Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:33
RSS

Người đàn bà bật cười khi cầm trên tay kết quả xét nghiệm ADN của con gái và… người anh chồng

Chủ nhật, 19/02/2017, 07:08 (GMT+7)

Người đàn bà cảm thấy vừa giận vừa tủi cho con gái. Vậy ra cuối cùng ông ấy đã quên hẳn giọt máu của mình, không có một chút trách nhiệm hay tình cảm nào nữa.

LTS: Đây là những câu chuyện có thật của nhân viên làm việc lâu năm tại một trung tâm xét nghiệm ADN nổi tiếng. Những câu chuyện này khiến nhiều người bất ngờ bởi những tình tiết quá đỗi tréo nghoe, trái ngang, cay đắng...

Ca xét nghiệm ADN lần này khiến tôi bối rối khi phải đối diện với hai người phụ nữ với những mong muốn ngược chiều nhau. Bà mẹ thì nóng lòng chờ đợi kết quả hai mẫu xét nghiệm đúng là cha con, còn cô con gái thì ngược lại. Nhưng cuối cùng thì vẫn không thể phủ nhận được những thông tin chính xác của khoa học. Và rắc rối có thể bắt đầu nảy sinh khi người ta cố tình đi tìm sự thật…

Người đàn bà đến gặp tôi chiều hôm đó ở vào độ tuổi 60, nhưng nét khắc khổ trên gương mặt và dáng hình khiến bà có vẻ già hơn tuổi thực rất nhiều. Bà trình bày mong muốn được làm xét nghiệm ADN cho đứa con gái đầu của mình và… anh trai chồng.

Để tránh cho tôi có suy nghĩ về sự “loạn luân” nào đó trong gia đình, bà đã kể lại câu chuyện theo trình tự thời gian.

xét nghiệm ADN1

Câu chuyện dở khóc dở cười về việc xét nghiệm ADN. Ảnh minh họa

Thân phận bị tráo đổi của người con gái đầu lòng

Gần 40 năm trước, bà được người nhà mai mối cho một anh thợ mộc ở xã bên. Hai người gặp nhau đôi ba lần, thấy người đó hiền lành, chịu khó nên bà đồng ý để nhà trai mang trầu cau đến dạm hỏi, ít lâu sau đám cưới được tổ chức theo nếp sống mới, giản dị nhưng ấm cúng, vui vẻ.

Hai vợ chồng vừa cưới xong đã được cho ra ở riêng ngay, vì bố mẹ chồng ở chung nhà với người anh trai cả làm cán bộ khá lớn trên huyện. Vợ làm ruộng, chăn nuôi, chồng có nghề trong tay nên cuộc sống có bề dễ chịu. Về vật chất thì không phải lo nghĩ gì nhưng hiềm một nỗi bà rất khó khăn đường con cái, mấy lần mang thai nhưng cứ được hai đến ba tháng lại bị sẩy, mặc dù đã tìm đủ đường thuốc thang, kiêng cữ.

Lần thứ tư, nhờ uống thuốc của ông lang trên vùng núi, bà giữ thai được đến tháng thứ 7 nhưng lại sinh non và đứa bé quá yếu nên không đủ sức sống. Nằm trong viện, bà đau đớn như đứt từng khúc ruột, niềm mong ước được làm mẹ gần như đã tuyệt vọng.

Đúng vào mấy ngày đó, bà thấy mẹ chồng, anh chồng và chồng mình cứ đi ra đi vào, thì thào bàn bạc chuyện gì đó khá căng thẳng. Cuối cùng mẹ chồng bà thẽ thọt kể hết sự tình: ông anh chồng đã trót làm một cô nhân viên cấp dưới có con, đứa bé vừa sinh ra được mấy ngày, cô kia không muốn nuôi con và dọa sẽ kiện cho ra nhẽ nếu ông không chịu nhận đứa bé.

Gia đình nhà chồng muốn bà nhận đứa trẻ về nuôi và hợp lý hóa đó là đứa con do bà sinh. Trước tình cảnh như vậy, bà cũng không còn lựa chọn nào khác, hơn nữa người phụ nữ vừa mất con có được một đứa bé để bế bồng, chăm sóc sẽ nguôi ngoai phần nào. Ngay tối hôm đó, bà mẹ chồng đi đón đứa cháu nội “ngoài luồng” về cho con cô dâu.

Ngày xuất viện, hai mẹ con được đưa về nhà trong niềm vui của nhiều người. Hàng xóm ai cũng mừng cho bà đã mẹ tròn con vuông. Con bé có vẻ hợp vía mẹ nuôi nên rất ngoan, háu ăn và không hay ốm vặt. Hai vợ chồng bà yêu quý nó như con đẻ, dần dần những người trong cuộc dường như cũng quên màn kịch nhận con từ ngày trứng nước.

Mẹ đẻ của đứa bé sau đó đi lấy chồng, không một lần đoái hoài đến đứa con đã bị bỏ rơi. Ông anh chồng sau cú “thoát hiểm” đó thì đường công danh thêm rộng mở, từ cán bộ huyện được cất nhắc lên tỉnh, địa vị vững vàng, tài lộc đến nhà như nước chảy chỗ trũng.

Ba năm sau, bà sinh đôi được hai cậu con trai kháu khỉnh. Bà chợt nhớ có lần một ông thầy tử vi xem lá số, bảo số bà phải nhận con nuôi thì mới suôn sẻ đường con cái. Giờ lại thấy đúng như lời phán đó, bà càng thêm yêu quý cô con gái đầu.

Ngược lại với sự thăng tiến, giàu có của người anh, chồng bà làm ăn ngày càng sút kém. Mặc dù có tay nghề nhưng ông bị mắc bệnh dạ dày, sức khỏe giảm sút không thể làm được việc nặng, mà nghề mộc thì cứ ráo mồ hôi là hết tiền. Mọi khoản chi tiêu trong gia đình dồn cả lên vai bà.

xét nghiệm ADN2

Người con gái đầu lòng lam lũ với cuộc sống khó khăn. Ảnh minh họa

Ngoài mấy sào ruộng, bà đôn đáo chạy chợ để lo cho các con đủ tiền đóng học. Con gái lớn học xong lớp 12 xin đi làm công nhân may phụ giúp mẹ nuôi các em ăn học. Trong cảnh đời sống khó khăn, đã nhiều lần bà nghĩ đến chuyện cậy nhờ ông anh chồng giúp đỡ, ít nhất cũng lo cho con bé lớn có công ăn việc làm tử tế để đỡ vất vả.

Nhưng nhìn lại, bà thấy thực ra ông ấy chỉ nhờ thế lực nhà vợ mới được “vinh thân phì ra” nên sợ vợ một phép, không bao giờ dám tự ý quyết định việc gì dù lớn hay nhỏ. Vậy là bà từ bỏ ý định nhờ vả, đành thắt lưng buộc bụng chăm chồng nuôi con.

Con gái lớn đến tuổi lấy chồng, bà dành dụm mấy năm mới có hai chỉ vàng làm của hồi môn. Trong khi đó, ông bác (tức bố đẻ của cô gái) chỉ về dự đám cưới và đưa một cái phong bì với số tiền khiêm tốn như khi đi dự các đám khác trong họ hàng. Bà cảm thấy vừa giận vừa tủi cho con gái. Vậy ra cuối cùng ông ấy đã quên hẳn giọt máu của mình, không có một chút trách nhiệm hay tình cảm nào nữa.

Thật không may, lấy nhau được vài năm thì chồng cô bị ngã dàn giáo khi đi làm thợ xây trên thành phố, bị chấn thương cột sống. Chủ thầu chỉ chi tiền viện phí và bồi thường chút ít rồi thôi. Một mình cô phải nuôi con nhỏ lại chăm chồng nằm một chỗ, cuộc sống trăm bề vất vả. Thương con gái, mẹ cô qua lại giúp đỡ nhưng cũng chẳng được bao nhiêu, vì bản thân bà cũng vất vả kiếm tiền nuôi hai cậu con trai tuổi ăn tuổi học.

Người đàn bà khắc khổ đi tìm lại công bằng cho con gái

Sau nhiều ngày suy nghĩ, bà quyết định lên gặp ông anh chồng trình bày hoàn cảnh của con gái, mong ông mở lòng trợ giúp được phần nào để con đỡ cực nhọc. Chị dâu đi vắng, ông anh vội vã dúi cho bà nắm tiền, nhăn nhó bảo: “Thím cứ về đi đã. Việc này để từ từ tôi lo. Còn hai năm nữa tôi nghỉ hưu, để cho tôi được hạ cánh an toàn, lúc đó mỗi đứa con đều được chia một phần tài sản, tôi không quên đứa nào cả. Thím cứ yên tâm. Chỉ xin thím cố gắng chịu đựng một thời gian nữa và giữ kín chuyện cho tôi”.

Bà ra về, trong lòng không thôi ấm ức. Không phải bà đòi hỏi gì cho chính mình, mà chỉ vì quá thương con, muốn nhắc nhở ông bố đẻ đang sống trong cảnh sung túc, thừa mứa có một phần trách nhiệm với đứa con tội nghiệp của mình.

Trong hai năm chuẩn bị về hưu, ông anh chồng đã kịp làm đám cưới cho hai đứa con để tranh thủ tận dụng cơ hội thu phong bì. Sau hai vụ “đầu tư” ông đủ tiền mua một cái ô tô đời mới. Đến lúc nghỉ hưu lái xe đưa vợ đi thăm thú, du lịch khắp nơi. Nhưng không một lần ông nhớ đến lời hứa với bà em dâu.

xét nghiệm ADN3

Người đàn ông giàu có, thành đạt chối bỏ đứa con gái ruột của mình. Ảnh minh họa

Cô con gái thì vẫn đầu tắt mặt tối suốt ngày mà vẫn không đủ tiền mua thuốc cho chồng, mua sữa cho con. Cực chẳng đã, bà lại một lần nữa lên tìm ông anh chồng để nhắc nhở về trách nhiệm làm cha.

Không ngờ ông buông một câu lạnh lùng: “Thím vô lý thật. Trong họ ngoài làng ai chả biết nó là con của chú thím từ lúc mới lọt lòng, sao bây giờ lại cứ đến ăn vạ tôi? Bao nhiêu năm nay có ai bảo nó là con tôi? Nếu thím chứng minh được tôi là bố đẻ nó, tôi sẵn sàng chia đôi tài sản đang có cho nó một nửa”.

Bà cay đắng quay về, ngày đêm suy nghĩ mà không tìm được cách nào “lật mặt” ông anh bạc bẽo kia vì người biết rõ mọi chuyện là bà mẹ chồng thì đã qua đời khá lâu.

Thế rồi tình cờ bà xem một chương trình tivi có nói đến chuyện xác định cha con nhờ công nghệ giám định gien ADN. Bà mừng quá, đi dò hỏi qua nhiều người, biết được cách lấy mẫu tóc để đi làm xét nghiệm.

Nhân một lần vợ chồng ông anh về quê ăn giỗ, bà bí mật nhờ một đứa cháu họ giả vờ nhổ tóc sâu cho ông và lấy được chục sợi tóc mang đến cho bà. Đến lúc này bà cũng nói thật với cô con gái về thân phận của nó. Nghe xong, cô rất bàng hoàng, lặng cả người đi một hồi lâu rồi bật khóc nức nở.

Qua cơn xúc động, cô bảo bà không nên cố bắt ông bác phải nhận con chỉ vì mong muốn được giúp đỡ về vật chất, tình cảm phải xuất phát từ sự chân thành, tự nguyện chứ không thể ép buộc. Nhưng lòng đã quyết, bà mang mẫu tóc của hai người đến Trung tâm Phân tích ADN & Công nghệ di truyền để làm thủ tục xét nghiệm.

Tôi hẹn bà 4 ngày sau lên nhận kết quả, trong thời gian đó, cô con gái đã tìm đến gặp tôi, thuật lại câu chuyện của người mẹ. Giọng cô đầy đau khổ khi nói với tôi: “Chị ơi, chị có cách nào để làm cho kết quả em với ông ấy không phải là bố con không? Em không sung sướng gì khi bị ép nhận làm con như thế đâu. Thân phận em đã thế này, em đành cam chịu chứ không thể để người khác thương hại, khinh rẻ chị ạ”.

Nghe những lời nói từ gan ruột cùng những giọt nước mắt lăn dài trên gò má khô sạm của cô, tôi không khỏi rối trí. Nhưng trách nhiệm với công việc vẫn phải hoàn thành, tôi đành khuyên cô bình tĩnh trở về, sau khi có kết quả thì tùy cơ ứng xử sao cho hợp tình hợp lý.

Sau khi nhận kết quả từ Trung tâm, bà mẹ cô gái mở ra xem ngay và tỏ rõ sự vui mừng khi thấy phần kết luận ghi hai đối tượng đúng là cha con. Bà vội vã chào tôi ra về, không để lại một thông tin nào và cũng không ghi số điện thoại của tôi như những khách hàng khác.

Tôi không có cơ hội tìm hiểu phần tiếp theo của câu chuyện, chỉ còn biết cầu mong sao cho mọi điều diễn ra không quá tồi tệ, để mỗi người có liên quan đều được sống thanh thản như chính mong muốn của mình. Tất nhiên tôi cũng hiểu rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng có những kết thúc có hậu như trong phim ảnh, văn chương…

(Còn nữa)

Phong Lan (ghi theo lời nhân vật)
Theo Đời sống Plus