Chủ nhật, 19/01/2025 | 10:25
RSS

Chuyện nhà Dr.Thanh: Chuyện về những người mang… "số khổ"

Thứ hai, 10/07/2017, 14:49 (GMT+7)

Tự truyện "Chuyện nhà Dr. Thanh" cho mọi người thấy một sự thật khó tin là làm doanh nhân kể cả là doanh nhân thành đạt cũng chẳng… sướng hơn người bình thường là mấy…

LTS: Cuốn tự truyện "Chuyện nhà Dr. Thanhdo Phó tổng giám đốc Tân Hiệp Phát – Trần Uyên Phương chắp bút chính thức ra mắt độc giả, giới doanh nhân, truyền thông tại TP.HCM chiều 14/6, sau suốt gần 10 năm ròng rã thu thập tư liệu và chắp bút.

Cuốn sách là những dòng cảm xúc, những suy nghĩ, ghi chép được gom góp bằng mọi sự kính nể, trân trọng và yêu thương của người con khi viết về gia đình mình.

Câu chuyện đằng sau một trong những doanh nghiệp giữ quyền lực hàng đầu của lĩnh vực kinh doanh nước giải khát trên thị trường Việt Nam và châu Á; rồi chân dung được lột tả chân xác và trần trụi của doanh nhân Trần Quí Thanh từ góc nhìn chính cô con gái ruột... những điều này đã quá đủ để người đọc tò mò và muốn tìm hiểu về "Chuyện nhà Dr.Thanh".

Những người mang "kiếp số doanh nhân"

Nhớ có lần đi thực tế với phụ tá của một doanh nhân nổi tiếng, người có nghiệp kinh doanh lẫy lừng, có thể kiếm cả trăm tỉ, nghìn tỉ sau mỗi phi vụ làm ăn. Vị phụ tá này là bạn học lúc thiếu thời với doanh nhân kia, hai người hiểu nhau như anh em một nhà. Mặc dù nổi tiếng nhưng cuộc sống, đời tư của vị doanh nhân này với truyền thông, báo chí thì vẫn vô cùng bí ẩn.

Không ai biết người có trong tay cả một gia tài đồ sộ ấy sống thế nào, sinh hoạt ra sao, có gì khác lạ so với những người bình thường.

Trần Uyên Phương

Trần Uyên Phương - Ái nữ của gia tộc kinh doanh Tân Hiệp Phát. 

"Ông ấy khổ hơn anh em mình rất nhiều đấy. Ăn cũng chẳng có thời gian mà ăn, ngủ thì chẳng bao giờ tròn giấc. Đấy, tiền nhiều thật đấy nhưng nghìn tỉ đâu mua được một bữa ngon, một giấc ngủ yên lành. Những người làm doanh nhân như ông ấy là trời hành, trời bắt khổ đấy chú ạ, không sướng gì đâu", người phụ tá chia sẻ.

"Doanh nhân thành đạt là những người bị bắt mang số khổ", câu nói của vị phụ tá doanh nhân nổi tiếng kia thực sự đã cho tôi cái nhìn khác về những người làm "nghề kinh doanh", trọn đời với "kiếp doanh nhân".

Bởi "cái nhìn khác" này mà ngay khi biết tin "cô gái tỉ đô" Trần Uyên Phương chuẩn bị xuất bản cuốn sách chỉ nghe tiêu đề đã thấy hấp dẫn - Chuyện nhà Dr. Thanh, tôi đã hồi hộp mong chờ từng ngày..

Trần Uyên Phương là con gái của doanh nhân nổi tiếng Trần Quý Thanh và cũng là Phó tổng giám đốc Tập đoàn nước giải khát số một Việt Nam Tân Hiệp Phát. Uyên Phương tu nghiệp ở nước ngoài và là người kế thừa hoàn hảo "nghiệp doanh nhân" từ người cha nổi tiếng của mình. Nếu nói Dr. Thanh đã dám đưa con tàu Tân Hiệp Phát ra biển lớn thì Uyên Phương sẽ là người cầm lái để con tàu ấy vượt bão giông, đạp sóng dữ mà tìm đến bến bờ của thành công, danh vọng.

Cần phải nói thêm rằng ai đã một lần tận mắt chứng kiến dây chuyền sản xuất của Tân Hiệp Phát thì đều biết không thể có chuyện ruồi lọt vào chai nước. Tuy nhiên, giữa cơn hiểu lầm của dư luận, lại thêm việc những kẻ cơ hội mượn gió bẻ măng, Tân Hiệp Phát chẳng thể nào thanh minh, chẳng thể nào gột rửa được tiếng xấu mà người ta cố tình gán cho mình.

Chuyện nhà Dr.Thanh

Nhờ những lời tự sự của cô trong Chuyện nhà Dr.Thanh khiến độc giả hiểu rõ hơn về những gì Tân Hiệp Phát phải trải qua. 

Khi khủng hoảng lên tới đỉnh điểm nhiều người đã nghĩ Tân Hiệp Phát chẳng thể nào vượt qua và Việt Nam có thể sẽ mất một thương hiệu có thể cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn nước giải khác hiện đang thống trị thế giới Và, đau đớn hơn cả là hàng nghìn công nhân của Tân Hiệp Phát có nguy cơ mất việc. 

Tôi có dịp tiếp xúc với Uyên Phương trong giai đoạn này. Có một điều lạ lùng là dù giữa tâm chấn của khủng hoảng nhưng chưa bao giờ thấy Uyên Phương bối rối, mệt mỏi. Lúc nào cũng thấy cô gái vóc dánh thanh mảnh yểu điệu ấy nói cười, lạc quan tuyệt đối. Sau này, khi đọc những dòng tâm sự của Uyên Phương trong Chuyện nhà Dr. Thanh tôi còn ngạc nhiên hơn bởi trong năm ấy Tân Hiệp Phát không chỉ có mỗi "khủng hoảng con ruồi" mà cùng lúc đó là một tai họa lớn đối với gia đình giáng xuống. Viết trong tự truyện, Uyên Phương phải thực lòng thừa nhận, tai họa lớn lao ấy đã khiến cả gia đình cô lo lắng, hoang mang.

Tuy nhiên, cũng như cha mình, Uyên Phương giấu kín những hoang mang, lo lắng ấy. Và, nếu không có những lời tự sự trong tự truyện thì chẳng một ai biết những biến động khủng khiếp ấy đã ập xuống "mái nhà Tân Hiệp Phát" và Trần Uyên Phương, cô gái "lúc nào cũng hồn nhiên", đã chìa đôi vai bé nhỏ của mình để gánh vác cùng gia đình.

Trong tự truyện, Uyên Phương bảo, năm 2014 là năm không thể nào quên, tuy nhiên, nếu có một điều ước, cô vẫn muốn sống lại những ngày tháng khó khăn nối tiếp khó khăn đó. Bản lĩnh này thì thật khó tìm ngay cả với những đấng mày râu chứ nói gì cô nàng nhỏ bé. Uyên Phương thích vượt qua thử thách, lấy chinh phục đỉnh cao làm vui và đây cũng là tố chất mà ông trời đã gieo, đã gài cắm vào những người mang trong mình "kiếp số doanh nhân".

Uyên Phương giống cha mình ở chỗ cô sẽ không bao giờ chấp nhận thất bại, và nếu có thì cô cũng không bi lụy, oán hờn mà sẽ tự đứng dậy. Vụ "con ruồi", bị những kẻ cơ hội bủa đánh tứ phía, nhưng chỉ duy nhất một lần ông Dr. Thanh xuất hiện trên báo chí. Song, lần đó ông chỉ nói đến chuyện hàng ngàn công nhân có thể bị mất việc nếu dư luận không hiểu đúng bản chất của câu chuyện. Ông chủ tập đoàn nước giải khát lớn nhất Việt Nam ấy không mảy may nhắc tới chuyện mình và gia đình sẽ mất những gì, thiệt hại đơn kép ra sao.

Sau này, khi trò chuyện, Uyên Phương bảo sau lần trả lời báo chí ấy thì cha cô hiếm khi nhắc tới sự cố này ngay cả lúc khủng hoảng đang ở cao trào. Thậm chí, nếu có nhắc thì cũng chỉ hỏi vài câu qua loa. Phương bảo, không phải cha cô không lo lắng mà bởi tính ông là thế, ông không mấy bận tâm vào những gì đã xảy đến mà chỉ dồn tâm trí vào những việc của ngày mai, ngày kia và dài hơi hơn nữa.

Tiền không phải là tất cả

Đời doanh nhân của mình, ngọt bùi cay đắng Dr. Thanh nếm cả. Bởi thế, chuyện được mất với ông cũng rất đỗi bình thường. Sự an nhiên của ông đã ngấm và lan tỏa đến tất thảy các thành viên trong gia đình ấy. Bởi thế, trong tự truyện Uyên Phương viết, cũng trong năm 2014, khi có sự cố với một ngân hàng, Tân Hiệp Phát có nguy cơ mất trắng vài ngàn tỉ đồng nhưng dù đang trên giường bệnh, bà Nụ động viên chồng chỉ với một câu đại ý "mình có thể làm lại được mà".

Vợ Dr.Thanh

Vợ Dr.Thanh - bà Phạm Thị Nụ là chỗ dựa tinh thần cho cả gia đình.

Kinh doanh là hướng tới lợi nhuận, mà lợi nhuận là tiền, điều này thì ai cũng rõ. Tuy nhiên, theo tiết lộ của Uyên Phương trong Chuyện nhà Dr. Thanh thì tiền không phải là cái đích duy nhất mà "nhà Tân Hiệp Phát" hướng tới. Theo đó, để thành công như bây giờ, giá trị cốt lõi của gia đình mới là điều mọi người hướng tới.

Mọi thành viên trong gia đình đều phải làm việc chăm chỉ nhưng coi trọng kết quả hơn là sở hữu. Tất thảy các thành viên trong gia đình lớn Tân Hiệp Phát đều đóng góp là để tạo ra sự khác biệt cho nhiều người khác chứ không nghĩ cho bản thân mình… Đây là những tiêu chí mà những người mang trên vai "số khiếp doanh nhân" của Tân Hiệp Phát hướng tới và cũng là bí quyết thành công của doanh nghiệp gia đình này.

Doanh nhân thực thụ thì không sống cho bản thân mình mà vì cộng đồng, vì sự phát triển của xã hội, điều này chuẩn xác với Uyên Phương cũng như các thành viên trong gia đình Tân Hiệp Phát. Lang thang ở Sài Gòn, bất chợt gặp một cô gái đang ngồi trò chuyện vui vẻ với bạn bè ở cà phê vỉa hè thì dù có giàu trí tưởng tượng đến mấy thì chắc chẳng ai có thể ngờ cô gái ấy lại là "cô gái tỉ đô", ái nữ của ông chủ tập đoàn nước giải khát lớn nhất Việt Nam, người đang nắm trong tay vận mệnh của mấy nghìn lao động.

Tran Uyen Phuong

Tuy là "cậu ấm cô chiêu" nhưng Trần Uyên Phương cũng giản dị như bao người khác. Ảnh: Thời Đại 

Uyên Phương sống giản dị hơn rất nhiều những cô gái bình thường khác. Hẹn đối tác ở quán bình dân, đi lại bằng taxi Uber, bay bằng hàng không giá rẻ. Trong tự truyện Chuyện nhà Dr. Thanh, Uyên Phương thú nhận với cô và các em của mình thì chuyện "vượt giàu vươn lên" còn khó hơn gấp bội việc "vượt nghèo vươn lên".

Thừa hưởng cơ nghiệp kếch xù của gia đình, Uyên Phương và các em của mình đương nhiên sẽ có cuộc sống của những "cậu ấm cô chiêu", "đại náo" nơi phồn hoa bằng những trò đốt tiền không phải nghĩ.

Tuy nhiên, như đã nói, dòng máu doanh nhân trời định đã chảy trong huyết quản thì Phương và các thành viên trong gia đình phải "gánh lấy số trời" để đưa "con tàu" Tân Hiệp phát vượt trùng dương, đưa ngành công nghiệp giải khát của Việt Nam ra ngoài tầm lãnh thổ.

"Hôm nay phải hơn hôm qua và không bằng ngày mai", "Không gì là không thể"… ấy là những câu nói được xem như slogan mà mọi người vẫn thấy xuất hiện khắp nơi tại đại bản doanh của Tân Hiệp Phát. Nhận mang "kiếp số doanh nhân", hiểu giá trị cốt lõi của kinh doanh là đem lại lợi ích cho cộng đồng, lại thêm hiểu chuyện đời "cùng tắc biến, biến tắc thông" thì chẳng có sóng gió, bão giông nào có thể khiến con tàu Tân Hiệp Phát ngừng lao về bến đỗ của thành công và danh vọng. 

Ấn phẩm “Chuyện nhà Dr. Thanh” gồm 224 trang, do NXB Phụ nữ phát hành.

Độc giả có thể liên hệ số điện thoại: 04 390 68686 để đặt mua cuốn sách.

Với mỗi cuốn “Chuyện nhà Dr. Thanh” được đặt mua, 20.000 đồng sẽ được trích lại để trao học bổng khuyến học.

 

Q.N
Theo Đời sống Plus/GĐVN