Thứ ba, 23/04/2024 | 14:41
RSS

Chữa tắc tuyến sữa bằng cách đắp lá cây, bà mẹ trẻ gặp biến chứng kinh hoàng

Thứ bảy, 06/10/2018, 07:03 (GMT+7)

Bệnh nhân đang trong thời kỳ cho con bú và bị tắc tuyến sữa. Nghe lời người thân, bệnh nhân chỉ đắp lá, chữa bệnh theo dân gian đến khi ổ nhiễm trùng chảy mủ chị mới hốt hoảng đi khám.

Chữa tắc tuyến sữa sai cách, bà mẹ trẻ gặp biến chứng kinh hoàng
Chữa tắc tuyến sữa bằng đắp lá, bà mẹ trẻ gặp biến chứng kinh hoàng. Ảnh: BV.

Bệnh nhân là chị Trần Thị H. (ở Na Hang, Tuyên Quang) nhập viện vào BV Phụ sản Hà Nội trong tình trạng bị áp xe vú ngực chảy mủ do tắc tuyến sữa.

Chị H cho biết, chị đang trong giai đoạn cho con bú không may bị tắc tuyến sữa. Nghe một số người mách chữa bệnh theo dân gian, chỉ cần đắp lá là cây khỏi nên chị làm theo.

Tuy nhiên đắp lá mãi đến ngày thứ 24 kể từ ngày bắt đầu bị tắc sữa, chị H bắt đầu thấy đau nhức, chảy mủ nên mới đi khám, chị mới tá hỏa vội chuyển đến bệnh viện Hà Nội để khám.

Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng khoa Khám Phụ khoa tự nguyện (BV Phụ sản Hà Nội) cho biết khi tiếp nhận bệnh nhân H., các bác sĩ đã hội chẩn và chẩn đoán ban đầu chị H. bị áp xe vú nên phải chích và điều trị nhiễm trùng, triển khai phương pháp chiếu tia plasma hỗ trợ làm lành vết thương.

Ngay sau lần chiếu tia plasma đầu tiên chị H. đã cảm thấy đỡ đau rất nhiều, vùng ngực không còn đau tức và chảy mủ như trước. Sau lần chiếu tia thứ 4 các bác sĩ sẽ thăm khám lại, nếu đủ điều kiện sẽ khâu thẩm Mỹ lại vết thương của chị.

Bác sĩ Đỗ Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Sản thường A3 (BV Phụ sản Hà Nội) cho biết, plasma lạnh không chỉ diệt khuẩn, mà còn kích thích vết thương tăng sinh tổ chức hạt, tăng tốc độ biểu mô hóa, giúp vết thương nhanh liền hơn. Các gốc hoạt tính như NO được hình thành khi chúng tiếp xúc với không khí, có tác dụng cải thiện vi tuần hoàn, kích thích quá trình liền thương.

Nhờ cơ chế này, plasma được dùng để điều trị các vết thương chậm lành như vết mổ đẻ nhiễm khuẩn; vết thương lâu lành; vết thương nhiễm trùng; vết thương do hoại tử; vết thương mới có nguy cơ nhiễm trùng, lâu lành như: Vết thương thành bụng sau mổ, vết khâu tầng sinh môn, tổn thương vùng áp xe vú, vết thương đụng dập nhiều, mất da rải rác, vết thương bẩn, vết thương phù nề, vết thương người bệnh đái tháo đường, suy kiệt cơ thể.

Công nghệ plasma là một phương pháp điều trị bệnh an toàn, hiệu quả, không mang lại tác dụng phụ, giúp giảm thiểu tối đa thời gian và chi phí điều trị cho người bệnh. Tuy nhiên tia plasma chống chỉ định với người bệnh đang sử dụng máy tạo nhịp tim hoặc máy khử rung tim; người bệnh có chống chỉ định thay băng thông thường; vết thương ở vùng mắt.


Xem thêm Clip: Ngoài cảm giác căng tức bầu ngực mẹ cần biết 6 dấu hiệu phát hiện tình trạng tắc tia sữa nhanh chóng

Lê Khanh
Theo Đời sống Plus/GĐVN