Thứ sáu, 22/11/2024 | 11:30
RSS

Xem thường khi trẻ bị táo bón, bố mẹ đang khiến con mình bị còi cọc

Thứ sáu, 06/10/2017, 12:04 (GMT+7)

Hầu như đứa trẻ nào cũng từng ít nhất một lần bị táo bón. Để táo bón lâu ngày, trẻ sẽ còi cọc, xảy ra những biến chứng như rách hậu môn, chảy máu... và sau đó chữa trị rất khó khăn.

Trẻ bị táo bón sẽ khó ăn, tính tình khó chịu và còi cọc. Ảnh minh họa: Internet

Thực ra, táo bón có thể chữa được bằng điều chỉnh phản xạ kết hợp với chế độ ăn. 

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, khi con bị táo bón, nhiều bà mẹ hay có sai lầm là đánh giá thấp sự việc, để trẻ táo bón quá lâu (vì không thấy trẻ có ảnh hưởng gì). Chỉ đến khi trẻ biến chứng rách hậu môn, hoặc ị đùn thì mới cho đi khám. Lúc đó, việc điều trị rất mất thời gian và khó khăn.

Trẻ rách hậu môn, mắc trĩ vì táo bón

PGS Dũng cho biết, hiện ông đang điều trị cho hàng chục bé bị táo bón nặng.

Đã để con táo bón nặng mới đưa đi khám, lúc ấy, bà mẹ lại nghĩ con mình có bệnh, đề nghị bác sĩ cho xét nghiệm, chụp chiếu đủ các kiểu, rất tốn tiền và mất thời gian (dù bác sĩ chỉ khám lâm sàng đã phát hiện ra bệnh).

Theo PGS Dũng, những trường hợp trẻ mới bị 1-2 tuần thì chỉ cần dặn dò mẹ chỉnh lại phản xạ cho con, kết hợp với chế độ ăn là đã có kết quả tốt. Nhưng những trường hợp táo bón lâu ngày, việc điều trị phải kéo dài 1-2 tháng, có trẻ phải mất đến 6 tháng đến 1 năm mới có kết quả.

Trẻ táo bón nặng, phải khám đi khám lại nhiều lần, kiên trì động viên em bé, sử dụng cả thuốc..., rất vất vả cho gia đình.

Đã gặp và điều trị cho nhiều trường hợp táo bón nặng, PGS Dũng đưa ra khuyến cáo: Táo bón là chứng không thể xem thường, bởi có thể ảnh hưởng đến sự phát triển, tính cách của đứa trẻ, gây những biến chứng có hại cho sức khỏe

Trẻ bị táo bón mà không được chữa trị có thể gây biến chứng ị đùn (do cố nhịn, càng nhịn thì phản xạ đi ngoài càng kém đi và đến lúc không nhịn được thì ị đùn ở lớp).

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nói về táo bón

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai

Khi trẻ ị ở lớp, các bạn trêu đùa thì đứa trẻ sẽ xấu hổ, sau đó càng bị bạn xa lánh.

“Có thể nói, biến chứng nặng nhất ở trẻ bị táo bón chính là về mặt tâm lý. Ngoài ra, trẻ có thể gặp những biến chứng khác như: khó ăn, tính tình khó chịu. Về thực thể, trẻ có thể bị rách hậu môn, chảy máu, đau khi đi vệ sinh và bị trĩ” – PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết.

95% là táo bón chức năng, có thể điều trị bằng thay đổi chế độ sinh hoạt

Theo PGS Dũng, thực ra, táo bón ở trẻ em có hai dạng:

1.Táo bón bệnh lý, tức táo bón có nguyên nhân, phải chữa nguyên nhân thì mới khỏi được. Số này chỉ chiếm khoảng 5% trường hợp táo bón.

Trẻ mắc táo bón dạng này thường phải khám đi khám lại nhiều lần để xác định nguyên nhân. Một số bệnh lý được tìm ra có thể gây táo bón như có u cục ở ruột, liệt ruột, có bệnh ở não...

2.Táo bón chức năng: Gần như không có nguyên nhân nào, chiếm khoảng 95% trường hợp táo bón.

Táo bón chức năng thường do ăn uống, sinh hoạt, lối sống..., và có thể chữa khỏi bằng thay đổi chế độ ăn, dùng thuốc, thay đổi sinh hoạt...

Cách trị táo bón

Bổ sung chất xơ là một trong những cách phòng chống táo bón, nhưng bổ sung cần đa dạng chứ không nên chỉ tập trung vào vài loại rau. Ảnh minh họa

Trẻ ở độ tuổi bú mẹ, trẻ có thể táo bón do ăn nhiều sữa bò quá, hoặc chế độ ăn nhiều chất xơ trong khi hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu.

Ở trẻ lớn hơn, nhất là trẻ ở độ tuổi đã đi học nhà trẻ, mẫu giáo, nguyên nhân có thể là do... trẻ sợ đi ngoài. Sở dĩ như vậy vì những ngày đầu tiên đi học, tiếp xúc với bạn mới, lịch trình sinh hoạt mới với khuôn khổ khác ở nhà, trẻ dễ bị stress và... quên luôn động tác đi ngoài.

Hơn nữa, theo PGS Dũng, không thể khẳng định nhưng thực chất là có việc một số cô giáo không thích trẻ đi ị lớp. Thế là trẻ sợ, nhịn và bị táo bón.

Trẻ lớn nữa (thường từ lớp 1 trở lên), nếu nhà vệ sinh ở trường không được như ý (không sạch sẽ như ở nhà), trẻ sẽ nhịn đi vệ sinh, dần dần bị táo bón.

Để chữa táo bón, theo PGS Dũng, phải kết hợp 2 yếu tố:

1.Thay đổi chế độ ăn: Cần cho trẻ ăn chế độ nhiều nước, thêm chất xơ một cách đa dạng (đừng chỉ tập trung cho trẻ ăn một vài loại rau quả như mồng tơi, đu đủ, rau đay... mà nghĩ chữa được táo bón).

2.Tạo phản xạ đi ngoài bằng cách luyện vệ sinh đi ngoài: Khi có nhu cầu là đi ngoài ngay. Sau đó, tốt nhất là luyện trẻ đi vệ sinh vào một giờ nhất định, tốt nhất là buổi sáng. Nếu buổi sáng cập rập chuyện ăn uống, chuẩn bị đi học... thì luyện cho trẻ đi ngoài vào buổi tối cũng không sao.

Ngoài ra, có thể cho trẻ sử dụng một số thuốc làm mềm phân để hỗ trợ (những thuốc này chỉ làm mềm phân, không hấp thu, uống vào bao nhiêu sẽ đi ngoài hết), liều lượng sử dụng thuốc tùy theo từng đứa trẻ. Tốt nhất là nên tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc làm mềm phân cho trẻ.

Những điều lưu ý khi trẻ táo bón

-Không tạo áp lực cho đứa trẻ. Nếu trẻ bị táo bón mà bố mẹ lại quát tháo, bắt con đi ngoài bằng được thì đứa trẻ sẽ “thụt hết cả lại, hết muốn đi ngoài”.

-Phải khuyến khích trẻ đi ngoài đúng giờ giấc. Với trẻ nhỏ, thậm chí sau khi bé đi ngoài được, có thể còn phải thưởng cho bé cái gì đó. Trẻ con có đặc tính là thích được động viên, khuyến khích, nên khi được khích lệ, chúng sẽ thực hiện được điều người lớn khuyến khích.

Diệp Lâm
Theo Đời sống Plus/GĐVN