Thứ bảy, 18/01/2025 | 16:38
RSS

Chương trình mới với lớp 3, 7 và 10: Nền móng là đội ngũ giáo viên

Chủ nhật, 27/03/2022, 14:42 (GMT+7)

Cùng với việc tìm hiểu, nghiên cứu các bộ SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 của CTGDPT 2018, các trường học đã chuẩn bị tốt cho việc bố trí giáo viên đứng lớp giảng dạy trong năm học tới.

Chương trình mới với lớp 3, 7 và 10: Nền móng là đội ngũ giáo viên

Một giờ học của học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ (Đà Nẵng).

Hỗ trợ giáo viên tối đa

Thầy Võ Thanh Phước - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) - cho biết: “Việc bố trí giáo viên đảm nhiệm dạy học các bộ môn ở lớp 7, sẽ có giáo viên đã tham gia bồi dưỡng chương trình - sách giáo khoa lớp 6 và giáo viên mới. Bố trí như vậy, sẽ có sự hỗ trợ, trao đổi về chuyên môn cũng như kinh nghiệm trong quá trình tập huấn chuyên sâu”.

Các tổ chuyên môn của Trường THCS Nguyễn Huệ đã triển khai tìm hiểu 3 bộ sách giáo khoa lớp 7 của chương trình mới. Cô Nguyễn Thị Việt Hà - giáo viên môn Toán - nhận xét: “So với năm học trước, khi chuẩn bị cho việc triển khai thẩm định sách giáo khoa lớp 6, giáo viên có điều kiện tiếp cận với bản in sớm hơn. Điều này rất thuận tiện cho chúng tôi khi nghiên cứu, so sánh giữa các bộ sách. So với việc tiếp nhận bộ sách bản PDF, trong điều kiện các trường phải linh hoạt chuyển đổi giữa hai hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến, rõ ràng việc tiếp cận với bản in, sẽ hỗ trợ tốt hơn cho các tổ chuyên môn trong việc thẩm định sách”.

Thầy Nguyễn Minh Anh - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Đinh Thanh Kháng (huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) - cho hay: “Chúng tôi rất chú trọng đến việc bồi dưỡng và hỗ trợ giáo viên tự bồi dưỡng trong thời gian đầu triển khai thay sách giáo khoa. Với đặc thù các trường miền núi, giáo viên bộ môn ở bậc THCS ít, giáo viên phân công giảng dạy lớp 6 - 7 cũng đồng thời đứng lớp ở các khối lớp trên nên buộc phải nắm được chương trình tổng thể cũng như chương trình, nội dung của từng khối lớp, các phương pháp tổ chức dạy học phù hợp với mục tiêu, đặc thù của môn học sẽ rất thuận lợi, tạo đà cho những năm tiếp theo”.

Từ kinh nghiệm của đợt bồi dưỡng chuyên sâu khi thực hiện Chương trình - sách giáo khoa mới ở lớp 1 - 2 và 6, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Đinh Thanh Kháng tiếp tục duy trì việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho những giáo viên là người dân tộc để đảm bảo chất lượng của quá trình bồi dưỡng và tự bồi dưỡng. “Các tổ chuyên môn sẽ tổ chức thảo luận trực tiếp sau các buổi tập huấn trực tuyến để trao đổi, tháo gỡ, giúp giáo viên hiểu sâu hơn những nội dung cần nắm”, thầy Nguyễn Minh Anh nói.

Chương trình mới với lớp 3, 7 và 10: Nền móng là đội ngũ giáo viên

Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tập huấn chuyên đề cho giáo viên tham gia thực hiện triển khai Chương trình – sách giáo khoa mới theo hình thức trực tuyến. 

Không dạy chương trình mới nếu không được bồi dưỡng

Trong quá trình tập huấn các mô-đun cho giáo viên, dù là trực tuyến hay trực tiếp thì đội ngũ giáo viên cốt cán và giảng viên từ trường đại học sư phạm đều hỗ trợ rất tích cực.

Chia sẻ điều này, cô Việt Hà thông tin: Do ảnh hưởng dịch covid-19 nên quá trình tập huấn cho giáo viên sử dụng sách giáo khoa lớp 6 chủ yếu được triển khai theo hình thức trực tuyến. “Giáo viên được tiếp cận với nhiều tiết dạy minh họa để hiểu rõ cách tổ chức một tiết dạy theo mục tiêu hình thành phẩm chất - năng lực cho học sinh. Từ các mô-đun tập huấn, cùng với việc xem kỹ video tiết dạy minh họa, chúng tôi thấm nhuần rằng, với Chương trình – sách giáo khoa mới, giáo viên được trao nhiều quyền chủ động trong một tiết dạy, có thể tham khảo nguồn tài liệu khác nhau để sử dụng trong một tiết dạy thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào sách giáo khoa...”, cô Hà bày tỏ.

Tuy nhiên, theo cô Việt Hà, nếu có thêm những buổi thảo luận trực tiếp, giáo viên sẽ có cơ hội được thảo luận nhiều hơn; những vướng mắc khi tiếp cận với Chương trình - sách giáo khoa lớp 7 cũng sẽ được tháo gỡ kịp thời. Đồng quan điểm như vậy, cô Đinh Thị Tài – giáo viên môn Sinh học Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Sơn Long (huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) - chia sẻ: “Chúng tôi vẫn mong muốn trong quá trình tập huấn cho giáo viên đảm nhận dạy Chương trình - sách giáo khoa lớp 7 sẽ có điều kiện để tổ chức tập huấn trực tiếp nhiều hơn. Việc sinh hoạt chuyên môn theo hình thức cụm trường đã hỗ trợ cho giáo viên rất nhiều trong quá trình tự bồi dưỡng”.

Ông Trương Quang Dũng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) - khẳng định: Để đảm bảo chất lượng khi triển khai Chương trình - sách giáo khoa lớp 3 và 6, các trường sẽ không bố trí những giáo viên không tham gia bồi dưỡng đứng lớp. Tùy theo diễn biến thực tế của tình hình dịch bệnh, địa phương sẽ lựa chọn hình thức tối ưu nhất để tổ chức các lớp tập huấn cho giáo viên sử dụng sách giáo khoa của các khối lớp này.

Ông Dũng đồng thời cho rằng: Quá trình tự bồi dưỡng của giáo viên rất quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng tập huấn của các mô-đun. Giáo viên nghiên cứu kỹ các nội dung trong quá trình tự bồi dưỡng mới có thể đưa ra những chất vấn, thắc mắc cũng lường trước các tình huống dạy học để thảo luận khi tổ chức tập huấn trực tiếp. 

 

Hà Nguyên
Theo Giáo dục & Thời đại