Cây ngô đồng còn có nhiều tên gọi khác như sen lục bình, dầu lai có củ, sen núi, vạn linh; tên khoa học là Jatropha podagrica Hook.f, thuộc họ Thầu dầu. Cây có phần gốc xù xì, phân nhánh ít, phình lớn như một cái lọ; lá có cuống đính gần gốc, chia thành 3 – 5 thùy to, màu xanh bóng rất đẹp; hoa mọc thành từng cụm như san hô.
Hoa có 5 cánh dài khoảng 7-8mm, màu đỏ tươi. Quả cây ngô đồng nhẵn, màu xanh bóng và có hình trái xoan. Đặc biệt, quả nang thường nổ mạnh khiến hạt ngô đồng văng khắp nơi nên mới có câu “Cây ngô đồng không trồng mà mọc”.
Công dụng
Vỏ cây ngô đồng được dùng làm thuốc tẩy, trị chứng nôn ói hoặc táo bón, giúp lợi sữa; lá có tác dụng chữa ghẻ lở. Trong dân gian, người ta dầm nát thân và cuống lá ngô đồng rồi chế nước sôi uống để trị ho ra máu hoặc dùng đặt rịt cuống lá giã nát để chữa sa tử cung.
Theo Đông y, cây ngô đồng có tác dụng mạnh đến các mô bị viêm nhiễm và có nguy cơ mưng mủ nên được dùng với người bị viêm tuyến mang tai, viêm hạch, viêm cơ, mọc nhọt độc.
Cách dùng:
Trường hợp nhọt mới mọc, bắt đầu sưng tấy, ngắt một búp lá cây ngô đồng cho nhựa chảy ra. Sau đó lấy nhựa bôi lên vùng da bị nhọt, nên bôi rộng ra bên ngoài và bôi nhiều lần, chờ một lúc khô nhựa rồi bôi lại. Lưu ý không để nhựa cây ngô đồng dính vào quần áo bởi rất khó tẩy sạch.
Vỏ và lá cây ngô đồng có thể dùng để chữa nhiều chứng bệnh
Trường hợp nhọt đã mưng mủ, ngắt lấy một vài lá ngô đồng đem sửa sạch, cho thêm chút muối rồi giã nát và đắp lên vết nhọt, băng bó lại. Thực hiện liên tục từ 3-5 ngày, mỗi ngày 1 lần cho đến khi lành.
Các vết thương nhỏ, nông như đứt tay, nếu bôi trực tiếp nhựa cây ngô đồng lên và giữ sạch miệng vết thương thì sẽ không bị nhiễm trùng. Với các mũi tiêm có nguy cơ bị áp-xe, có thể bôi nhựa cây lên vùng tiêm từ 2-3 lần/ngày.
Tác hại
Mặc dù thân, lá và nhựa là bài thuốc quý song quả và hạt cây ngô đồng lại chứa chất curcin rất độc, có thể gây bệnh ở gan và hệ tiêu hóa. Nếu trẻ nhỏ không may ăn phải hạt cây ngô đồng sẽ bị tiêu chảy, nôn ói, đau bụng, bỏng rát ở họng.
Trường hợp ngộ độc nặng, bệnh nhân có thể bị ức chế hệ thần kinh trung ương, rối loạn tim mạch, Xuất huyết tiêu hóa Chẳng hạn như mới đây, ở Hà Tĩnh xảy ra trường hợp 9 học sinh cấp 2 phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng vã mồ hôi, nôn dữ dội vì ăn quả cây ngô đồng.
Xử lý khi bị ngộ độc hạt cây ngô đồng
Trao đổi với báo chí, bác sĩ Trần Văn Năm – nguyên Viện phó Viện Y dược học dân tộc tại TP.HCM khuyến cáo, nếu nghi ngờ hoặc biết chắc chắn bệnh nhân bị ngộ độc hạt cây ngô đồng, ngay lập tức phải dùng mọi biện pháp để người bị nôn ra, nôn được càng nhiều càng tốt.
Trong khi nôn, cần để người bệnh nằm nghiêng đầu về một bên và dùng khăn để lau sạch đờm nhớt, chất dịch. Sau đó, cho người bệnh uống một ly nước ấm (có thể pha thêm chút muối) rồi tiếp tục để bệnh nhân nôn.
Sau khi sơ cứu tạm thời, phải nhanh chóng đưa người bị ngộ độc đến cơ sở y tế gần nhất. Đồng thời, gia đình bệnh nhân nên đem theo mẫu cây để bác sĩ có thể xác định đó có đúng là cây ngô đồng hay không.
Trong khi đó, bác sĩ Bạch Văn Cam - Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cảnh báo, hầu hết độc chất trong hoa cây ngô đồng đều không có thuốc đặc trị, thuốc giải mà chỉ có thể điều trị theo triệu chứng. Trường hợp bị ngộ độc cây ngô đồng, nên tiến hành xét nghiệm máu, chức năng gan, đường huyết,…
Theo bác sĩ Bạch Văn Cam cảnh tỉnh, hầu hết các độc chất trong hoa đều không có thuốc giải, thuốc đặc trị nên chỉ điều trị theo triệu chứng. Nếu ngộ độc cây ngô đồng, cần xét nghiệm máu, đường huyết, chức năng gan…
Ngoài ra, người bị ngộ độc thường được truyền dịch, uống than hoạt tính, rửa dạ dày để loại bỏ độc tố và bù lại lượng nước đã mất do rối loạn điện giải, tiêu chảy, nôn ói.
Lưu ý
Cần phân biệt cây ngô đồng có hạt gây ngộ độc nói trên với cây ngô đồng thân gỗ cao to có tên khoa học là Sterculia platanifolia L, thuộc họ Trôm Sterculiaceae. Vỏ và hạt cây ngô đồng thân gỗ này thường được dùng để làm đen tóc, chữa rụng tóc, bệnh ngoài da, lở loét miệng.