Thứ bảy, 20/04/2024 | 22:37
RSS

Chuyên gia Mỹ cảnh báo dịch Covid-19 có thể kéo dài hai năm

Thứ bảy, 02/05/2020, 07:02 (GMT+7)

Một nhóm chuyên gia Mỹ cho rằng Covid-19 có thể kéo dài hai năm và chưa thể được kiềm chế cho tới khi 2/3 dân số thế giới bị nhiễm.

Chuyên gia Mỹ cảnh báo dịch Covid-19 có thể kéo dài hai nămChuyên gia Mỹ cảnh báo dịch covid-19 có thể kéo dài hai năm. Ảnh VNE

Báo cáo công bố ngày 30/4 của nhóm chuyên gia thuộc Trung tâm Chính sách và Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm (CIDRAP), thuộc Đại học Minnesota, đánh giá nCoV nhiều khả năng tiếp tục lây lan 18 đến 24 tháng nữa, cho tới khi 60-70% dân số toàn cầu nhiễm virus và hình thành khả năng miễn dịch.

Theo nhóm chuyên gia của CIDRAP, do những người nhiễm không triệu chứng vẫn có thể lây virus cho người khác, Covid-19 trở nên khó kiểm soát hơn cúm thường. Họ cho rằng các chính phủ nên thôi nói với người dân rằng dịch sẽ chấm dứt, mà thay vào đó là chuẩn bị cho người dân sẵn sàng với một cuộc chiến trường kỳ, theo Vnexpress.

"Một thông điệp dành cho các giới chức chính phủ là họ nên hiểu dịch sẽ không thể kết thúc sớm và mọi người cần chuẩn bị cho những đợt bùng phát định kỳ trong hai năm tiếp theo", báo cáo có đoạn.

Họ khuyến nghị chính phủ Mỹ nên chuẩn bị kịch bản xấu nhất là đợt bùng phát lớn thứ hai sẽ xảy ra vào mùa thu đông. Thậm chí với kịch bản tươi sáng nhất, họ vẫn dự đoán sẽ có thêm nhiều người chết vì nCoV.

Báo cáo được thực hiện bởi giám đốc CIDRAP Michael Osterhol, nhà dịch tễ học từng làm việc cho CDC Kristen Moore, nhà sử học về y tế công cộng John Barry thuộc Đại học Tulane và Marc Lipsitch, nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Harvard. Nhóm nghiên cứu cho biết họ đưa ra dự đoán dựa vào những báo cáo đã được công bố, các mô hình về Covid-19 cũng như dữ liệu về các dịch bệnh hoành hành trong quá khứ. 

Theo cập nhật của trang Worldometers lúc 14h ngày 1/5, Trung Quốc - quốc gia từng đứng đầu thế giới về số ca bệnh COVID-19 trong nhiều tuần - đã lùi xuống vị trí số 11 xét về số ca nhiễm, với tổng cộng 82.874 ca. Nước này ghi nhận 4.633 ca tử vong và lên tới 77.642 ca hồi phục đến nay, Tuổi trẻ đưa tin.

Trong khi đó, các quốc gia nằm trong nhóm 10 nước có số ca nhiễm cao nhất thế giới xếp theo thứ tự giảm dần gồm: Mỹ (hơn 1 triệu ca), Tây Ban Nha, Ý, Anh, Pháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Iran, Brazil (87.187 ca).

Trên toàn cầu đã ghi nhận tổng cộng hơn 3,3 triệu ca nhiễm, hơn 234.000 ca tử vong và hơn 1 triệu ca hồi phục. Mỹ đứng đầu thế giới về số ca nhiễm, ca tử vong và ca hồi phục.

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN

CÙNG CHUYÊN MỤC