân châu, uất kim, xạ hương.

An cung có tác dụng chính làm thanh nhiệt, giải độc, khai khiếu, điều trị nhiệt độc đi vào huyết, làm tổn thương kinh lạc, dùng cho bệnh nhân sốt cao, hôn mê, lên cơn co giật. Với bệnh nhân bị tắc mạch máu não, thuốc làm tan cục máu đông, giúp máu tái thông.

Tuy nhiên, thuốc gây hậu quả xấu với bệnh nhân xuất huyết não, khiến tình trạng chảy máu nặng hơn, mạch máu não bị tổn thương. Trong an cung có 3 vị có độc tính gồm chu sa (một loại khoáng vật có thành phần chính là thủy ngân), hùng hoàng (có thành phần chính là asen) và xạ hương, khi sử dụng phải có sự chỉ định của bác sĩ hoặc người có chuyên môn.

Theo bác sĩ Hướng, An cung không phải là thần dược điều trị đột quỵ như lời đồn thổi. Nhiều người cho bệnh nhân uống an cung khi bị đột quỵ rồi mới đưa đi cấp cứu, một số lại tìm mua thuốc để uống khi bị ung thư đây là quan niệm sai lầm.

Kim Hảo (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN