Thứ hai, 25/11/2024 | 16:03
RSS

Chuyện cảm động về người đàn ông gần 40 năm 'nhặt' người điên về nuôi

Chủ nhật, 04/08/2019, 06:31 (GMT+7)

Mỗi khi nhận được điện thoại báo tin ở đâu có người điên, dù ngày hay đêm, ông Nhẫn cũng lên đường đến đón về tắm rửa, cho ăn uống rồi tìm nhân thân cho họ.

Ông Phạm Văn Nhẫn - người đàn ông gần 40 năm đi nhặt người điên về nuôi.
Ông Phạm Văn Nhẫn - người đàn ông gần 40 năm đi nhặt người điên về nuôi.

Bén "duyên" từ khi nhặt được đứa bé đi lạc

Ở Hà Nam không ai là không biết đến tiếng ông Nhẫn “gàn”. Người đàn ông ấy, suốt hơn mấy chục năm qua, đã âm thầm đi làm một cái việc được xem là "dị thường" - nhặt người điên về nuôi. Khi mang những người dở dở ương ương về nhà mình, ông lo cho họ ăn, mặc và sau đó đi tìm quê hương bản quán cho họ.

Ông Nhẫn họ tên đầy đủ là Phạm Văn Nhẫn (SN 1963, trú tại thôn Tri Ngôn, xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam). Nhà ông chẳng dư giả gì. Mấy chục năm qua ông vẫn sống trong ngôi nhà cấp 4 cạnh quốc lộ 1A. Đó cũng là nơi trú ngụ của rất nhiều người điên.

Ông Nhẫn cho biết, gần 40 năm qua, con số mà ông đã cưu mang lên đến hàng trăm người, nhiều người không chỉ có quê quán ở các tỉnh phía Bắc như: Hà Nam, Nam Định, Bắc Giang… mà các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa Nghệ An, Hà Tĩnh… ông cũng "nhặt" về cưu mang rất nhiều.

Kể về cái "duyên" của ông với việc làm “gàn dở” này ông Nhẫn cho biết, đó là vào năm 1984, khi vợ chồng ông đang phơi rơm ở ven đường thì bắt gặp một đứa trẻ 5 tuổi mình lấm lem đất cát, vừa chạy vừa khóc thảm thiết.

Biết là cậu bé bị lạc nên hai vợ chồng đón cháu về cho ăn uống và tắm rửa. Sáng hôm sau, đợi khi đứa nhỏ ổn định tinh thần và hồi phục sức khỏe ông Nhẫn mới hỏi địa chỉ rồi đưa cháu về tận nhà cho gia đình.

Ông Phạm Văn Nhẫn - người đàn ông gần 40 năm đi nhặt người điên về nuôi.
Một phụ nữ quê ở Thanh Hóa, có vấn đề về thần kinh đã được ông Nhẫn đưa về đoàn tụ cùng gia đình hồi tháng 6/2019.

Cuộc đoàn viên ngập tràn trong hạnh phúc của cậu bé và gia đình khiến ông Nhẫn thấy việc làm của mình có ý nghĩa và rất vùi. Rồi ngay buổi sáng hôm sau, như duyên định, ông lại gặp một người đàn bà đầu tóc rũ rượi, lúc khóc lúc cười như điên dại.

Thấy bà ta đi thất thần trên đường quốc lộ dễ nguy hiểm, ông Nhẫn đưa về nhà bảo vợ tắm rửa rồi cho ăn uống. “Khi ấy, trông người phụ nữ kia yếu ớt, mặt xanh như tàu lá, tôi phải đi gọi y tá tới truyền nước và chăm sóc tận tình. Mãi hai tháng sau, tôi mới liên hệ được gia đình tới đón. Họ có cảm ơn và xin hậu tạ nhưng tôi từ chối, chỉ nhận tiền thuốc men”, ông Nhẫn kể lại.

Thế rồi người thứ 2, thứ 3… rồi cả chục người đã được ông Nhẫn mang họ về nhà chăm sóc như những thân ruột thịt. Cũng từ đây cả xã gán cho ông cái tên là “Nhẫn gàn”. Bà Đào Thị Lam (vợ ông Nhẫn) cũng hết sức phụ giúp chồng trong việc làm phúc cứu người, thường xuyên chăm sóc, nấu nướng và ân cần chỉ bảo cho những người điên làm những việc nhỏ trong nhà.

“Từ vụ 'nhặt' được cháu bé và trả đứa cháu về với gia đình, ông ấy còn "nhặt" thêm 3 người điên điên, dở dở nữa về nhà. Thú thật ngày đầu thấy chồng làm vậy, tôi giận lắm, can ngăn kiểu gì cũng không được. Hàng xóm láng giềng thì hết lời bàn tán xì xào. Tuy nhiên, sau khi nghe ông ấy phân tích về việc làm thiện nguyện này tôi thấy đúng là nên làm. Làm việc thiện, tích đức cho con cháu sau này”, bà Lam tâm sự.

Người điên trở thành... người nhà

Cuộc sống của gia đình ông Nhẫn luôn trong tình trạng khó khăn, thiếu thốn. Ông có tới 4 đứa con (2 trai, 2 gái). Để nuôi chúng lớn khôn, trưởng thành cũng đã quá vất vả đối với vợ chồng ông, trong khi cơ nghiệp chỉ có vài sào ruộng.

Đã thế từ lúc "nhặt" người điên về nuôi thì quanh năm nhà ông lúc nào cũng có thêm nhân khẩu. Vợ chồng ông phải làm đủ các thứ nghề từ vá xe đạp, đi kéo lưới đêm đến bán bánh mỳ bên quốc lộ để sinh sống.

Ông và vợ phải làm việc rất vất vả nhưng có lúc vẫn không đủ chi tiêu. Suốt bao năm chăm chỉ lao động nhưng hiện ông vẫn ở căn nhà cấp 4 ven đường và gia tài không có gì đáng giá. Có lúc căn nhà ấy đón tới gần chục người điên đến ở.

Không đủ chỗ nằm, vợ chồng ông phải trải chiếu xuống nền nhà. Không chỉ có vậy, việc chăm sóc, nuôi những người này rất vất vả, 2 ông bà phải thay nhau. Khi ông đi làm thì bà phải ở nhà  trông và ngược lại. Chăm sóc người điên lúc phải mêm, lúc phải rắn, tùy từng thời điểm.

“Để xác nhận nhân thân, tìm được quê quán của họ cũng khó khăn lắm, vì họ không nhớ được. Khi họ nói được địa chỉ, có khi dù rất mơ hồ tôi cũng lập tưc gọi đến tổng đài 1080 để dò hỏi số điện thoại của UBND địa phương, rồi gọi tới xác minh thông tin, liên lạc với người thân trong gia đình đến đón về”, ông Nhẫn chia sẻ.

Ông Phạm Văn Nhẫn - người đàn ông gần 40 năm đi nhặt người điên về nuôi.
Ông Trần Văn Cường (SN 1958, ở Bắc Giang).

Theo ông Nhẫn, trường hợp khiến bản thân ông thấy trăn trở, xót xa nhất là ông Trần Văn Cường (SN 1958, ở Bắc Giang). Vào tháng 7/2009 vợ chồng ông Nhẫn đang ngủ bỗng nghe tiếng chai lọ vỡ từ bên ngoài dội vào.

Biết có chuyện không hay, ông liền cầm đèn soi ra đường quốc lộ thì thấy một người đàn ông đang cầm chiếc chai vỡ, máu me bê bết và vừa đi vừa chửi bới. Biết là người điên, tôi liền ra nói chuyện, khuyên nhủ, dìu ông ấy vào nhà lau chùi, băng bó vết thương rồi bảo vợ lấy cơm nguội cho ăn uống.

Trời đã khuya nên tôi thu xếp cho ông ta chỗ ngủ rồi lên giường chợp mắt để mai tính tiếp. Nào ngờ, sáng tỉnh dậy thì chẳng thấy ông ấy đâu. Trời mưa to, tôi lo sợ có chuyện gì không hay xảy đến với ông ấy nên vội vã đi tìm. Sau đó, phát hiện ra ông ấy đang co ro trong bụi chuối và lại đưa về nhà chăm”, ông Nhẫn kể lại.

Khoảng mấy tháng sau, có người phụ nữ gọi cho ông Nhẫn, nhận là em gái ông Cường, đã lấy chồng, đang làm công nhân ở TP.HCM Nhận là nhận vậy, rồi cảm ơn, hứa hẹn nhiều lần ra đón, nhưng chị này cũng không có điều kiện nên vẫn để anh trai mình ở nhà ông Nhẫn từ đó đến nay. Tính ra, ông Cường đã sống cùng gia đình ông Nhẫn tròn 10 năm và trở thành thành viên trong nhà.

Ông Phạm Văn Nhẫn - người đàn ông gần 40 năm đi nhặt người điên về nuôi.
Ông Cường đã sống cùng gia đình ông Nhẫn tròn 10 năm.

Đã 10 năm qua, vợ chồng ông Nhẫn đã xem ông Cường như người thân trong gia đình. Thời gian đầu ông Cường không biết làm gì nhưng sau này ông Nhẫn đã dạy ông Cường làm các việc như dọn dẹp nhà cửa, chăn trâu.

“Bữa nào ăn cơm tôi cũng phải rót cho ông ấy cốc rượu, không có rượu là y như rằng hôm đó ông ấy lên cơn điên, chửi bới, đập phá. Có hôm trời mưa, trong nhà hết rượu. Hôm đó phải bù cho “đại ca” chai bia”, ông Nhẫn chia sẻ.

Cứu con người, mất con mình

Tiếng lành đồn xa, hễ gặp người có biểu hiện lạ, tâm thần bất ổn ở quanh đó là người ta lại báo cho ông Nhẫn. Bất kể ngày hay đêm, mùa hè hay đông giá, ông cũng không ngần ngại tới đưa họ về nhà. Không ít lần ông Nhẫn phải huy động cả vợ, con trai, con rể lẫn con nuôi đi tìm người lưu lạc. Những mảnh đời lang thang ấy cứ đến rồi đi như chẳng khi nào ngớt, đến nay đã lên con số cả trăm.

Năm 2005, khi anh Phạm Văn Kiên (con trai ông Nhẫn) vừa xuất ngũ trở về, ông đang tính cho con học nghề sửa chữa xe máy thì tai họa ập đến. Ngày đó, gia đình ông đang cưu mang cháu bé 10 tuổi ở tận Thanh Hóa, bị lạc đường. Ông đã nuôi nấng và liên lạc được với người thân cháu bé. Tuy nhiên ngày gia đình đến đón con họ, thì cũng là ngày ông Nhẫn mất con.

Trong lúc ăn cơm cùng gia đình ông Nhẫn, người nhà cháu bé bị lạc bảo con ông Nhẫn đi mua bia cùng đứa bé bị lạc. Chẳng may trên đường đi bị tai nạn, đứa con trai đầu lòng của ông Nhẫn không qua khỏi, còn đứa bé mà ông mang về chăm sóc thì may mắn chỉ bị xây xát nhẹ.

Lúc ấy, có người còn độc miệng bảo “nếu không làm việc đó thì đâu mất con”. Khi ấy, ông đã có ý định từ bỏ công việc “điên khùng” này nhưng cứ ra đường, thấy những trường hợp lang thang, cơ nhỡ, ông lại không thể bỏ mặc.

Gần 40 năm nhận nuôi chăm sóc người điên, không ít lần ông Nhẫn phải bực tức, có lần ông Cường lên cơn điên, chửi bới, gặp ai cũng nhổ nước bọt vào người. Ông Nhẫn đã đuổi ông Cường đi, thì ông Cường bảo “nhà tao đây, mày là ai sao lại đuổi tao”. May mắn giờ ông Cường cũng "ngoan" hơn.

Ông Phạm Văn Nhẫn - người đàn ông gần 40 năm đi nhặt người điên về nuôi.
Ông Nhẫn mong muốn em gái ông Cường sớm đến đón anh trai mình về.

Chia sẻ với PV, ông Mai Xuân Thắng (hàng xóm nhà ông Nhẫn) cho biết, người thường thấy kẻ điên thì tránh xa, còn ông Nhẫn nhìn thấy thì lại đón về chăm như con ruột. Có lúc, căn nhà rộng chưa đầy 20m2 của ông là nơi tá túc của hàng chục mảnh đời bất hạnh. “Dạo này ít người điên rồi, vợ chồng ông Nhẫn cũng nhàn”, ông Thắng chia sẻ.

Trao đổi với PV, ông Trần Văn Thắm, Chủ tịch UBND xã Thanh Hải cho biết, ông Phạm Văn Nhẫn là công dân tốt của địa phương, có tấm lòng cao cả. Ông đã giúp đỡ nhiều người tâm thần lang thang cơ nhỡ. Trong suốt gần 40 năm qua, ông Nhẫn đã tìm được quê hương, người thân cho rất nhiều người mắc bệnh tâm thần.

Đầu năm 2013, ông Nhẫn đã vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam vì: “Đã có thành tích trong hoạt động nhân đạo và từ thiện”. Không những vậy ông còn được Công an tỉnh Hà Nam tặng giấy khen trong công tác giữ gìn an ninh trật tự của địa phương.

Nguyễn Long
Theo Đời sống Plus/GĐVN