Thứ bảy, 27/04/2024 | 08:27
RSS

Chủ quan bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh, nhiều người trả giá đắt: Con tàn tật, bại não suốt đời

Thứ ba, 10/01/2017, 09:11 (GMT+7)

Bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh thường gặp ở hầu hết trẻ em mới sinh ra. Có những trường hợp vàng da sinh lý bình thường, trẻ tự hết sau vài ngày. Tuy nhiên có nhiều trường hợp cực kỳ nguy hiểm.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, vàng da là một tình trạng rất phổ biến đối với trẻ sơ sinh, xảy ra ở 9% trẻ sinh đủ tháng, 30% trẻ sinh non.

Hầu hết trẻ sơ sinh sau sinh từ 2 – 3 ngày là bị vàng da, sau đó mức độ tăng dần cho đến ngày thứ 7 – 10 rồi hết. Nguyên nhân là do các hồng cầu trong máu bị vỡ quá nhanh, chuyển hoá thành Bilirubin – một chất có sắc tố màu vàng. Bilirubin càng nhiều trong máu, mức độ vàng da càng nặng hơn.

Vàng da ở trẻ sơ sinh cực kỳ nguy hiểm, chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) 

Bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh có hai mức độ: Vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý. Nếu không phát hiện và điều trị vàng da bệnh lý kịp thời thì có thể xảy ra biến chứng nhiễm độc thần kinh do bilirubin gián tiếp thấm vào não mà hậu quả là trẻ sẽ bị tử vong hoặc bị bại não suốt đời.

Việc phân biệt được vàng da sinh lý và bệnh lý có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng ranh giới giữa vàng da bệnh lý và vàng da sinh lý rất mong manh.

Vàng da sinh lý

Hầu hết trẻ sơ sinh sau sinh từ 2 – 3 ngày là bị vàng da, sau đó mức độ tăng dần và thường biến mất khi bé được khoảng 2 tuần tuổi mà không cần phải uống thuốc. 

Trong vòng 72 giờ sau khi sinh, bé sẽ được thăm khám để xem xét tình trạng vàng da. Nếu con bạn xuất hiện vàng da sau thời điểm này (thường là đã xuất viện), nên báo với bác sĩ để được tư vấn.

Dấu hiệu nhận biết:

  • Da của bé hơi vàng ở vùng đầu, mặt, cổ.
  • Trẻ bú tốt, không có biểu hiện bỏ bú.

Để phát hiện vàng da sớm, nên cho trẻ nằm ở phòng đủ ánh sáng tự nhiên, thường xuyên bế trẻ ra chỗ sáng để kiểm tra da toàn thân. Cũng có thể kiểm tra độ vàng da khi tắm cho trẻ, nhưng cần lưu ý kiểm tra trước khi cho bé xuống nước.

Với trẻ sơ sinh, do da trẻ đỏ hồng hoặc đen khó nhận biết nên có thể dùng mẹo, lấy một ngón tay đè xuống vùng da của bé để làm giãn các mạch máu. Sau khi bỏ tay lên, vùng da đó trắng thì không sao, còn nếu thấy hơi có màu vàng thì cần theo dõi….

Vàng da ở trẻ sơ sinh có nguy cơ dẫn đến bại não nếu người lớn chủ quan

Vàng da bệnh lý

  • Nếu vàng da đến rốn, qua rốn hay vàng đến cả bàn chân, tay thì trẻ đã bị vàng da rất nặng. Có những trường hợp vàng da kèm sốt, lừ đừ, co giật, gồng cứng.
  • Phân nhạt màu hơn bình thường.
  • Nhiệt độ cơ thể trẻ thất thường, lúc cao lúc thấp. Nước tiểu vàng, khóc yếu, bú kém, nôn, tiêu chảy.

Bệnh vàng da ở trẻ nếu để quá một tuần sẽ nguy hiểm đến tính mạng trẻ, dễ gây ra các biến chứng do chất bilirubin tăng xâm nhập vào nhân xám não làm tổn thương não dẫn tới nguy cơ tàn tật, bại não ở trẻ.

Do vậy, với vàng da sơ sinh nên can thiệp trước khi tổn thương não để bé hồi phục sức khỏe nhanh.

Các bà mẹ luôn cần ghi nhớ, giữa ngưỡng vàng da sinh lý đến bệnh lý rất mong manh. Hơn nữa, có những bé dù không có triệu chứng của vàng da, không nôn, vẫn chơi bình thường nhưng chất Bilirubin đã thấm vào não.

Vì thế, có điều kiện, tốt nhất cho con tới viện khám để được lấy máu kiểm tra. Nếu bilirubin đến ngưỡng quy định bé sẽ được chiếu đèn điều trị. Được điều trị đúng cách, trẻ sẽ hết vàng da và không để lại bất cứ di chứng gì cho sức khoẻ của trẻ sau này.

Vàng da ở trẻ sơ sinh phải được theo dõi chặt chẽ để có phác đồ điều trị kịp thời

Trẻ bị vàng da phải làm gì?

  • Đối với trường hợp nhẹ, có thể điều trị tại nhà bằng cách tắm nắng. Đặt trẻ gần cửa sổ, nơi có ánh nắng dịu của mặt trời (vào khoảng 8-8h30 mỗi sáng, lúc trời không quá nóng hay quá lạnh).
  • Cho trẻ bú nhiều lần trong ngày vì sữa mẹ giúp đào thải nhanh chất Bilirubin qua đường tiêu hóa. Cần theo dõi diễn tiến của chứng vàng da mỗi ngày trong vòng 7-10 ngày sau sinh.

Chú ý: Trẻ bị vàng da nặng cần được nhập viện ngay để được điều trị tích cực bằng các phương pháp sau:

  • Chiếu đèn: Ánh sáng của đèn biến Bilirubin thành chất không độc và được thải nhanh ra khỏi cơ thể qua đường tiêu hóa, đường tiểu.
  • Thay máu: Lấy bớt chất Bilirubin ra khỏi cơ thể một cách nhanh chóng

BÉ KHỎI HO SAU ĐÚNG 2 NGÀY NHỜ BÀI THUỐC TỪ QUẢ LÊ

An Bình
Theo Đời sống Plus