Đồi Tỷ, trung tâm những câu chuyện tàn khốc.
“Giọt lệ của trời” và máu của người
Những năm 90, thế kỷ trước, hàng vạn người tứ xứ đã đổ về Quỳ Châu (Nghệ An) để tìm giấc mộng đổi đời. Có nhiều ngày đường về xã Châu Bình bị tắc nghẽn bởi ô tô, xe máy, kẻ gồng người gánh. Khi đó, cơ quan chức năng Nghệ An đã lập ra hàng loạt rào cản, trạm kiểm soát với lực lượng lên đến vài trăm người thường trực, lúc cao điểm lên đến hàng nghìn người để ngăn cản dòng người tứ xứ ấy.
Thế nnhưng cố gắng đó cũng không thể ngăn cản dòng người điên cuồng đi tìm miền đất hứa. Chặn đường này thì họ đi đường khác, xuyên rừng, vượt suối. Chặn ngày thì họ đi đêm... Tất cả đều tìm mọi cách để có thể đến được những bãi đá ở Châu Bình.
Một thời gian ngắn sau, ở những khu đồi có đá đỏ ấy tiếp tục xuất hiện một loạt cai thầu, bưởng trưởng dữ tợn. Dưới trướng những người này luôn túc trực hàng chục, hàng trăm phu đá lẫn đầu gấu. Chúng lập băng đảng tranh cướp, chiếm đất đào hầm khai thác đá cũng như xua quân đi trấn lột, cướp đá của người khác.
Đi kèm theo đó là những cuộc thanh toán đẫm máu vì mâu thuẫn nảy sinh giữa các nhóm khai thác đá, biến Châu Bình những năm 90, 91 trở thành một mảnh đất dữ dằn, nhuốm đầy máu và nước mắt. Bởi sự tàn khốc ấy nên nhiều người đã ví rubi là giọt lệ của trời và muốn có những viên đá lấp lánh đó thì người trần phải trả bằng chính máu của mình.
Cả bãi đá như một công trường thời trung cổ. Không thiếu những vụ dân đào thuê ăn nguyên cái xà beng chết ngay tại bãi vì tội giấu đá đi. Đám phu đá cũng bởi lóa mắt vì lợi cũng dùng đủ trò để tẩu tán chiến lợi phẩm mình tìm được.
Nào là nhét vào hậu môn, nuốt ngay vào bụng… Đương nhiên, dám làm thế là họ liều mạng bởi khi bị bưởng trưởng phát hiện, họ có thể phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Khi có người chết thì thi thể được đưa ra đặt ở lề quốc lộ 48, chờ mang về quê chôn cất. Tất cả những cái chết ấy đều có nguyên nhân duy nhất là… chết do sập hầm.
Tìm hiểu chuyện này, chúng tôi đã may mắn gặp một cựu phu đá ở Nghĩa Đàn, Nghệ An. Anh này bảo, đến giờ anh vẫn thấy nổi da gà sợ hãi bở đã có lần tận mắt thấy cảnh bưởng trưởng hành xử dã man phu đá khi phát hiện phu đá định… ăn một mình. Anh này kể, đợt ấy, anh cùng bạn lên Châu Bình àm thuê cho một bưởng khét tiếng. Khi mới vào hầm được vài ngày anh đã phách lạc hồn siêu bởi tận thấy cảnh hành quyết tàn độc ấy.
Chuyện xảy ra ngay tại hầm bên cạnh. Nhóm làm thuê ở hầm đó gồm có 5 người sau nhiều ngày kiếm tìm đã may mắn phát hiện một vỉa đá đẹp. Tuy nhiên, thay vì nộp cho chủ hầm thì nhóm này đã bàn nhau giấu nhẹm bằng cách người đút vào hậu môn, người nuốt ngay vào bụng.
Những máy móc của đế chế đá đỏ 1 thời.
Thế nhưng, đen đủi, chuyện đó đã bị đám đầu gấu phát hiện. Ngay lập tức đám phu đá trên đã bị triệu tập. Và, ngay lập tức một người xấu số đã dính đòn phủ đầu. Một đầu gấu dùng nguyên cây xà beng đập thẳng vào đầu. Trúng đòn tàn độc, phu đá đó trợn mắt chết.
Chưa hết, xử xong, đám đầu gấu còn lột sạch quần áo của người xấu số để kiểm tra xem có đá quý được cất giấu hay không. Kiểm tra khắp mọi chân tơ kẽ tóc. Mấy phu đá còn lại thấy cảnh đó đã quá sợ hãi. Và, chẳng cần tra khảo, họ vội vàng khai nhận đã giấu đá vào hậu môn. Những viên đá nhét vào thì dễ, nhưng lấy ra thì quá khó. Vậy là chỉ một lát, cả 4 phu đá đều người ngợm thâm tím, máu me đầm đìa. Khi lấy được đá ra thì viên nào viên ấy cũng lấm lem máu.
Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, vì chủ hầm không tin phu đá chỉ giấu “giọt lệ của trời” vào chỗ đó. Hắn nghĩ các phu đá còn nuốt cả một gia tài đó vào trong bụng. Vậy là theo lệnh của bưởng trưởng, một gã đầu gấu đã tì vai, túm tóc giật ngược cổ phu đá lên trời. Một gã thì tay bóp mồm còn tay kia tống thẳng vào họng phu đá để móc.
Màn kiểm tra ấy đám phu đá nôn cả ra máu. Sau màn móc họng thì một chậu nước xà phòng nữa được đưa lên. Như lần trước, mấy phu đá bị nhồi nước xà phòng vào họng. Lần này thì đúng là rửa ruột và nếu có thể thì đến cả tim gan, phèo phổi thì phu đá cũng phải phả ra.
Theo người từng làm phu đá ở Nghĩa Đàn ấy thì sau đó 4 phu đá được những đồng nghiệp thương tình đưa vào rừng, dựng lều cho ở tạm. Và phải mấy ngày sau họ mới tỉnh lại sau trận hành xử kinh hãi ấy.
Những người đào đá đỏ thời đấy, chắc không ai quên được cuộc hỗn chiến giữa người dân xã Yên Hợp (huyện Quỳ Hợp) với dân Nghĩa Minh (huyện Nghĩa Đàn) ở đồi Tỷ. Lần đó, trong khi đang khoét hầm hàm ếch để tìm đá đỏ, người dân Nghĩa Minh bất ngờ phát hiện thấy một vỉa lớn, khả năng có rất nhiều đá đỏ. Thông tin đó nhanh chóng được thông báo ngay cho “bưởng trưởng”.
Cách đó mấy mét, có một hội dân Yên Hợp cũng đang khoét hàm ếch. Chẳng hiểu thế nào, thông tin người dân Nghĩa Minh tìm được vỉa đá lớn nhanh chóng đến tai “sếp” của họ. Ngay lập tức, “sếp” này ra lệnh cho anh em khoét thông sang hầm của dân Nghĩa Minh để tranh giành, phân chia mỏ đá.
Lúc này, dưới hầm sâu, 3 người dân Nghĩa Minh đang thoăn thoắt chuyển lên trên những bì đất để đi đãi thì phát hiện mấy người dân Yên Hợp từ hầm bên kia mò sang. Sau một hồi cãi vã, dân Yên Hợp cầm xà beng, táng thẳng.
Không kịp chống trả, 2 người dân Nghĩa Minh bị đánh vỡ đầu, chết ngay tại chỗ. Nghe tin quân mình bị giết dưới hầm, “bưởng trưởng” của hầm bên phía người dân Nghĩa Minh vội huy động anh em với mã tấu, xà beng chống trả quyết liệt. Một trận hỗn chiến xẩy ra ngay trên miệng hầm. Đất đá từ trên đổ ầm ầm, che hết cả miệng hầm. Lần đó, phải đến ngày hôm sau, người ta mới bới đất đưa xác người dân Nghĩa Minh để đi chôn cất.
Đêm hôm đó, cả một chiếc xe bán tải chở la liệt người bị thương tiến thẳng đến Bệnh viện huyện Nghĩa Đàn để cấp cứu.
Ông “trùm” khét tiếng
Để tồn tại ở vùng đá đỏ này, thời đó, đám giang hồ bảo kê thường phải chém giết lẫn nhau. Thủ phủ đá đỏ đã từng chứng kiến những trận huyết chiến kinh hoàng giữa các băng nhóm giang hồ. Thi thoảng lại có tiếng súng xé tan màn đêm đặc quánh.
Di ảnh Vi Văn Phong.
Cứ một tiếng súng cất lên thì y rằng có một người nằm xuống. Những cái tên như P. “trọc”, Tường “lợn”, Phương “tay trái”, Đường “mặt rộ”, Hà “lỳ”... mãi mãi là nỗi khiếp đảm đối với người dân đi đào đá đỏ. Tuy nhiên, sau một thời gian tranh giành ngôi soái ở tử huyệt Quỳ Châu, cuối cùng, giang hồ lãnh địa máu cũng tìm ra cho mình một ngôi vương mới với cái tên Vi Văn P., thường gọi là Phong “trọc”.
Trước khi cơn sốt đá đỏ nổ ra, P. “trọc” từng có 2 tiền án về trấn lột và đang ăn cơm tù. Những ngày trong trại giam, gã bắt thân với một số anh chị khét tiếng, hẹn ngày trở về xã hội sẽ tìm về Quỳ Châu.
Với bản chất khát máu của mình, sau những trận huyết chiến, P. “trọc” nhanh chóng dẹp yên những đám giang hồ khác để leo lên ngôi bá chủ. AK, súng ngắn, lựu đạn là những vũ khí mà toán giang hồ do P. “trọc” cầm đầu vẫn thường sử dụng.
Tường “lợn”, Phương “tay trái”, Hà “lỳ”...lần lượt bị khuất phục dưới thủ đoạn tàn bạo và ma mãnh của Vi Văn P., dưới sự hỗ trợ đắc lực của Đường “mặt rộ”, tức Nguyễn Văn Đường.
Không chỉ bảo kê ở bãi, băng nhóm của P. “trọc” còn tổ chức cướp đá của những phu đá vào đây tìm kiếm cơ hội đổi đời. Trẻ không tha, già không thương, bất cứ ai rời bãi đá trở về là chúng bất ngờ ập đến cướp.
Một đêm thượng tuần tháng 6/1991, có hai bóng đen lầm lũi cắt bìa rừng đón xe về Nghĩa Đàn. Một già, một trẻ. Người già đang húng hắng ho, thi thoảng đang đi lại đổ vật xuống như cây chuối khô bị gió bão quật xuống vệ đường.
Chốc chốc, cô gái lại phải dìu người cha đang khe khẽ rên lên vì những cơn sốt rét hoành hành. Đang bước, cả 2 cha con giật bắn khi nghe tiếng quát phát ra từ bụi rậm ven đường: “Kiếm được hàng rồi giờ tính bài chuồn hả? Muốn sống, đưa lô hàng vừa đào được ra đây!”.
Người cha đang trong cơn ớn lạnh vì sốt rét, mở đôi mắt mệt mỏi, bạc trắng nhìn những người lạ mặt, chân tay run bần bật, va cả vào nhau. Hai cha con nép lại, ôm chặt lấy nhau. Tiếng cô con gái nói không thành lời: “Bố tui bị sốt rét, phải đưa về bệnh viện gấp chứ có phải đào được đá đỏ đâu. Mong các anh thương tình, để tui còn dìu bố ra đường, xin xe về chữa bệnh viện”. Lục lọi chán chê nhưng không tìm thấy gì đáng giá ngoài mấy đồng bạc lẻ, mấy tên cướp tức mình chửi tục.
Quay sang cô gái đang khóc lóc, bất chợt, chúng nổi cơn khát nhục dục. Mặc cho người chan van xin rát hết cổ họng, chúng tung chân đá văng ông sang một bên, rồi mang dây thừng trói nghiến vào gốc cây. Mấy tên cướp xúm vào thi nhau hãm hiếp cô gái trước ánh mắt gần như tê dại của người cha già khốn khổ.
Xong việc, chúng trói tiếp cô gái, cười hả hê và mất hút trong bóng đêm. Phải tờ mờ sáng, hai cha con mới tự tháo dây, ôm nhau khóc lóc và lê lết đi ra đường quốc lộ. Sau này, mọi người lúc đó mới biết, hai cho con bất hạnh đó đã đụng phải băng cướp Phong “trọc”.
Sói hoang tàn ác và kế hoạch táo bạo
Gây quá nhiều tội ác, P.g “trọc” rơi vào tầm ngắm của lực lượng công an. Một chuyên án truy bắt tên đầu đảng khét tiếng này được thành lập. Thấy động, hắn nhanh chóng trốn vào rừng sâu cố thủ.
Sản phẩm từ mỏ đá Qùy Châu
Tuy chui lủi nhưng không vì thế mà P. từ bỏ những gì mình đã giành giật bằng máu để có được. Lúc thì gã trốn trong rừng xanh, chỉ huy đàn em, lúc thì lại chui ra bè nứa giữa sông Hiếu để trốn. Có nhiều lần, lực lượng công an phát hiện ra tung tích, suýt bắt sống được, gã lại liều lĩnh nổ lựu đạn tìm cách tẩu thoát.
Về sau, cảm thấy nguy cơ luôn cận kề, Vi Văn P. ở hẳn trong rừng. Hàng ngày, gã vác súng lang thang dọc bờ sông, bất cứ thuyền bè nào qua lại bị bắt gặp, chủ thuyền đành ngon ngọt nộp tiền mãi lộ. Dân bờ sông khiếp 3 đời nhà gã, chỉ mới nghe tiếng P. “trọc” đã im thin thít, vâng dạ làm theo mọi yêu cầu, không một ai dám phản kháng.
Nhất là mấy bè gỗ, P. thấy, lao ra nổ súng cướp trắng. Cướp được gỗ, gã bắt mọi người trên thuyền bốc lên xếp lên bờ. Gặp thuyền khác đến, P. lại nổ súng, bắt vào mua đám gỗ đó với giá cắt cổ. Những đồng tiền kiếm được, gã lại nướng hết vào thuốc phiện và gái gú.
Cái lán lợp lá chuối trong rừng chỗ P. “trọc” buổi tối mò về ngủ hắn luôn cất giấu đủ loại vũ khí. Toàn hàng nóng. Và, cứ thấy có động là chẳng cần nghĩ nhiều, hắn vãi đạn như vãi trấu. Không những thế, phía bên kia bờ sông Hiếu, P. còn bố trí 1 đệ tử tên Quỳnh dựng lều ngay cạnh sông để canh gác. Chỉ cần thấy động, P. nhanh chân lủi ngay vào rừng cố thủ.
Đó là tên cướp quá hung hãn và nguy hiểm, việc truy bắt gần như không thể, chưa kể thiệt hại về sinh mạng là chuyện dễ xảy ra. Do đó, lực lượng công an xác định, chỉ có những người địa phương, nói tiếng Thái (Phong dân tộc Thái), may chăng mới có thể tiếp cận được và chờ thời cơ.
Vậy là một tổ công tác gồm 4 người bao gồm những thanh niên gan dạ trong vùng Châu Bình được thành lập và huấn luyện thành những “đặc nhiệm tinh nhuệ” với nhiệm vụ bí mật là bắt sống tên tướng cướp khát máu này. Trong đó, tổ trưởng là anh Lang Văn Hóa. Thời điểm ấy, anh Hóa mới 27 tuổi.
Anh Hóa vốn là người miền bắc, trước là lính bộ binh, từng chiến đấu chống quân Trung Quốc ở mảnh đất “cối xay thịt” Vị Xuyên, Hà Giang những năm 1985, 1986. Đến lúc ra quân, cảm thấy mảnh đất Châu Bình là nơi rất dễ làm ăn, anh đưa cả nhà về đó sinh sống. Tuy nhiên, mới được thời gian ngắn thì cơn sốt đá đỏ xảy ra.
Một buổi chiều tối cuối tháng 11/1992, 4 thanh niên bôi bẩn mặt mũi, đóng giả làm dân xã hội đi bè trên sông Hiếu. Họ lân la tiến lại gần nơi trú ẩn của chủ soái giang hồ đế chế đá đỏ. Khi ấy Phong “trọc” đang ngồi trong lán.
Thấy người lạ, gã bật dậy nhìn gằm gằm, tay lăm lăm khẩu súng. Tuy nhiên, sau mấy câu xét hỏi, thấy đám thanh niên toàn nói tiếng Thái, nên Phong “trọc” cũng bớt đề phòng. Nhất là sau khi lục lọi đồ đạc, gã cũng chỉ thấy nhóm mang theo mấy bộ quần áo vấy bẩn.
Ngồi nói chuyện chán chê, nhóm thanh niên lạ mặt đứng dậy chào gã, lên thuyền xuôi về phía nam. Tiếp cận, bắt P. “trọc” khi đó với tổ đặc nhiệm này dễ như trở bàn tay nhưng đưa được hắn ra khỏi rừng mới là khó bởi thấy động, đám đàn em của “sói rừng” này sẽ nhanh chóng liều chết giải cứu cho đại ca. Bởi thế, tổ công tác trên chỉ được phép tiếp cận chứ bắt thì phải có lệnh từ thượng cấp, khi thời cơ đã chín muồi.
Từ đó, những lần sau, thỉnh thoảng chiếc bè chở 4 “trinh sát” lại xuất hiện và lên lán ngồi tán gẫu với P. “trọc”. Lúc thì họ mang rượu thịt ăn nhậu, có lúc còn hút thuốc phiện cùng. Sau nhiều lần như vậy, đã nắm chắc được đường đi lối lại nhóm thanh niên dần tạo được sự tin tưởng của tướng cướp. Cũng là lúc, lệnh bắt sống gã được phát ra.
Nửa đêm 1 ngày cuối năm 1992, P. “trọc” đi mua thuốc phiện vừa về đến lán, ngay lập tức 4 bóng đen phục sẵn bên trong lao ra quật ngã, một cú đấm cực mạnh giáng thẳng vào gáy khiến tướng cướp ngã dúi dụi .
P. chưa kịp hoàn hồn thì đã bị một người dùng thuốc mê đã xịt thằng vào mặt khiến hắn ngất xỉu. Phía bên kia sông, tên Quỳnh cảnh giới vẫn không hề hay biết có động. Anh em trói nghiến Phong trọc lại, còng tay, bịt mồm không cho kêu la. Và bởi đã thuộc đường đi lối lại nên nhóm đặc nhiệm thay nhau cõng P. “trọc” tẩu thoát khỏi cánh rừng u tịch.
Chỉ một thời gian ngắn sau ngày “chủ tướng” bị bắt, băng cướp rừng xanh, đế chế giang hồ vùng đá đó cũng dần tan rã. Lần đó, P. bị kết án 7 năm tù. Lúc gã hết án thì cũng là lúc mảnh đất Châu Bình đã bình yên trở lại. Quá tam ba bận, lần này, P. quyết chí hoàn lương và một thời gian ngắn sau thì chết bởi ung thư gan.
Giờ thì Châu Bình, lãnh địa máu một thời yên bình đến kỳ lạ. Con đường mòn dẫn từ QL 48 vào đồi Tỷ vắng hoe, vắng hoắt. Thi thoảng mới có một vài người đi chăn trâu hay lấy củi trong rừng đi vào con đường này. Ngay cạnh đồi Tỷ, có một công ty khai thác đá quý nhưng tìm mãi mới thấy một vài người đang chăn gà. Trong nhà máy ấy vẫn có những chiếc xe tải nhưng bỏ không, hoen rỉ. Máy móc, dụng cụ khai thác nằm im một chỗ đã hơn chục năm nay. Cảnh vật hoang tàn im lìm đến đáng sợ.
Bây giờ, chuyện về đá đỏ với những người ở Châu Bình thì như chuyện cổ tích xa xưa. Và đó là một cổ tích buồn. Người dân Châu Bình bảo, những huyên náo về đá đỏ khi trước chẳng khác nào một vết thương đang dần liền da, thắm thịt như những đồi Tỷ, đồi Triệu chỉ là cái tên trong ký ức xa xăm.
Xem thêm: Nhà tư sản Trịnh Văn Bô - người hiến hơn 5.000 lượng vàng sắp được đặt tên phố ở Hà Nội