Thứ sáu, 22/11/2024 | 08:21
RSS

Chủ quan không đi khám khi đau bụng, người phụ nữ suýt phải cắt bỏ thận

Thứ bảy, 23/11/2019, 18:47 (GMT+7)

Ban đầu người bệnh thỉnh thoảng đau bụng nhâm nhẩm nhưng chủ quan, không đi khám, chỉ đến khi cơn đau bùng lên đột ngột, không thể chịu nổi mới vào viện...

Vừa qua Trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao Phú Thọ vừa tiếp nhận trường hợp người bệnh Nguyễn Thị H (65 tuổi, ở Đức Bác – Sông Lô – Vĩnh Phúc) vào viện trong tình trạng đột ngột đau bụng mạn sườn trái trong khi đang làm vườn, mệt mỏi, hội chứng thiếu máu rõ...

Theo lời bà H, thời gian gần đây thỉnh thoảng bà thấy bụng đau nhâm nhẩm nhưng chủ quan nên không đi khám, chỉ đến khi cơn đau bùng lên đột ngột, không thể chịu nổi mới vào viện...

Sau khi nhập viện, các bác sĩ đã nhanh chóng thăm khám và thực hiện các chỉ định cận lâm sàng cần thiết. Sau khi có kết quả xét nghiệm ban đầu, người bệnh được chẩn đoán: Tụ máu quanh thận trái chưa rõ nguyên nhân.

Người bệnh được hồi sức tích cực: truyền máu, truyền dịch, dùng các thuốc cầm máu. Khi tình trạng tạm ổn định, người bệnh được tiến hành chụp cắt lớp vi tính 128 dãy có tiêm thuốc cản quang phát hiện vỡ dị dạng động mạch nghi của u cơ mỡ thận trái.

Đơn vị Hồi sức cấp cứu đã nhanh chóng tiến hành hội chẩn cùng với Khoa Ngoại thận tiết niệu và Khoa Chẩn đoán hình ảnh quyết định thực hiện kỹ thuật nút cầm máu mạch vỡ ở thận trái bằng coil, nút kín hoàn toàn các mạch máu vỡ, bảo toàn được thận trái.

Chủ quan không đi khám khi đau bụng nhâm nhẩm, người phụ nữ suýt phải cắt bỏ thận
Niềm vui của bệnh nhân Nguyễn Thị H trước ngày ra viện.

Sau khi được can thiệp, người bệnh được hồi sức tích cực tại đơn vị, tình trạng người bệnh đã dần ổn định: các cơn đau giảm rõ rệt, không còn tình trạng thiếu máu… Sau hơn 10 ngày theo dõi và điều trị, đến nay người bệnh đã hoàn toàn bình phục.

Theo Ths.BS Bùi Mạnh Cường – Trưởng Đơn vị Hồi sức cấp cứu – Trung tâm Khám chữa bệnh chất lượng cao cho biết: Vỡ dị dạng động mạch u cơ mỡ thận trái là bệnh lý rất hiếm gặp, nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như tụ máu xung quanh thận, ổ bụng,shock mất máu, thậm chí có thế tử vong.

“Trường hợp người bệnh H chúng tôi chọn phương pháp nút mạch là phương pháp thích hợp nhất. Phương pháp này là phương pháp điều trị can thiệp xấm lấn tối thiểu, hiệu quả cao, giúp người bệnh tránh khỏi cuộc đại phẫu lớn, bảo toàn được thận, người bệnh hồi phục nhanh, thời gian nằm viện ít.

Nếu phải phẫu thuật người bệnh có nguy cơ cắt mất thận, sau phẫu thuật tiềm ẩn nhiều tai biến như: chảy máu, nhiễm trùng sau phẫu thuật, chi phí sau phẫu thuật lớn, thời gian nằm viện lâu...”, BS Cường cho biết.

PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN