LTS: Đây là những câu chuyện có thật của nhân viên làm việc lâu năm tại một trung tâm xét nghiệm ADN nổi tiếng. Những câu chuyện này khiến nhiều người bất ngờ bởi những tình tiết quá đỗi tréo nghoe, trái ngang, cay đắng...
Trong số những khách hàng đến làm việc với tôi tại Trung tâm Phân tích ADN, đa phần với mục đích xác nhận các đối tượng là bố-con hoặc mẹ-con. Nhưng đôi khi cũng có trường hợp người đi làm thủ tục xét nghiệm vì cần chứng minh không có quan hệ huyết thống để chấm dứt những rắc rối, hệ lụy cho cuộc sống của mình.
Cô sinh viên năm cuối trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật đi cùng mẹ đến văn phòng của tôi với vẻ mặt khá căng thẳng, có lẽ đây là lần đầu tiên cô biết đến một công việc đặc biệt như thế này. So với tuổi của cô gái, bà mẹ có vẻ là một người hiếm muộn nên sinh khi tuổi đã lớn. Bà mẹ muốn tiến hành xét nghiệm ADN cho con gái và người chồng hiện tại của mình để giải quyết các vấn đề đất đai, tài sản giữa những người liên quan.
Bà lấy trong túi ra một chiếc phong bì có chứa hơn chục sợi tóc đã chuyển sang màu trắng bạc đưa cho tôi và yêu cầu tôi lấy mẫu của cô con gái luôn tại đó. Cô gái ngồi im để tôi lấy mẫu, tuy không quá đau đớn khi nhổ mấy sợi tóc nhưng trông cô nhăn nhó rất khổ sở. Đợi tôi niêm phong mẫu, ghi kí hiệu khách hàng bên ngoài phong bì xong, bà mẹ mới mở lòng tâm sự về việc làm “chẳng đặng đừng” này…
Người đàn ông vui cuộc sống tuổi xế chiều với “dì hai”
Ở tuổi ngoài 40 bà mới lần đầu được làm mẹ. Thời gian bà mang thai và sinh con, không ai biết mặt cha đứa bé, cho đến khi con bé tròn một tuổi thì mọi người xung quanh bỗng thấy xuất hiện một người đàn ông đến nhận con. Bà muốn chính thức công khai mối quan hệ này nên đã làm mấy mâm cơm mời anh em trong nhà và hàng xóm đến chung vui.
Cuộc sống của ông và người vợ sau khá êm đềm, hạnh phúc. Ảnh minh họa
Sau đó, bà làm lại khai sinh cho con, lấy họ của ông thay vì họ của mình trong giấy khai sinh cũ. Thực ra bà chỉ là vợ không chính thức, vì trước đó ông đã có vợ và 6 đứa con (trong đó chỉ có một cậu con trai duy nhất) nhưng người vợ cả hơn ông mấy tuổi sống ở quê xa, còn ông nhiều năm đi công tác, ở một mình trong thị xã.
Môi trường sống và trình độ của hai người quá khác biệt, càng ngày ông càng nhận thấy mình không hòa hợp được với người vợ ở quê nên cố gắng hoàn thành trách nhiệm với các con, mỗi năm ông chỉ về thăm nhà vào dịp Tết, còn lại hàng tháng gọi con ra thị xã nhận tiền về đưa cho mẹ chi tiêu mọi việc của gia đình.
Trong những ngày thui thủi một mình với cảnh “cơm hàng cháo chợ”, ông đã gặp người phụ nữ khá nhiều tuổi mà nhan sắc còn có phần mặn mà, biết cảm thông và có duyên nói chuyện. Hai người qua lại như bạn bè tìm mối tâm giao, ông không có ý định lập thêm một gia đình mới, vì gánh nặng áo cơm cho đàn con đông đúc ở quê đã quá mệt mỏi.
Một thời gian sau, khi người phụ nữ ấy thông báo đã có thai khiến ông rất sửng sốt, không biết phải xử trí ra sao. Cuối cùng ông đành chọn cách im lặng tránh xa bà. Là người tự trọng, bà cũng không tìm cách ràng buộc, níu kéo hay đòi hỏi trách nhiệm mà lặng lẽ sinh con một mình.
Ở thời điểm đó, chuyện không chồng mà có con vẫn còn khá nặng nề, dư luận xung quanh cũng ồn ào gây khó dễ cho bà nhưng vì đứa con nhỏ, bà đã vượt qua tất cả để tạo lập cuộc sống tốt cho hai mẹ con.
Khi ông đến nhận con, bà cũng không phản đối, chỉ yêu cầu ông thu xếp với vợ cũ và các con sao cho ổn thỏa, trong ấm ngoài êm để không ảnh hưởng xấu đến tương lai của con cái. Các con ông đều đã lớn, lần lượt đi lập gia đình, người vợ cả ở cùng cậu con trai trong căn nhà của cha ông để lại. Còn ông sau khi nghỉ hưu đã trả gian phòng tập thể cho cơ quan cũ và chuyển đến ở cùng hai mẹ con bà.
Vốn là người mau mắn, khéo cư xử, bà đã dần gây được cảm tình với các con của ông. Cả 6 người con đều thấy thoải mái khi đến thăm bố, thậm chí còn thấy mừng vì từ khi về sống với “dì hai”, điều kiện khá giả nên tinh thần cũng như thể chất của ông được nâng cao rõ rệt.
Các con ông động viên bố đưa dì và em về “báo cáo” với họ hàng bên nội để anh chị em được chính thức nhận nhau. Bà vợ cả cũng được thuyết phục, mở lòng chấp nhận cảnh chồng chung vào lúc tuổi xế chiều. Vả lại, bà suốt đời làm ruộng ở nông thôn, chỉ quanh quẩn trong làng nên suy nghĩ vẫn mang còn cổ hủ, rằng đàn ông năm thê bảy thiếp là chuyện thường tình.
Không để bà cả phải thiệt thòi, hàng tháng ông vẫn trích lương hưu ra chu cấp một khoản tiền đủ để ăn tiêu, quà cáp thăm hỏi họ hàng. Mỗi khi trong nhà có việc lớn việc nhỏ, cậu con trai lại chạy xuống thị xã nói khó với bố vài câu, lập tức được dì hai mở hầu bao trợ giúp rất hào phóng.
Sống với hai mẹ con bà, ông không bao giờ phải nghĩ đến chuyện tiền nong, vì bà buôn bán đã nhiều năm, lưng vốn khá dày dặn lại biết lo toan mọi việc tháo vát. Cô con gái lớn dần lên, học hành suôn sẻ và luôn nhất mực kính trọng bố. Người ngoài nhìn vào ai cũng khen số ông đúng là có hậu, vất vả cô đơn lúc trẻ, về già lại được hưởng thụ một cuộc sống sung sướng.
Khi con thi đại học, ông định hướng vào ngành sư phạm để sau này có sự ổn định, không phải bon chen như các nghề khác. Mấy năm con đi học ở thành phố, tháng nào ông cũng tay xách nách mang đủ thứ quà quê lên thăm vì sợ con đi ô tô về nhà nhiều mệt mỏi sẽ ảnh hưởng đến việc học.
Đến năm thứ ba, con gái mang người yêu về giới thiệu. Sau vài lần “thẩm định lý lịch”, ông đồng ý cho cậu sỹ quan an ninh chính thức tìm hiểu con gái mình. Đôi trẻ cũng thể hiện ý định sau khi ra trường, ổn định công việc sẽ xin làm đám cưới.
Từ khi biết em gái út có người yêu, lại chỉ còn một năm học nữa là tốt nghiệp, cậu anh trai vui vẻ ủng hộ nhiệt tình, thậm chí còn mời mọc em rể tương lai lên tận nhà làm cơm thết đãi thịnh soạn.
Trong cơn cao hứng, ông anh trai khoát tay giao giảng: “Các em cứ lo chuyện trăm năm cho chu toàn, em gái đi lấy chồng không phải nghĩ ngợi gì hết, phận gái là phải theo chồng, toàn tâm toàn ý phục vụ nhà chồng. Còn sau này bố và dì có mệnh hệ nào cứ để anh lo hết”.
Người đàn bà quyết định chấm dứt những hệ lụy cho cuộc sống của mình
Đúng thời gian con gái đi thực tập tốt nghiệp, tuần nào cậu con trai ông cũng xuống thăm bố và dì. Mới đầu cậu ta còn nói gần nói xa, về sau càng ngày càng bộc lộ rõ ra ý muốn được đứng tên một phần tài sản của dì, với lý do sau này em gái đi lấy chồng, anh ta sẽ là người đứng ra lo liệu phần “hậu sự”, có trách nhiệm thờ cúng. Khi hiểu được ý định đó, bà đã lựa lời từ chối khéo tấm “thịnh tình” của cậu.
Khi nhận kết quả xét nghiệm, "người đàn bà mỉm cười bình thản". Ảnh minh họa
Không đạt được mục đích, cậu ta trở nên lầm lì, hung hãn, luôn tìm cách gây gổ với ông bố. Có hôm mượn hơi men, cậu văng ra những lời lẽ khó nghe về trách nhiệm, nghĩa vụ của người cha đối với con cái, rồi lớn tiếng lên án bà đã rắp tâm “cướp chồng” của mẹ cậu, khiến cho gia đình tan đàn xẻ nghé. Giờ đây, bà phải có trách nhiệm bù đắp những thiệt thòi của cậu bằng một nửa ngôi nhà và tài sản hiện có, coi như đó là phần của bố cậu ta khi ruồng bỏ gia đình đi xây dựng hạnh phúc với bà.
Không dừng lại ở đó, cậu còn tìm cách đến tận trường đại học khủng bố tinh thần cô em gái, gay gắt nói thẳng vào mặt em rằng cô chỉ là phận nữ nhi, lấy chồng xong là không còn quyền lợi gì ở nhà hết. Cậu còn mang “phong tục truyền thống” ra dọa dẫm, nếu sau này mẹ cô mất không để cậu ta thờ cúng thì con rể cũng không cho để bát hương trong nhà, thành ma đói ma khát vất vưởng lang thang.
Cô em trẻ người non dạ rất sợ hãi, gọi điện về khóc lóc thuyết phục mẹ đồng ý để anh trai thừa kế gia tài cho yên chuyện. Nhưng bà nhất quyết không nao núng. Cuối cùng, bà đã chọn phương án giải quyết bằng cách nhờ khoa học nói ra sự thật, cho dù ban đầu có thể khiến con gái bị sốc.
Sau khi nghe câu chuyện của bà, tôi tiễn hai mẹ con ra về và hẹn ngày trả kết quả xét nghiệm. Hôm đi nhận kết quả, bà chỉ đến văn phòng của tôi một mình, khi nhận bản kết luận ghi rõ cô con gái và người chồng không phải bố - con, bà mỉm cười bình thản.
Bà nói thêm với tôi: “Thực tâm tôi không muốn làm thế này cô ạ. Vì ngay từ đầu, khi ông ấy đến nhận con, tôi đã nói là không dám chắc đó có phải con anh không. Nhưng ông ấy khẳng định chắc chắn dù thế nào đi nữa, ông ấy vẫn muốn sống cùng tôi và đứa bé. Nhiều năm sống với nhau, tình nghĩa vợ chồng, cha con gắn bó, nay phải làm rõ ra thế này tôi cũng đau lòng lắm chứ. Tôi thương ông ấy một thì phải thương con mình mười phần. Nếu không làm rõ ra thì mẹ con tôi không được sống yên ổn ngay trong chính căn nhà gây dựng bằng mồ hôi nước mắt của mình”.
Khi sự thật được phơi bày rõ ra ông ấy không phải bố đẻ của cô gái thì cậu con trai cũng không còn lý do để tranh giành tài sản. Nhưng rồi mọi chuyện sẽ đi về đâu? Chia tay người đàn bà ấy, tôi cứ đau đáu trong lòng không biết cuộc sống của mẹ con bà với người đàn ông kia sẽ diễn ra theo chiều hướng nào…
(Còn nữa)