Thứ sáu, 22/11/2024 | 01:21
RSS

Có người còn đang lo cái ăn, thì đừng vội nghĩ đến bộ "ấm chén"!

Thứ ba, 18/04/2017, 09:47 (GMT+7)

Dân nghèo vẫn cần có bộ ấm chén. Nhưng với nhiều gia đình, làm sao họ thảnh thơi ngồi quây quần thưởng trà, ngắm bộ ấm chén được, khi cái nghèo, cái đói vẫn còn đang bủa vây, đè lên vai dai dẳng từng ngày?!?

Câu chuyện về việc tỉnh Vĩnh Phúc chi 65 tỉ đồng mua tặng mỗi hộ dân và đại biểu khách mời 01 bộ ấm chén làm quà lưu niệm nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập tỉnh diễn ra đã khá lâu, nhưng dư âm đến nay vẫn còn dai dẳng. Lẽ ra tôi cũng không định ý kiến về chuyện này bởi đã có quá nhiều báo chí đưa tin, phản ánh, bàn tán.

Nhưng vừa qua, trong một chuyến công tác, có dịp đi qua một số địa phương của tỉnh Vĩnh Phúc, chạnh lòng chứng kiến nhiều mảnh đời còn đầy khó khăn cơ cực, tôi lại muốn viết đôi lời.

Vĩnh Phúc chi 65 tỉ đồng mua ấm chén 1

Bộ ấm chén tỉnh Vĩnh Phúc tặng cho người dân

Tôi vẫn nhớ một vị chức sắc, đại diện phát ngôn của chính quyền Vĩnh  Phúc khi trao đổi với phóng viên một tờ báo đã nổi cáu gắt lên: "Ai bảo cậu Vĩnh Phúc là tỉnh nghèo?". Quả thật, những năm gần đây, Vĩnh Phúc đang vươn lên trở thành một trong những tỉnh phát triển kinh tế mạnh mẽ của cả nước.

Vĩnh Phúc không còn được coi là tỉnh nghèo nữa, nếu nhìn vào các chỉ số thu nhập, phát triển, nhất là so với các địa phương kế bên về mạn ngược. Nhưng, để khẳng định Vĩnh Phúc không còn hộ đói, nghèo, tôi tin không vị đại diện nào của tỉnh dám vỗ ngực phát ngôn như vậy!?!

Việc một tỉnh đang có bước chuyển mình mạnh mẽ, nằm trong "câu lạc bộ nghìn tỉ" như Vĩnh Phúc chi 65 tỉ đồng mua quà tặng cho khách mời thập phương và nhân dân trong tỉnh nhân một sự kiện lớn như lễ kỷ niệm 20 năm ngày chia tách tỉnh không phải là số tiền quá lớn. Nhưng, có một số vấn đề mà tôi thực sự băn khoăn khi ngẫm nghĩ về số tiền và cách chi ấy.

Đó là, con số 65 tỉ đồng kia chủ yếu sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước. Giá 65 tỉ đồng ấy hoàn toàn là nguồn tiền xã hội hóa, hoặc Vĩnh Phúc khéo léo linh hoạt kêu gọi từ nguồn nào đó ngoài ngân sách nhà nước thì tốt biết bao?!?

Chính vì dùng tiền ngân sách để chi, nên xung quanh việc đấu thầu mua quà tặng, người ta mới có những ý kiến xì xào to nhỏ về tính minh bạch, công khai, chặt chẽ. Với nhiều người, con số 65 tỉ ấy là quá lớn, hợp đồng đấu thầu ấy là quá béo bở, vì vậy, việc họ đòi hỏi sự tỉ mỉ, chi tiết, minh bạch về giá thành, chất lượng sản phẩm... cũng hoàn toàn dễ hiểu.

Nhưng thôi, ấy cũng chưa hẳn đã là điều đáng quan tâm nhất khi nói về những bộ ấm chén và con số 65 tỉ ấy. Điều mà tôi băn khoăn nhiều hơn, đó là cách làm của Vĩnh  Phúc.

Tôi cho rằng, việc cào bằng quà tặng theo kiểu "bổ đầu" về các địa phương còn mang nặng tư duy ban phát, chia đều, gạt phẳng. Đành rằng bộ ấm chén ấy là món quà quý giá, mang cả giá trị vật chất lẫn tinh thần và với nhiều người, được sở hữu nó là niềm vinh dự.

Vĩnh Phúc chi 65 tỉ đồng mua ấm chén 12

Bộ ấm chén tỉnh Vĩnh Phúc tặng cho khách mời

Nhưng thử hỏi, bộ ấm chén có giá 200.000 đồng với dòng chữ “Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc kính tặng” ấy có thực sự hữu dụng, quý giá với nhiều gia đình không? Tôi tin rằng, nhiều hộ gia đình sẽ trả lời: Không!

Nhân dân Vĩnh Phúc đã giàu mạnh lên nhiều, bộ ấm chén 200.000 đồng không còn được coi là vật dụng có giá trị nữa. Với nhiều gia đình ở mức khá giả (số lượng không hề nhỏ), tôi tin họ đang sử dụng những bộ ấm chén có giá trị lớn hơn, đẹp hơn, quý hơn nhiều.

Vì vậy, chắc chắn họ không cảm thấy thật sự trân trọng khi nhận những bộ ấm chén mà chính quyền mang đi "phát hàng loạt". Không ít các hộ trong số đó khi nhận những bộ ấm chén ấy, điều đầu tiên họ nghĩ là không biết sẽ đem cho ai, tặng lại ai hay cất ở đâu?

Sử dụng thì chắc chắn nhiều hộ không nghĩ đến! Thưởng trà là một thú vui tao nhã, cũng là cách thể hiện "đẳng cấp" của gia chủ.

Bộ ấm chén 200.000 đồng do đó sẽ "lệch pha" khi xuất hiện trên mặt bàn giữa phòng khách sang trọng, lộng lẫy. Tặng món quà mà với nhiều hộ gia đình, nó không mang nhiều giá trị, được đón nhận bằng thái độ thờ ơ, lạnh nhạt, liệu đó có phải là cách hay không?

Ấy là về cách tặng! Còn một điều mà cũng rất nhiều báo chí, ý kiến đã bàn luận, đưa ra, nay tôi cũng xin đặt vấn đề lại.

Đó là cách Vĩnh Phúc chi một lúc 65 tỉ để chia nhỏ, tặng cào bằng cho mỗi hộ bộ ấm chén 200.000 đồng có thật sự hợp lý, hiệu quả không khi trên địa bàn này, vẫn còn những gia đình đang chạy ăn từng bữa, sống lay lắt trong ngôi nhà mà thực ra nó chỉ là nơi chui ra chui vào đúng nghĩa, tính mạng có khi đang bị đe dọa bất cứ lúc nào nếu thiên tai, bão lốc xảy ra?

Trong chuyến công tác vừa rồi, tôi có dịp đi qua nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa của Vĩnh Phúc và chạnh lòng nhận ra rằng, mặc dù mang tiếng sống trong tỉnh thuộc "câu lạc bộ nghìn tỉ" từ lâu, nhưng nhiều hộ gia đình như thể đang bị "bỏ rơi", sống lạc lõng như người từ nơi nào khác đến.

Họ nghèo, đói thật sự, đến kiếm miếng ăn còn khó khăn, kiếm cái áo mới cho đám trẻ còn đang chật vật, chỉ biết bám vào những mảnh ruộng, mảnh vườn khô cằn sỏi đá mưu sinh, làm sao dám nghĩ đến chuyện thưởng trà.

Bộ ấm chén với họ dù lung linh, lấp lánh thật đấy, nhưng với nhiều hộ, ngay lúc nhận nó, họ đang ước giá quy được ra thóc, ra gạo, ra cân thịt, bìa đậu, chai nước mắm, có lẽ còn quý hơn nhiều?!?

Hay những căn nhà xiêu vẹo phải gồng mình chống chọi từng đợt gió của các hộ dân sống cheo leo cạnh núi, ước mơ của chủ căn hộ lớn lao hơn bộ ấm chén ấy rất nhiều.

Giá các vị lãnh đạo chính quyền Vĩnh Phúc nhìn ra điều ấy, dùng số tiền 65 tỉ kia để xây những ngôi nhà tình thương, tình nghĩa; tặng giống vật nuôi, cây trồng cho các hộ nghèo; tặng chăn màn, áo ấm, sách vở, đồ dùng học tập cho các cháu nhỏ thuộc gia đình khó khăn; mua thuốc bổ biếu các cụ già, có phải tốt biết bao?

Tất nhiên, thực hiện điều đó sẽ mất công sức hơn rất nhiều so với việc đấu giá nhập một lô ấm chén về rồi đi phát cho từng hộ. Nhưng, không hiểu sao tôi cứ nghĩ, thà vất vả một chút, làm những việc thiết thực, hiệu quả hơn cho dân, điều đó mới thật sự đáng quý, đáng trân trọng.

Dân nghèo vẫn cần có bộ ấm chén. Nhưng với nhiều gia đình, làm sao họ thảnh thơi ngồi quây quần thưởng trà, ngắm bộ ấm chén được, khi cái nghèo, cái đói vẫn còn đang bủa vây, đè lên vai dai dẳng từng ngày?!?

Đại Kê
Theo Đời sống Plus