Chia sẻ trên trang Dân trí mới đây, nhà môi giới cầu thủ Jernej Kamensek cho rằng, giải V.League của Việt Nam chưa thực sự chuyên nghiệp: “Tổ chức và hoạt động của giải V-League hiện vẫn còn ở mức độ rất thấp. 60 tỷ đồng là con số ổn, nhưng tôi sẽ thực sự vui mừng khi tiền tài trợ tăng lên 5 hoặc 10 lần nữa. Để đạt được điều này cần phải có nhiều sự thay đổi và nhiều người nỗ lực thay đổi.
Tôi sẽ rất vui khi V-League đạt đến trình độ và tầm vóc như giải Thai-League (Thái Lan) trong chuyện bản quyền truyền hình. Hiện V-League có một sự tiến bộ, nhưng vẫn còn quá chậm.
À! Và các thỏa thuận độc quyền chỉ nên được phép nếu doanh nghiệp nào đó tài trợ với 500 tỷ đồng hoặc một con số đủ tốt để giúp bóng đá Việt Nam phát triển vượt bậc. 60 tỷ đồng là số tiền quá thấp để được quyền độc quyền tại V-League.
Nên nhớ thị trường Việt Nam có đến 100 triệu người hâm mộ/khách hàng tiềm năng, độc quyền ở V-League đồng nghĩa là mở được con đường rất thuận lợi để tiếp cận. Tuy nhiên, tôi nghĩ Liên đoàn bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam thiếu những người có kiến thức và ý tưởng để thực hiện chiến lược kinh doanh như vậy.
Ở đây mọi người luôn đợi người khác ở trên cùng quyết định. Đó là lý do tại sao việc tổ chức và phát triển đồng bộ cả nền bóng đá Việt Nam đang diễn ra nhưng quá chậm. Tất nhiên, chỉ có thời gian mới đem lại câu trả lời xác đáng nhất”.
Giải V.League hiện vẫn chưa chuyên nghiệp bằng giải Thai League của Thái Lan
Nhà môi giới cầu thủ Jernej Kamensek phân tích thêm: “Một lần nữa, bóng đá Việt Nam đang phát triển từ mặt tổ chức, truyền thông, tiếp thị đến quản lý. Tuy nhiên, sự phát triển này diễn ra quá chậm. Còn khi nói đến sự cạnh tranh và chất lượng của các cầu thủ, tôi thấy đang giảm sút. Theo tôi đánh giá, chưa bao giờ có nhiều cầu thủ nước ngoài chất lượng trung bình như mùa giải năm nay.
Tất nhiên, những người làm trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đều biết tại sao điều này lại xảy ra. Cần phải có nhiều thay đổi lớn hơn. Những người giữ tiếng nói quyết định trong việc tuyển mộ ngoại binh đều có trình độ chưa cao để đáp ứng nhu cầu công việc.
Vì thế khi mùa giải diễn ra thường có những xáo trộn, thay đổi và cả nhiều sự không hài lòng. Ngay cả khi các CLB có 2-3 tháng để chuẩn bị và xem xét chất lượng cầu thủ. Thử nghiệm 30 cầu thủ, kỳ hợp đồng với 3, và vẫn không hài lòng, là vấn đề của HLV hoặc người quyết định về ký hợp đồng.
Một chuyên gia có thể đánh giá một cầu thủ trong vòng 5 phút, để xem có cơ hội thi đấu ở V-League hay không. Chỉ cần thêm 2-3 buổi tập, không cần thi đấu và kiểm tra y tế. Có như vậy thôi. Ví dụ điển hình là Marcao Silva tại CLB Hà Nội, tân binh được trình làng muộn nhất.
Các HLV không chuyên nghiệp trong việc đánh giá tiềm năng của các cầu thủ, vì họ không biết thị trường như thế nào, không biết giá cả như thế nào, và không biết đến những cầu thủ bên ngoài Việt Nam, v.v”.
Sau vòng 4, V.League 2023 đã tạm nghỉ để nhường chỗ cho hoạt động của các đội tuyển quốc gia, cụ thể là FIFA Days và U20 Việt Nam dự vòng chung kết U20 Châu Á 2023.
Giải V.League tạm dừng trong khoảng 45 ngày, từ ngày 20/2 đến 6/4 trước khi lượt trận thứ 5 trở lại. Quãng nghỉ này thậm chí còn dài hơn việc các giải đấu trên thế giới tạm dừng vì World Cup 2022 hồi tháng 12/2022.
Sau 4 vòng đấu, CLB Bình Định tạm dẫn đầu bảng xếp hạng với 9 điểm. Xếp thứ hai là Hà Nội FC với một điểm ít hơn. Trong khi đó, xếp cuối bảng xếp hạng hiện tại là SHB Đà Nẵng của HLV Phan Thanh Hùng với chỉ vẻn vẹn 1 điểm.
Đội vô địch V.League sẽ nhận Cúp, Huy chương vàng, tiền thưởng 5 tỷ đồng; Đội giải Nhì nhận HCB, tiền thưởng 2 tỷ 500 triệu đồng; Đội giải Ba nhận HCĐ, tiền thưởng 1 tỷ 250 triệu đồng.