LTS: Cuốn tự truyện “Chuyện nhà Dr Thanh” do Phó tổng giám đốc Tân Hiệp Phát – Trần Uyên Phương chắp bút chính thức ra mắt độc giả, giới doanh nhân, truyền thông tại TP.HCM chiều 14/6, sau suốt gần 10 năm ròng rã thu thập tư liệu và chắp bút.
Cuốn sách là những dòng cảm xúc, những suy nghĩ, ghi chép được gom góp bằng mọi sự kính nể, trân trọng và yêu thương của người con khi viết về gia đình mình.
Câu chuyện đằng sau một trong những doanh nghiệp giữ quyền lực hàng đầu của lĩnh vực kinh doanh nước giải khát trên thị trường Việt Nam và châu Á; rồi chân dung được lột tả chân xác và trần trụi của doanh nhân Trần Quí Thanh từ góc nhìn chính cô con gái ruột... những điều này đã quá đủ để người đọc tò mò và muốn tìm hiểu về "Chuyện nhà Dr.Thanh".
Nhìn cái tên "Chuyện nhà Dr.Thanh", đã hiểu, nhân vật chính của câu chuyện là ông Trần Quí Thanh - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Còn những thành viên khác trong gia đình thì sẽ xoay quanh câu chuyện cuộc đời ông.
Cũng phải, nếu không có ông Thanh làm nhân vật chính, là cái trụ xoay, thì mấy ai biết đến những cái tên của bà vợ, con gái, con trai ông. Họ một phần và tự chọn cho mình cuộc sống lặng lẽ, ít ồn ào, không thích scandal. Hoặc một phần vì ông Thanh quá nổi bật, nên nhắc đến Tân Hiệp Phát, người ta chỉ nhớ đến ông.
Nếu gia đình ấy mà không có cái tên Dr.Thanh, có lẽ, nó cũng bình lặng như hàng trăm nghìn gia đình doanh nhân khác trên đất nước này.
Chỉ cần đọc lời giới thiệu của cô con gái Trần Uyên Phương, với giọng kể mộc mạc, giản dị, tôi đã cảm thấy bị thu hút thực sự. Bởi, qua ngòi bút của con gái, đã khắc họa một ông Thanh khiến tôi bất ngờ, vì có quá nhiều điểm giống cha tôi.
Và tôi đọc một mạch, đọc với tâm thế của một người đàn ông vừa làm bố để tìm hiểu về một bậc tiền nhân làm chủ gia đình, chứ không bị ám ảnh bởi những chuyện thị phi từng gây xôn xao dư luận trước đó. Và, khi cuốn sách gấp lại, tôi lại thấy những chuyện thị phi đó chẳng thấm vào đâu so với những sóng gió mà ông chủ gia đình, chủ doanh nghiệp nổi tiếng ấy từng chìa vai hứng đỡ.
Đọc cuốn sách, có những lúc, tôi đã rơi nước mắt thật sự. Bởi, những gì mà Trần Uyên Phương viết về cha mình cũng giống chuyện chị em tôi thường cùng nhau ngồi ôn lại kỉ niệm về bố tôi thuở trước
Bố tôi giống ông Thanh ở sự lạnh lùng, ít bày tỏ tình cảm với vợ con. Đã có lúc, tôi thấy bố mình thật vô tâm, thậm chí như người dưng với mình. Nhưng sau này, khi thấy bố nằm trằn trọc thở dài cả đêm, sáng hôm sau tóc bạc dày hơn trước vì những lỗi lầm thơ trẻ của con trai, tôi mới biết, cách thể hiện tình cảm của bố không giống những người bình thường. Tôi cũng hiểu thêm rằng, không phải cứ nói ra những lời yêu thương, thì đó mới là tình yêu thương thật sự.
Quay trở lại cuốn tự truyện, chỉ cần đọc thêm vài trang, tôi đã nhận ra ngay: Đây là một gia đình đặc biệt. Nó đặc biệt bởi sự khác biệt của mỗi thành viên trong gia đình. Đặc biệt bởi dưới cái bóng quá lớn của người chủ gia đình, các thành viên khác vẫn thoát ra và thể hiện được cái tôi rất riêng.
Mỗi người đều là một cá thể mà khi ra ngoài, hoàn toàn có thể độc lập phát triển và có khả năng điều khiển người khác. Ấy nhưng, những cá nhân mạnh mẽ ấy khi về nhà, họ vẫn là những người con bình thường như bao người con khác của cả vạn, cả triệu mái ấm trên dải đất này.
Phía sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người đàn bà, điều này hoàn toàn đúng với Dr. Thanh. Đương nhiên "bóng dáng người đàn bà" ở đây không ai khác chính là bà Nụ - vợ ông Thanh.
Tuy trong tự truyện bà Nụ không xuất hiện nhiều, không thay mặt chồng đưa ra những quyết định "kinh bang tế thế", không xen vào chuyện làm ăn của chồng nhưng chắc chắn, không có người vợ ấy thì không có Dr. Thanh và cũng chẳng có một Tân Hiệp Phát như hiện tại.
Bà Nụ hiện lên trong tự truyện là một người vợ có sức vóc gánh vác toàn bộ chuyện "nội bộ" gia đình, trong khi từ lúc lấy chồng chỉ duy nhất một lần được chồng đưa cho 2 chỉ vàng. Vậy mà, khi đứng cạnh chồng, bà lại khiêm nhường, dịu dàng đến lạ lẫm. Một người vợ mà bữa tối mình ăn kiêng nên chỉ uống nước ép, song lại chầu chực ngồi chờ chồng về để nấu ăn, hoặc bón cho chồng từng thìa cháo khi ông đã say mệt lả. Những chuyện đó diễn ra hàng nghìn lần song bà chưa một lần than vãn, quả là khó gặp. Bà Nụ là hiện thân của người phụ nữ Á Đông luôn cam chịu nhưng thừa khôn ngoan biết khi nào thì tựa vai chồng, khi nào thì để chồng tựa vai mình.
Đọc Chuyện nhà Dr. Thanh, người ta cũng ngộ được thêm nhiều điều, không phải về một con người cụ thể, mà là những triết lý sống. Chẳng phải tự nhiên để có được một gia đình danh giá như vậy. Không phải dễ dàng để có được một Dr.Thanh như thế. Nếu không đọc tự truyện, chắc ít ai biết rằng, ông Trần Quí Thanh quyền uy ngày nay từng có một tuổi thơ dữ dội, nhiều sóng gió đến nhường nào.
Hình ảnh cậu bé Trần Quí Thanh ngồi bên xác mẹ, lay lay, giở tấm khăn trắng đắp trên mặt mẹ và kêu lên "Mẹ ơi ! Mẹ ơi… Mẹ tỉnh dậy nói gì đi" báo hiệu một sự thiệt thòi, thiếu thốn quá lớn lao của ông Thanh. Nhưng, nó cũng dự báo trước chính sự mất mát ấy sẽ là bước ngoặt để tạo nên một Dr. Thanh mạnh mẽ, quyết đoán và bản lĩnh sau này.
Cuộc đời ông Thanh gặp không ít sóng gió bủa vây. Ngay cả khi thành đạt, những giông tố vẫn không ngớt. Và, qua từng trang tự truyện, nghe cô con gái của ông kể lại với giọng văn chân thực, giản dị, người ta đã thấy cách ông Thanh đối mặt và vượt qua những giông tố ấy như thế nào. Nếu là người bình thường, không có được bản lĩnh, trí tuệ, tầm nhìn xa và cả sự quyết đoán, khôn ngoan, thêm chút liều lĩnh của người chủ tịch Trần Quí Thanh, chắc chắn, Tân Hiệp Phát đã không thể lớn mạnh như ngày hôm nay.
Không hiểu sao, đọc cuốn tự truyện, tôi lại thấy đọng lại trong mình nhiều nhất đó là tình cảm gia đình. Tôi rất ấn tượng với những cảnh miêu tả sinh hoạt của một gia đình văn minh song cũng rất đỗi khác biệt dưới sự chủ trì của ông Thanh. Nhờ đó, độc giả có thể thấy phía sau một Tân Hiệp Phát đồ sộ và một ông Trần Quí Thanh đầy uy quyền là gia đình. Ở đó, ông cũng có vợ, con, những bữa ăn xen lẫn cả sự hoài nghi và hiểu lầm... như bao gia đình bình thường khác.
Có điều, những cái giống với mọi gia đình ấy lại được xử lý rất khác biệt. Vì, trong ngôi nhà đó có những con người đặc biệt. Ngoài ông chủ quyền lực với tính cách "khó không giống ai", mỗi người đều có hướng đi và cách nghĩ và lối sống riêng của mình, thật mạnh mẽ, cá tính nhưng cũng rất khác biệt. Song, cái khác biệt ấy khi đặt trong trục xoay của mái ấm yêu thương thì lại có phần mềm mại để uốn mình vào một guồng quay chung và tạo nên một sợi dây bền vững vầ hạnh phúc.
Bỏ qua những thị phi, tôi cho rằng, cuốn "Chuyện nhà Dr.Thanh" là tự truyện đáng để đọc. Đọc không phải để biết, mà để học cách ứng xử trong mỗi gia đình, học cách làm chủ gia đình và đưa gia đình ngày càng hưng vượng. Đọc để có thêm quyết tâm, như câu tuyên ngôn của ông Dr.Thanh "Không có gì là không thể".
Cuối cùng, đọc để trân quý hơn tình cảm của "Cô gái tỉ đô" Trần Uyên Phương dành cho cha và gia đình mình. Ở cương vị của cô, không phải ai cũng dành được gần chục năm để cho ra đời cuốn tự truyện như thế. Cô cũng chính là một thành viên đầy cá biệt, trong một gia đình "đặc biệt" ấy.
Ấn phẩm "Chuyện nhà Dr. Thanh" có 224 trang, do NXB Phụ nữ phát hành. Độc giả có thể liên hệ số điện thoại 04 390 68686 để đặt mua cuốn sách. Và với mỗi cuốn “Chuyện nhà Dr. Thanh” được đặt mua, 20.000 đồng sẽ được trích lại để trao học bổng khuyến học. |