Thứ sáu, 22/11/2024 | 12:24
RSS

Khóc, cười xét nghiệm ADN: Cô sinh viên thành mẹ đơn thân bất đắc dĩ từ chuyến xe định mệnh

Thứ tư, 22/02/2017, 06:55 (GMT+7)

“Mặc dù nỗi oan được giải tỏa, nhưng tình cảm của tôi dành cho họ dường như đã cạn đến đáy khi hiểu ra một điều: họ muốn ép tôi ly hôn với chồng”.

LTS: Đây là những câu chuyện có thật của nhân viên làm việc lâu năm tại một trung tâm xét nghiệm ADN nổi tiếng. Những câu chuyện này khiến nhiều người bất ngờ bởi những tình tiết quá đỗi tréo nghoe, trái ngang, cay đắng..

Từ một cơ duyên đặc biệt, tôi đã trở thành nhân viên Trung tâm Phân tích ADN và gắn bó với công việc này gần 10 năm qua. Trong suốt thời gian làm việc tại đây, chứng kiến nhiều niềm vui, nỗi buồn và không ít những bi kịch ngang trái của những khách hàng mình đã gặp, lần nào tôi cũng suy nghĩ về họ khá lâu.

Họ thường chia sẻ với tôi những tâm sự đầy khúc mắc trước, trong và sau khi đến làm việc. Nhưng không ai trong số họ biết rằng, ngay cả chính tôi cũng có tới câu chuyện khó tin liên quan đến xét nghiệm ADN…

Cô sinh viên năm nhất trở thành bà mẹ đơn thân “bất đắc dĩ”

Thấm thoát đã 13 năm kể từ ngày tôi có được cô con gái lớn của mình. Ngày đó, tôi còn là cô sinh viên năm thứ nhất trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh. Một lần về quê nghỉ cuối tuần, khi bắt xe lên trường vào chiều chủ nhật, tôi ngồi cạnh một người phụ nữ có con nhỏ. Tiết trời mùa đông khá lạnh, gió lùa qua cửa kính vào trong xe khiến các hành khách ngồi co cụm lại với nhau mong tìm được chút hơi ấm.

Tôi chủ động nhường chỗ cho chị ngồi vào phía trong, chị lí nhí cảm ơn rồi bế con chuyển sang chiếc ghế của tôi. Suốt quãng đường dài, người mẹ bịt khẩu trang gần kín mặt nên những lúc trò chuyện với tôi, giọng chị trở nên rất khó nghe, có lúc tôi phải hỏi lại mấy lần mới hiểu được nội dung.

Chị cho biết là sinh con được hai tháng thì vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn, anh chồng có bồ bên ngoài, không có trách nhiệm gì với vợ con, đã vậy cứ về đến nhà là tìm cách gây gổ, chửi bới chị. Không chịu nổi cảnh bị hành hạ tinh thần đó, chị quyết định viết đơn ly hôn để lại và lựa lúc chồng không có nhà đã bế con bỏ đi, chị đang tính về nhà mẹ đẻ tá túc ít lâu rồi sẽ tìm công việc phù hợp để kiếm sống nuôi con.

xét nghiệm ADN1

Hành trình làm “mẹ” khi mới tròn 20 tuổi của cô gái thật gian nan. Ảnh minh họa

Nghe chuyện, tôi rất thương chị, chỉ biết nói mấy lời an ủi ngây ngô. Xe chạy được nửa quãng đường thì dừng lại trước một trạm nghỉ cho hành khách xuống nước, mua quà bánh hoặc đi vệ sinh. Chị muốn nhờ tôi bế hộ con một lát để xuống mua chai nước. Khi các hành khách lục tục kéo nhau trở lại chỗ ngồi, anh tài xế chuẩn bị nổ máy mà vẫn chưa thấy mẹ đứa bé lên xe, tôi vội vã bảo anh chờ thêm một chút, chắc chị ấy sắp lên.

Nhưng nửa tiếng, rồi một tiếng đồng hồ trôi qua, người phụ nữ ấy vẫn bặt tăm. Đứa bé thức giấc, ọ ẹ khóc đòi mẹ khiến lòng tôi nóng như lửa đốt, không biết chị gặp chuyện gì mà đi lâu thế. Thêm nửa tiếng nữa trôi qua, anh tài xế hỏi tôi có nhớ mặt mẹ đứa bé không để xuống xe đi tìm. Lúc này tôi mới nhớ ra là mình không hề nhìn rõ mặt chị, ngay cả tiếng nói còn không nghe rõ.

Mấy người đàn bà lớn tuổi ồ lên, theo kinh nghiệm của các bà, hẳn người phụ nữ kia đã rắp tâm bỏ lại đứa trẻ này cho tôi. Nghe vậy, tôi hoảng hốt kêu lên: “Ôi các bác ơi, cháu biết làm thế nào bây giờ?” rồi bật khóc hu hu. Đứa bé trên tay tôi cũng bắt đầu khóc váng lên.

Một bác ngồi ghế bên cạnh bảo tôi thử xem trong túi có giấy tờ gì không. Tôi lật những chiếc áo len, tã lót, thấy có một tờ giấy gấp tư, mở ra chỉ vẹn vẹn mấy dòng: “Tên cháu là Linh. Tôi không còn khả năng nuôi con, xin gửi cho người có tấm lòng nhân hậu. Xin hãy thương xót cháu. Cả kiếp này tôi xin đội ơn người đã cưu mang con tôi”.

Sau một hồi bàn luận, tất cả hành khách trên xe thống nhất là tài xế cứ cho xe chạy tiếp, còn đứa bé thì tôi mang về trường rồi làm thủ tục gửi nó vào một trại trẻ mồ côi hoặc trung tâm bảo trợ xã hội nào đó.

Không còn lựa chọn nào khác, tôi thất thểu mang đứa trẻ về kí túc xá sinh viên trước sự ngỡ ngàng của các bạn cùng phòng. Suốt cả đêm hôm đó, 12 cô sinh viên thay nhau thức để trông một đứa trẻ sơ sinh. Sáng hôm sau tôi lên báo cáo cô giáo chủ nhiệm và ban giám hiệu nhà trường, các thầy cô họp bàn rồi đưa ra phương án gửi đứa bé vào trại trẻ mồ côi gần đó.

Tôi về phòng thu xếp đồ đạc để đưa bé vào trại trẻ, đi được nửa đường, tự dưng lòng dạ tôi cồn cào không yên. Tôi có cảm giác mình không thể xa đứa bé này được, nếu gửi vào trại, không biết rồi số phận bé sẽ ra sao? Liệu có được một gia đình tử tế nào đó nhận làm con nuôi hay sẽ lớn lên trong cảnh côi cút tội nghiệp? Tôi liều lĩnh tự đưa ra quyết định sẽ mang bé quay về và… nuôi nó.

xét nghiệm ADN2

Cuối cùng người chồng vẫn phải tuân thủ sự tính toán thực dụng của gia đình. Ảnh minh họa

Hành trình làm “mẹ” khi mới tròn 20 tuổi của tôi thật gian nan. Đang là sinh viên, tôi không có nguồn thu nhập nào ngoài khoản viện trợ hàng tháng trích từ tiền lương giáo viên của mẹ gửi lên, nay lại nuôi cả một đứa trẻ. Tôi xoay xở đủ cách để làm thêm ngoài giờ học. Không có việc gì tôi nề hà, từ cắt dán phông màn đám cưới, hội nghị, trang trí xe hoa đón dâu, làm hoa lụa bán vào những dịp lễ tết cho đến đi làm gia sư cho các gia đình khá giả…, miễn là có tiền mua sữa cho con bé.

Các bạn ở cùng phòng cũng rất thông cảm, họ giúp tôi trông “con” những lúc tôi lên lớp hoặc ra ngoài đi làm thêm. Mẹ tôi dù rất thương con nhưng cũng không có cách nào giúp đỡ thêm được, vì đồng lương eo hẹp lại phải lo cho cả gia đình. Cứ tất bật như thế suốt hai năm trời, tôi không dám xin thêm tiền của mẹ, chỉ mong mẹ hiểu và cho phép tôi nuôi đứa bé bằng công sức lao động của mình.

Đến năm học cuối cùng, tôi may mắn kiếm được một công việc ổn định, mang lại thu nhập cao hơn nhưng cũng chịu nhiều áp lực tâm lý hơn nhiều, đó là việc chăm sóc một ông già bị bệnh nặng, ốm nằm liệt giường đã nhiều năm. Các con ông đều giàu có nhưng không ai muốn tự tay chăm sóc một ông bố bệnh tật, chỉ ăn uống, bài tiết tại chỗ, vì thế họ sẵn sàng trả thù lao cho tôi một khoản kha khá.

Vì cuộc sống của bé Linh, tôi đã chấp nhận làm công việc này cho đến ngày thi tốt nghiệp ra trường. Khi tạm biệt ông già bệnh tật đó, tôi cũng phải cố gạt nước mắt quay đi, không dám nhìn lâu vào đôi mắt già nua đang chảy ròng ròng những giọt nước mắt mờ đục…

Hạnh phúc rồi lại vỡ tan như những ngày đầu tay trắng nuôi con

Ra trường, tôi xin được dạy hợp đồng ở trường cấp hai gần nhà. Đúng lúc đó, chương trình “Người xây tổ ấm” của đài truyền hình đến gặp và làm một phóng sự về cuộc sống của “mẹ con” tôi. Ít lâu sau, một người đàn ông giàu có tìm đến làm quen và nhanh chóng ngỏ ý muốn cưới tôi làm vợ.

Anh nói rất cảm phục tấm lòng và nghị lực của tôi, gia đình, dòng họ của anh cần một người phụ nữ nhận hậu như vậy vì xưa nay ông bà ta luôn quan niệm “phúc đức tại mẫu”. Nếu tôi đồng ý làm vợ anh thì đó là hồng phúc lớn của gia đình anh. Trước tấm thịnh tình đó, tôi không suy nghĩ nhiều mà gật đầu chấp thuận làm đám cưới.

xét nghiệm ADN3

Cuộc sống làm mẹ đơn thân trở lại y như những ngày đầu tay trắng nuôi con. Ảnh minh họa

Năm đầu tiên của cuộc hôn nhân trôi qua trong hạnh phúc ngập tràn. Chồng tôi thương yêu bé Linh không khác gì con đẻ, anh đề nghị tôi làm thủ tục khai sinh đổi họ cho bé sang họ của mình. Anh thuyết phục tôi bỏ nghề dạy học, về cùng anh quản lý công ty.

Có lẽ vì vợ chồng hợp tuổi nên công việc buôn bán bất động sản và vật liệu xây dựng của anh ngày càng phát đạt, tiền lãi tháng sau luôn cao hơn tháng trước nhiều lần. Anh không phải là người hẹp hòi nên trợ giúp bên nhà tôi về kinh tế rất hào phóng, mẹ và các em tôi luôn ca ngợi chàng rể quý hết lời.

Thế nhưng cuộc sống êm ấm không kéo dài được lâu, bắt đầu từ khi mẹ chồng và chị chồng tôi có những lời bóng gió về bé Linh, họ nghi ngờ bé không phải là “con nuôi” của tôi mà chính là con đẻ. Rồi họ nói thẳng vào mặt tôi rằng: “Cô chơi bời cho lắm để đến nỗi có con lại còn dựng lên cái màn kịch nhận con nuôi cho thê thảm. Cô cũng cao mưu thật, lừa được cả đài truyền hình về làm phóng sự như thật…”.

Chồng tôi cũng nao núng trước những lập luận của mẹ và chị, không còn mặn nồng với tôi và tỏ ra hờ hững, lạnh nhạt với bé Linh. Không khí trong gia đình từ lúc nào đã trở nên u ám, ngột ngạt bởi những nghi kị.

Không thể chịu nổi những thái độ và lời nói xúc xiểm của gia đình chồng, tôi quyết định đưa đứa con nuôi tròn 4 tuổi đi làm xét nghiệm ADN. Thời điểm đó, một ca xét nghiệm phải trả chi phí lên tới 24 triệu đồng và thời gian đợi kết quả là một tuần. Gom góp hết tiền dành dụm được, tôi đưa con lên Trung tâm Phân tích ADN với sự “hộ tống” của đầy đủ các thành viên trong gia đình chồng.

Ngày trả kết quả, bố mẹ, các anh chị em của chồng tôi đều có mặt tại trung tâm, họ truyền tay nhau tờ kết quả để nhìn rõ kết luận là bé Linh không phải con đẻ của tôi. Nỗi oan được giải tỏa, nhưng tình cảm của tôi dành cho họ dường như đã cạn đến đáy khi hiểu ra một điều: họ muốn ép tôi ly hôn với chồng để anh ấy có thể kết hôn với con gái của một đối tác làm ăn có công ty rất lớn ở nước ngoài.  

Tôi hỏi thẳng chồng có muốn tiếp tục chung sống nữa không, anh ấy không dám trả lời thẳng mà chỉ cúi đầu lí nhí: “Tất cả là tùy sự sắp xếp của gia đình anh”. Vậy là đã rõ, cho dù có kết quả khẳng định bé Linh không phải con tôi thì anh vẫn phải tuân thủ sự tính toán thực dụng của mẹ và chị mình. Ngay sáng hôm sau tôi để lá đơn ly hôn kí sẵn trên bàn và lặng lẽ bế con ra đi. Cuộc sống làm mẹ đơn thân của tôi trở lại y như những ngày đầu tay trắng nuôi con…

(Còn nữa)

Phong Lan (ghi theo lời nhân vật)
Theo Đời sống Plus