Thứ sáu, 29/03/2024 | 03:17
RSS

Chuyện chưa kể về người đàn ông 10 năm chở miễn phí khách nghèo đi khám bệnh

Thứ tư, 28/03/2018, 06:56 (GMT+7)

10 năm làm nghề xe ôm cũng chính là 10 năm anh Thuận miễn phí tiền cước xe cho những khách nghèo. Sẽ chẳng có ai ngờ rằng, người đàn ông được biết đến như “quý nhân của người nghèo” này lại có 1 quá khứ đáng quên.

Chuyện chưa kể về người đàn ông 10 năm chở miễn phí khách nghèo đi khám bệnhAnh Nguyễn Văn Thuận được biết đến là người 10 năm ròng rã thực hiện những chuyến xe ân tình giúp đỡ người nghèo

Thời trai trẻ lầm lạc

“Quý nhân của người nghèo”, “người xe ôm giàu nhất bến xe Mỹ Đình” là những mỹ từ mà báo chí đã đặt cho người đàn ông 10 năm ròng rã chở khách miễn phí cho những khách nghèo.

Thế nhưng với những người từng được anh giúp đỡ, họ chỉ đơn giản gọi anh bằng cái tên thân mật “anh Thuận xe ôm” hay “ân nhân”.

“Hôm đó, tôi có việc phải đi vào hội khuyết tật tỉnh Hà Tây. Tôi xuống bến xe Mỹ Đình thì gặp Thuận đến mời chào đi xe. Lúc đầu tôi cũng thấy nghi ngờ nên có hỏi giá trước Thuận bảo: “Chị cứ lên xe đi, tiền nong không phải lo”.

Sau khi chở tôi đến tận địa điểm an toàn, Thuận có đề nghị không lấy tiền của tôi vì tôi là người khuyết tật. Giữa cuộc sống vàng thau lẫn lộn nên việc làm của Thuận khiến tôi ghi nhớ mãi đến bây giờ”, đó là những kỷ niệm về anh Thuận “xe ôm” mà sau bao nhiêu năm, chị Phạm Dung, Hội trưởng Hội người khuyết tật huyện Đông Hưng (Thái Bình) không thể nào quên được.

Còn với chị Hoàng Thúy Phượng (hiện đang công tác tại Sở Nội vụ Hà Giang) cũng tình cờ gặp anh Thuận trong một lần chuyển đồ từ thiện từ Hà Nội lên Hà Giang cho các em có hoàn cảnh khó khăn.

Chuyện chưa kể về người đàn ông 10 năm chở miễn phí khách nghèo đi khám bệnh2Thời trai trẻ từng lầm lỡ khiến anh Thuận luôn khao khát được trở thành một người có ích cho xã hội

“Hôm đấy, Thuận nhiệt tình bê bao tải hàng nặng để vào tận trong xe. Rồi khi biết tôi đi làm từ thiện, Thuận cũng không lấy tiền công xá. Mặc dù 2 chị em mới chỉ gặp nhau lần đầu nhưng khi nghe tin bố tôi mất, Thuận cũng lên tận Hà Giang để thắp hương. Tôi không nghĩ trên đời lại còn có một người tốt như vậy”.

Đó là 2 trong số rất nhiều những trường hợp được anh Thuận giúp đỡ trong hành trình mang một chút niềm vui nhỏ bé đến với những người nghèo, những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Anh Thuận tên đầy đủ là Nguyễn Văn Thuận (SN 1975, trú tại xóm Quán, Ngọc Than, Ngọc Mỹ, Quốc Oai, Hà Nội). Khác với những tưởng tượng ban đầu của tôi, anh Thuận có dáng người thấp, bé, nước da trắng với cách nói chuyện rất lôi cuốn và có duyên.

Chuyện chưa kể về người đàn ông 10 năm chở miễn phí khách nghèo đi khám bệnh3Những năm tháng ở tù với anh Thuận giống như một bước ngoặt trong đời khiến suy nghĩ của anh thay đổi hoàn toàn

Trước khi đến với công việc của một người lái xe ôm, anh Thuận đã từng bươn trải kiếm sống bằng nhiều nghề trong đó có nghề buôn xe gian (xe trộm cắp mà có) để đến nỗi phải trả giá bằng mức án 6 năm tù giam.

“Hồi đó, kinh tế khó khăn, tính tôi lại lông bông, ham chơi, lười làm nên sa chân vào con đường tù tội. Nhưng với tôi, những ngày lĩnh án trong trại giam cũng là quãng thời gian khiến suy nghĩ của tôi thay đổi hoàn toàn và có thể coi là bước ngoặt của đời tôi”, anh Thuận chia sẻ.

Quãng thời gian ấy, anh Thuận nhận mua xe của những đối tượng trộm cắp. Vụ việc bị phát giác. Vì là người lớn tuổi nhất trong nhóm, anh Thuận bị lĩnh án 6 năm tù giam.

Chuyện chưa kể về người đàn ông 10 năm chở miễn phí khách nghèo đi khám bệnh4Chiếc xe gắn bó với hành trình làm từ thiện của anh

Anh Thuận nói: “Những ngày trong tù, tiếp xúc với đủ mọi loại người, chứng kiến biết bao hoàn cảnh khổ đau khác khiến tôi có một mong ước rất mãnh liệt đó là được trở lại với cuộc sống cộng đồng, trở lại làm một người có ích cho xã hội”.

Sau 4 năm 6 tháng cải tạo, anh Thuận nhận lệnh ân xá với cơ hội để thực hiện mong ước lúc trong tù của mình. Tuy nhiên, với cái tiếng một gã đã từng có tiền án ra tù, vào khám, việc hòa nhập với cộng đồng của anh cũng gặp phải những khó khăn.

Ngày trở về với gia đình cũng là ngày hàng xóm, láng giếng nhìn anh bằng con mắt khác. Những con mắt ấy không có thiện cảm và những khi tiếp xúc, họ luôn dè chừng anh.

“Họ không nói ra nhưng tôi biết họ khinh mình, khinh một thằng vào tù ra khám. Chú phải tưởng tưởng, đến lúc nhà tôi có việc, tôi chạy hết quanh xóm, ngoài làng để mượn một cái xe đạp đi công việc nhưng không được.

Những lúc như thế nản lắm chứ chú. Đã có lúc tôi muốn quay lại con người như trước kia nhưng gia đình và những người thân, hơn hết là mong ước muốn làm lại cuộc đời đã kéo tôi lại”, anh Thuận chia sẻ.

Cơ duyên đến với nghề

Năm 2007, sau quãng thời gian vạ vật với đủ các thứ nghề, anh Thuận với chiếc xe cũ của gia đình ra đứng bến Mỹ Đình, bắt đầu cái nghề làm xe ôm. Anh Thuận cho biết, khi mới bắt đầu ra đứng bến, anh chỉ coi đây là công việc tạm thời trong lúc chờ đợi cơ hội từ những công việc khác.

Trong suốt thời gian đó, quen nghề rồi đâm ra yêu nghề, anh Thuận từ bỏ hẳn ý định chuyển việc mà chuyên tâm vào việc chạy xe của mình. “Chạy xe ôm tuy là vất vả thật nhưng nếu chăm chỉ làm cũng đủ ăn. Nghề này lại không gò bó thời gian nên tôi thấy phù hợp với tính cách của mình”, anh Thuận bộc bạch.

Làm xe ôm ở bến xe Mỹ Đình, chứng kiến nhiều trường hợp người dân từ vùng quê lên Hà Nội làm việc, chữa bệnh…bị chèo kéo, anh Thuận quyết định sẽ chở miễn phí cho hành khách này.

Chuyện chưa kể về người đàn ông 10 năm chở miễn phí khách nghèo đi khám bệnh5Với anh Thuận, càng giúp đỡ được nhiều người anh càng cảm thấy vui

Gia đình không khá giả gì nhưng niềm an ủi động viên anh tiếp tục làm việc thiện chính là gia đình và người thân luôn ủng hộ việc làm của anh. Mỗi lần chở khách miễn phí, anh Thuận đều kể với vợ.

Không giống như những người phụ nữ khác, khi nghe chồng tâm sự, chị Nguyễn Thị Quý (vợ anh Thuận) đều đồng tình ủng hộ chồng và coi đó là việc lên làm. Với vợ chồng anh, tiền thì quý thật nhưng tấm lòng sẻ chia với những người cơ nhỡ còn đáng quý hơn gấp nhiều lần.

“Bà cụ thân sinh ra tôi năm nay đã 69 tuổi nhưng đều đặn hàng năm bà đều lên Chùa Hương để làm công đức. Có lẽ tôi cũng ảnh hưởng điều đấy từ bà. Mặc dù làm công việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” nhưng mọi người ai cũng hiểu và khích lệ nên tôi cảm thấy vững tâm hơn”, anh Thuận tâm sự.

Anh Thuận không nhớ mình bắt đầu chở miễn phí cho khách nghèo từ bao giờ vì cứ thấy ai có hoàn cảnh khó khăn anh đều gợi ý được giúp đỡ. Nhiều lần thấy anh “phá giá”, anh em đồng nghiệp cũng có ý kiến nhưng sau biết được mục đích việc làm của anh nên chẳng còn ai phàn nàn gì.

Những chuyến xe thấm đẫm nghĩa tình

Ròng rã 10 năm làm nghề xe ôm từ thiện cho những người nghèo, con số người được anh giúp là bao nhiêu, anh chẳng thể nhớ được hết nhưng có những kỉ niệm anh không bao giờ quên.

Đêm 30 Tết vừa qua, sau khi vừa trả xong chuyến hàng đêm, định bụng sẽ về nhà tắm rửa chuẩn bị đón giao thừa với gia đình thì anh thấy một nam thanh niên lỡ chuyến xe khách cuối cùng về quê đang loay hoay ở bến.

Tiến lại hỏi, biết người khách là công nhân bị chủ “bùng” tiền không trả nên anh lại tình nguyện đề nghị được chở miễn phí người thanh niên đó về tận nhà. Khách đến nhà, anh vội vã quay xe trở về để kịp sum vầy đón giao thừa cùng gia đình.

Chuyện chưa kể về người đàn ông 10 năm chở miễn phí khách nghèo đi khám bệnh6Anh Thuận đều chuẩn bị tỉ mỉ để những chuyến đi của mình được suôn sẻ nhất

Rồi lại một lần khác, khi đang chờ khách ở bến thì anh Thuận gặp một cô gái bụng bầu muốn bắt xe đến Bệnh viện Tâm thần ở Thường Tín để thăm người nhà. Sau khi thống nhất xong giá cả, anh lấy xe đưa khách đi.

“Trên đường đi, qua nói chuyện tôi mới biết không phải cô ấy đi thăm người nhà mà đi điều trị bệnh. Sợ nói thật thì người khác sẽ không chịu chở đi nên đành phải nói dối. Thế là tôi lại miễn phí chuyến xe cho cô ấy. Khi xuống xe còn tặng cho cô ấy luôn bộ áo mưa để mặc cho khỏi ướt”, anh Thuận kể.

Theo anh Thuận, không phải lúc nào mới gặp khách, anh cũng đều biết hoàn cảnh người ta như nào. Chính những câu chuyện trong chuyến đi khiến anh xác định chính xác đó có phải là người cần sự giúp đỡ của mình hay không.

“Nhiều người nhìn bên ngoài ăn mặc rất lịch sự, không có vẻ gì là người không có tiền. Thế nhưng khi hỏi chuyện tôi mới biết hoàn cảnh người ta. Những khách hàng như vậy tôi đều không lấy tiền, thậm chí nhiều trường hợp còn bỏ tiền túi ra hỗ trợ để cho họ có lộ phí đi đường”.

Chuyện chưa kể về người đàn ông 10 năm chở miễn phí khách nghèo đi khám bệnh7Hệ thống làm mát chiếc xe máy do anh Thuận tự mày mò chế ra

Thấy tôi có vẻ băn khoăn, anh Thuận tiếp: “Những năm tháng trong trại khiến tôi có khả năng nhìn người tương đối chuẩn. Tiếp xúc với họ, tôi có thể biết họ đang nói thật hay cố tình nói dối để mong nhận được sự thương hại. Tôi nói tương đối là vì cũng có lần tôi sai nhưng không đến nỗi để sự việc đi quá xa”.

Hôm đó cũng là vào dịp giáp Tết, anh Thuận nhận cuốc khách của một cậu thanh niên. Trên đường đi, cậu thanh niên này liên tục bảo anh chạy vào những đoạn đường vắng, ít người qua lại.

Linh tính mách bảo anh có chuyện chẳng lành sắp xảy ra. “Khi vừa nghe thấy cậu trai đó nói tôi dừng xe lại để đi vệ sinh. Tôi quay lại chửi luôn: “Mày ngồi im đấy, mày mà nhúc nhích là tao với mày cùng chết”.

Chuyện chưa kể về người đàn ông 10 năm chở miễn phí khách nghèo đi khám bệnh8

Chuyện chưa kể về người đàn ông 10 năm chở miễn phí khách nghèo đi khám bệnh9Những dụng cụ được chuẩn bị kĩ càng giúp anh có thể tự sửa chữa khi xe gặp sự cố

Đến chỗ đông người, anh dừng xe rồi không cho cậu trai kia kịp nói lời nào, anh đá nhiều nhát khiến cậu thanh niên nằm ôm bụng bên vệ đường.

Hỏi kỹ ra, anh Thuận mới biết cậu này là lính nghĩa vụ nhưng trốn trại về để ăn Tết với mẹ ở quê. Vì sợ đi đường đông có người phát hiện nên mới bảo anh đi vào đường vắng.

Sau khi đưa người thanh niên về đến tận nhà, xác minh câu chuyện, anh mở lời luôn: “Anh thật sự rất xin lỗi chú và cũng mong chú thông cảm. Thời buổi vàng thau lẫn lộn nên anh phải cảnh giác”.

Tiền công chuyến xe hôm đó, anh Thuận miễn phí cho khách. Không phải vì để xin lỗi mà vì anh cảm thấy thực sự cảm động với hoàn cảnh của gia đình cậu thanh niên kia.

Chuyện chưa kể về người đàn ông 10 năm chở miễn phí khách nghèo đi khám bệnh10"Trừ khi anh không còn sức để đi nữa còn không anh vẫn sẽ tiếp tục giúp đỡ những người nghèo khó, bệnh tật bằng những cuốc xe ôm của mình”, anh Thuận chia sẻ

Không chỉ với những người nghèo khó, bệnh tật, hễ trong xóm ai có việc gấp, bảo anh đưa đi anh đều sẵn lòng dù rằng là trời mưa gió hay đêm tối. Tất nhiên với những cuốc khách như vậy anh đều không lấy tiền.

“Các cháu quanh khu này ai có đi học ở Hà Nội chỉ cần gọi chú Thuận là tôi đưa đến nơi, về đến chốn và hoàn toàn miễn phí. Đó cũng là cách để động viên các cháu chăm chỉ học tập”, anh Thuận tâm sự.

Hàng ngày, cứ 3h tờ mờ sáng, người đàn ông với dáng người thấp bé lại dắt chiếc xe máy hiệu Honda Dream rời nhà để bắt đầu một ngày mưu sinh và để thực hiện ước mơ nhỏ bé là được giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Anh bảo: “Chắc nó cũng là cái nghiệp rồi chú ạ. Trừ khi anh không còn sức để đi nữa còn không anh vẫn sẽ tiếp tục giúp đỡ những người nghèo khó, bệnh tật bằng những cuốc xe ôm của mình”.

Được sự đồng ý của anh Nguyễn Văn Thuận, Đời sống Plus xin đăng tải số điện thoại cá nhân của anh để mong rằng những chuyến xe nghĩa tình của anh sẽ giúp đỡ được nhiều người hơn nữa. Số điện thoại liên hệ anh Nguyễn Văn Thuận: 0989.833.743.

Tuấn Khang
Theo Đời sống Plus/GĐVN