Trụ sở Công ty Cổ phần phát triển nhân lực và tư vấn đầu tư HTC.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty Cổ phần phát triển nhân lực và tư vấn đầu tư HTC (sau đây gọi là Công ty HTC) có địa chỉ tại Tổ dân phố 12, phố Kiều Mai, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Tp. Hà Nội.
Công ty được thành lập năm 2013, hoạt động trong lĩnh vực tư vấn du học Nhật Bản đào tạo ngoại ngữ, tư vấn đầu tư và phiên dịch… do ông Nguyễn Văn Hiển làm Chủ tịch HĐQT.
Tại trang Website của mình, Công ty HTC đã đưa ra những lời quảng cáo "có cánh" với những cam kết: “Ban lãnh đạo và các giáo viên, cán bộ nhân viên của công ty HTC đều là những cựu du học sinh Nhật Bản, giáo viên bản xứ có nhiều năm kinh nghiệm sống, học tập và làm việc tại đất nước mặt trời mọc.
Vì vậy, với sự trải nghiệm sâu sắc của mình, nắm rõ những cơ hội tốt đẹp đối với tương lai của Du học sinh, chúng tôi xây dựng ngôi nhà HTC - nơi vun đắp và hiện thực hóa những ước mơ trẻ tuổi.
Với phương châm nối liền khoảng cách giữa hệ thống giáo dục hai nước, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thời gian vừa qua, Công ty HTC đã tư vấn và hướng dẫn hồ sơ thành công cho một lượng lớn các bạn học viên được sang Nhật Bản học tập và làm việc. Chúng tôi cũng cam kết đảm bảo cuộc sống cho các bạn trong suốt quá trình du học”.
Giấy chứng nhận hoạt động dịch vụ tư vấn du học do bà Lựu cung cấp cho PV. Ảnh NM
Anh T.Đ.P, một học viên của Công ty HTC nói rằng, sự thật không như những gì họ đã quảng cáo. Anh P. đã phải nếm “trái đắng” sau khi nộp hồ sơ và trở thành học viên nhưng hiện đã bị Công ty HTC buộc thôi học.
Anh P. cho biết, qua tìm hiểu thông tin được quảng cáo cũng như qua giới thiệu một số người quen, anh đã chọn để nộp hồ sơ, đóng học phí tại Công ty HTC. Sau khi hồ sơ trúng tuyển, anh P. đã thực hiện các giấy tờ cần thiết và nộp số tiền gần 90 triệu đồng để được theo học tại Trung tâm của Công ty. Tuy nhiên, sau một thời gian, anh P. đã bị công ty buộc thôi học.
“Do điều kiện hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, chạy vay mượn khắp nơi, thậm chí là vay lãi cao (lãi ngày) để mong lo cho tôi đi lao động nhật bản dưới hình thức đi du học. Giờ thì tiền đã đóng đủ cho công ty mà tôi thì bị buộc thôi học, tôi phải làm đủ thứ việc để có tiền trả nợ, kể cả chạy xe ôm”, anh P. chia sẻ.
Cũng theo anh P: “Họ buộc tôi thôi học với những lý do hết sức vô lý. Sau khi buộc tôi dừng khóa học với đủ mọi cách, công ty chỉ hoàn lại cho tôi số tiền là 46 triệu đồng trong tổng số tiền là 87 triệu đồng tôi đã đóng trước khi vào học (chưa kể tiền làm bằng cấp 3)”.
Cũng theo phản ánh của học sinh này, Công ty HTC không chỉ có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản, đưa người Việt Nam ra nước ngoài làm việc trái phép (hoạt động xuất khẩu lao động trá hình) dưới hình thức du học mà tại Công ty này còn đảm nhiệm cả việc “làm bằng cấp 3” cho những học sinh chưa tốt nghiệp THPT mà anh P. là một trong số đó.
Thậm chí cả bằng cao đẳng hoặc đại học, tùy từng nhu cầu của mỗi học sinh khi tới tham gia học tại đây cũng được Công ty HTC đáp ứng.
“Tôi trước đây mới chỉ học hết lớp 9, khi đến Công ty nộp hồ sơ vào học tôi có hỏi về vấn đề bằng cấp thì họ bảo phải có ít nhất bằng THPT trở lên. Sau khi trình bày hoàn cảnh của mình thì một người đàn ông đã gặp trực tiếp tôi để trao đổi về việc làm bằng với giá khác nhau. Tùy từng loại bằng trong đó bằng cấp 3 có giá 2,5 triệu đồng”, anh P. thật thà chia sẻ.
Công ty HTC hoạt động trong lĩnh vực tư vấn du học Nhật Bản, đào tạo ngoại ngữ, tư vấn đầu tư và phiên dịch. Ảnh NM.
Trước những thông tin phản ánh về những hấu hiệu chiếm đoạt tài sản, đưa người Việt Nam ra nước ngoài làm việc trái phép (hoạt động xuất khẩu lao động trá hình) dưới hình thức du học sinh và nhận làm bằng cấp cho học sinh theo học tại đây, phóng viên báo chí đã tới địa chỉ của công ty để xác minh làm việc.
Tại buổi làm việc, bà Lựu người tự xưng là người phát ngôn của Công ty phủ nhận những thông tin phóng viên phản ánh. “Công ty chúng tôi không hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động và không thu tiền của bất cứ ai cả, chắc là có sự nhầm lẫn”, bà Lựu nói.
Ngoài anh P., một học sinh học tại Công ty HTC cũng cho biết: “Chúng em tới trung tâm được đào tạo những cái cơ bản như giới thiệu bản thân, chào hỏi, quê quán, giới thiệu tuổi. Họ đưa cho một tờ giấy học thuộc như một bài văn, sau đó chúng em thi đơn hàng, thì tuyển đơn thực phẩm”.
Theo anh N.H.Q, một học sinh cũng đã từng theo học tại trung tâm của Công ty nhưng đã nghỉ đang chờ lấy lại tiền cho biết: “Họ hẹn em mấy ngày nữa lên lấy lại tiền nhưng họ báo chỉ trả 30%”.
Trong buổi làm việc bà Lựu đã khẳng định: Công ty HTC không hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, thế nhưng trên trang Website của công ty này lại giới thiệu: “Với phương châm nối liền khoảng cách giữa hệ thống giáo dục hai nước, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thời gian vừa qua, Công ty HTC đã tư vấn và hướng dẫn hồ sơ thành công cho một lượng lớn các bạn học viên được sang Nhật Bản học tập và làm việc”.
Trước những thông tin mập mờ mà người tự xưng là đại diện phát ngôn của Công ty cung cấp, phóng viên đã tiếp tục liên hệ với ông Nguyễn Văn Hiển, Chủ tịch HĐQT để làm rõ những thông tin. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa nhận được sự phản hồi.
Trong khi Công ty HTC chối bỏ trách nhiệm thì những người đứng ra tố cáo cam đoan những gì họ phản ánh là đúng và chịu trách nhiệm trước pháp luật Họ cũng cho biết, sẽ nộp đơn đến cơ quan công an để làm rõ những khuất tất tại Công ty HTC.
Rất mong Công an TP Hà Nội và Cục Quản lý xuất khẩu lao động sớm vào cuộc để làm rõ những cáo buộc đối với Công ty HTC.