Thứ năm, 25/04/2024 | 12:03
RSS

Chuyện 'yêu' cho người bệnh tim mạch

Thứ bảy, 21/12/2019, 10:53 (GMT+7)

Đời sống tình dục là nhu cầu bản năng của mỗi người và là phần tất yếu trong đời sống sinh hoạt vợ chồng nhưng với những người có bệnh tim mạch, họ thường rất lo lắng.

Chuyện yêu cho người bệnh tim mạch

Ảnh minh họa

Khi quan hệ tình dục, những biến đổi sinh lý thông thường đã được ghi nhận như: Khi được kích thích, nhịp thở sẽ tăng dần, da sẽ đỏ lên, cả nhịp tim và huyết áp đều tăng nhẹ. Khi ở trạng thái hưng phấn, người sẽ căng lên, cả nhịp tim và huyết áp đều tăng cao.

Vào thời điểm cực khoái, cơ thể sẽ giải phóng những năng lượng bị dồn nén. Sau đó, nhịp tim, huyết áp và nhịp thở sẽ giảm dần về mức bình thường. Đây là những biểu hiện bình thường.

Đối với những người bệnh tim mạch, sự thay đổi này đôi khi lại là gánh nặng cho quả tim nếu chúng ta không có một nhận thức đúng đắn. Với người có bệnh tim nhẹ (như suy tim độ I-II, tăng huyết áp giai đoạn I, II…) thì hoạt động tình dục nhẹ nhàng không ảnh hưởng đến bệnh, mà ngược lại, còn có lợi cho tim mạch khi duy trì đều đặn và nhẹ nhàng. Khi người bệnh tăng huyết áp giai đoạn III (huyết áp tối đa trên 180mmHg), suy tim nặng hoặc có bệnh thiếu máu cơ tim, cần lưu ý điều chỉnh hoạt động tình dục để tránh tai biến. 

Nếu bệnh nhân có suy tim độ III trở lên (bệnh nhân thấy khó thở cả khi nghỉ ngơi) thì cần tránh và điều trị tích cực, khi mức độ suy tim giảm dần, có thể hoạt động tình dục nhưng hạn chế và tránh gắng sức. Khi sinh hoạt tình dục mà thấy khó thở hoặc mệt cần ngừng ngay, có thể thay đổi tư thế để giảm mức độ gắng sức. Khi điều trị bệnh chưa ổn định cũng nên tránh quan hệ tình dục, vì có thể làm bệnh nặng hơn, xuất hiện rối loạn nhịp tim, thiếu máu cơ tim…nguy hiểm đến tính mạng.  

Đối với bệnh nhân tăng huyết áp giai đoạn I và II, có thể tiếp tục hoạt động tình dục. Cần lưu ý một số thuốc điều trị tăng huyết áp có thể gây giảm chức năng tình dục, vì vậy cần được tư vấn của bác sỹ tim mạch khi dùng thuốc hạ huyết áp, nếu có những phản ứng phụ đó, nên thay bằng thuốc khác theo hướng dẫn của thầy thuốc để không ảnh hưởng đến chức năng tình dục. 

Đối với người bệnh bị thiếu máu cục bộ cơ tim (do hẹp động mạch vành) có biểu hiện đau ngực thì cần tránh hoạt động tình dục hoặc khi hoạt động tình dục có xuất hiện đau ngực thì cần ngừng ngay. Khi bệnh được điều trị ổn định, không còn đau ngực, có thể tiếp tục hoạt động tình dục, tuy nhiên cần chọn tần suất và mức độ phù hợp. 

Đối với người bệnh sau phẫu thuật tim mạch có thể trở lại quan hệ tình dục sau khoảng vài tuần. Bệnh nhân có thể bắt đầu một cách từ từ. Đa số người bệnh bắt đầu quan hệ sau 2 đến 3 tuần. Theo ước tính, khi người bệnh có thể đi lên cầu thang bộ 3 tầng thì có thể trở lại hoạt động tình dục từ từ và bình thường.

Trong quá trình quan hệ tình dục, khi thấy xuất hiện các biểu hiện như đau ngực, khó thở, nhịp tim nhanh hoặc không đều, cần dừng lại và nói với bạn tình. Nên khám và được tư vấn bởi bác sỹ chuyên khoa tim mạch sau đó.

Để đảm bảo an toàn khi sinh hoạt tình dục, người bệnh cần được tư vấn đầy đủ về lợi ích và những nguy cơ có thể gặp phải. Cần duy trì thói quen ăn uống điều độ, tập thể dục, nghỉ ngơi, dùng thuốc đều đặn hợp lý theo hướng dẫn của bác sỹ, dừng hút thuốc lá, không uống rượu. Nên quan hệ ít nhất 2 giờ sau bữa ăn, cần tránh khi mệt, cũng như tránh ngày quá nóng hay quá lạnh. 

Duy trì quan hệ tình dục giúp cho đời sống vợ chống thêm gần gũi. Với người có bệnh tim mạch, tình dục đúng mực sẽ giúp giải tỏa stress, thấy tự tin và yêu cuộc sống hơn, giúp chiến đấu với bệnh tim mạch. Ngoài ra, các hoạt động thể chất như đi bộ, bơi, đạp xe, khiêu vũ ở mức độ phù hợp có tác dụng làm giảm nguy cơ tim mạch trong lúc quan hệ tình dục. 

Thiên Thanh
Theo Đời sống Plus/GĐVN