Thứ sáu, 29/03/2024 | 14:43
RSS

Chồng cuồng tín khiến vợ mệt mỏi: Đến chuyện “yêu” cũng phải lên lịch

Thứ tư, 15/03/2017, 11:57 (GMT+7)

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay có nhiều ông chồng rất mê tín dị đoan, lên đồng… và vô tình đẩy gia đình vào cảnh xung đột, làm khổ vợ con.

Chồng “mê” lễ bái, gia đình chiến tranh lạnh

Mới đầu năm mà gia đình chị Hòa (Đống Đa, Hà Nội) đã xảy ra chiến tranh lạnh. Lý do là anh Quang - chồng chị lên danh sách đi chùa, đền hết cả tháng Giêng, đến giữa tháng 2 mà vẫn chưa đi hết, trong khi công việc của anh thì trễ nải, mà việc học hành của con cái cũng bỏ bê. Chính chị cũng bị kéo vào công cuộc “đi đền, chùa cầu lộc” của chồng.

Chồng chị Hòa mở công ty chuyên kinh doanh về thiết bị vật tư xây dựng. Công ty của anh mở được hơn 5 năm nay, thời gian đầu làm ăn khấm khá, lợi nhuận cao.

Nhưng mấy năm nay, thị trường bão hòa, nhiều công ty mọc lên, cạnh tranh về giá cả và chất lượng sản phẩm, khiến cho doanh thu của công ty anh giảm sút đáng kể. Điều đáng nói là, không hiểu sao nhiều mối xuất hàng quen thuộc của công ty tự nhiên cắt hợp đồng, khiến cho hàng nhập về không có đầu ra, thất thoát khá lớn.

Nghe một người bạn, anh Quang đi xem bói. Thầy bói nói vanh vách những sự việc xảy ra trong năm, nào là tháng nào anh ốm, tháng nào anh bị mất tiền, bị bạn lừa ra sao... khiến anh tin vanh vách. Ông thầy còn “mách” rằng, anh có căn ông Hoàng Bảy, phải đi lễ thường xuyên và thành tâm thì sẽ được lộc thánh ban.

Năm ngoái, anh chỉ đi lễ đền ông Hoàng Bảy, còn năm nay, anh đi hầu hết các đền, phủ. Vừa ra Giêng, anh đã gọi chị vào, giao trách nhiệm cho chị phải sắm sửa đồ lễ cho anh. Đi đền, phủ đầu năm bao giờ cũng phải có đầu heo quay, mâm xôi gấc, cân giò, trà, rượu, hoa quả.

chồng cuồng tín1

Anh bảo phải chuẩn bị đầy đủ hoa quả, trà thì mới được các thánh ban lộc chứ xoàng xỉnh là không thành tâm. Anh còn cho các con đi cùng để vừa tham quan, vừa cả nhà cùng thành tâm thì càng được ban nhiều lộc.

Chị Hòa tưởng như thế là xong, nào ngờ, anh nói, càng đi lễ nhiều nơi thì càng nhiều lộc. Anh ghi cụ thể các địa chỉ cần đến, trong tháng Giêng phải đi đền bà Chúa Kho, sang đền Trần, đến ông Hoàng Mười, Hoàng Bảy... Cứ như vậy, chuyến đi nào anh cũng dắt díu vợ con đi cùng, tốn kém mấy chục triệu đồng.

Từ lúc mải mê đi lễ, anh cũng “quên” luôn việc đưa tiền chi tiêu hằng tháng cho vợ, tiền đóng học cho con. Lộc đâu chưa thấy, chị Hòa chỉ thấy doanh thu của công ty anh vẫn “dậm chân tại chỗ”, đã thế, còn hao hụt ngân sách của công ty do chi vào khoản lễ đền, phủ.

Chị nhắc anh nên quan tâm đến việc mở rộng thị trường thay vì tin vào cúng bái lễ lạt thì anh quát tháo khiến hai vợ chồng cãi nhau rồi chiến tranh lạnh suốt cả tháng trời.

Lên lịch cả chuyện “yêu”

Hồi còn yêu nhau, chị Hằng (Cầu Giấy, Hà Nội) đã biết chồng mình - anh Hoàng mê tín. Trong phòng của anh lúc nào cũng có 5-6 quyển sách tử vi, tướng số, xem ngày giờ tốt, xấu...

Hôm đưa chị về ra mắt bố mẹ chồng tương lai, anh Hoàng cũng phải xem ngày, giờ đẹp. Hôm đó, anh dẫn chị ra thắp hương ở miếu nhỏ đầu làng. Cô giữ miếu quơ quơ thẻ hương trước mặt anh rồi phán mấy câu, sau đó, bốc tro bỏ vào ly nước bảo anh uống. Anh Hoàng thản nhiên uống trước sự ngạc nhiên của chị.

Về làm vợ anh, chị càng thấy anh càng cuồng tín hơn. Anh chọn một ông thầy “cao tay” tận miền Trung để có việc cần hỏi là anh tìm đến và cũng sẽ được tư vấn nhiệt tình. Anh làm theo các hướng dẫn từ thầy dặn đến các cụ để lại mà cẩn thận kiêng cữ từng tí một vì chỉ cần “sẩy một ly, đi một dặm, rủi ro kéo đến bất ngờ lắm”.

Anh dặn chị không được nói điều gở vào đầu giờ sáng hoặc đầu tháng. Trước khi ra đường, nhất là vào mồng 1, anh để ý bước chân phải ra trước, sau đó, ngó nghiêng không thấy phụ nữ đi qua, anh mới đi làm. Hôm nào gặp phụ nữ, anh nhất quyết quay vào nhà, kể cả khi đã muộn giờ làm.

chồng cuồng tín2

Chồng “mê” lễ bái, khiến vợ mệt mỏi, gia đình chiến tranh lạnh. Ảnh minh họa

Càng ngày, cái sự kiêng của anh càng kỹ. Nào là mồng 1 không được mặc đồ đen để tránh “dông” cả tháng, nào là không ăn mực trước 20 âm lịch, không ăn thịt vịt và trứng vịt lộn trước 15 âm lịch, thậm chí chuyện “yêu” của hai vợ chồng cũng phải “có giờ giấc”.

Chị gái anh sinh con, anh kiên quyết không đến thăm mà chờ đến khi cháu đầy tháng mới đến vì “đi thăm bà đẻ thì dông lắm”. Chị Hằng bực nhất là hôm chị sinh bé đầu tiên, chị muốn mua thêm một số đồ dùng sơ sinh. Chị nhắc anh thì anh bảo “phải xem ngày”. Sau một hồi bấm bấm điện thoại, anh phán: “Hôm nay ngày xấu, mai mới đẹp, mai anh đi mua cho con nhé”. Chị tức nổ mắt, còn anh thì phóng xe đi mất.

Có lần, anh phải đi công tác ở Sài Gòn, chị nhắc anh để đồ cẩn thận đề phòng cướp giật. Chuyến đi đó, anh bị giật mất điện thoại vừa mua mấy chục triệu. Về nhà, anh hậm hực, cấm chị từ nay không được nói điều gở, dù là nhắc nhở hay lo lắng cho chồng con.

Nhiều lần chị nhắc anh đừng quá cứng nhắc, nhưng anh cứ bảo: “Có kiêng có lành, không thiệt đâu mà sợ”. Nhưng cái sự kiêng của anh gây mất thời gian và khó chịu cho mọi người. Cũng may mà ông thầy chưa nói vợ chồng chị không hợp tuổi hay xung cung khắc mệnh, nếu không thì hai vợ chồng mỗi đứa một nơi rồi.

Đừng sa đà vào mê tín

Thông thường, khi đời sống dư dả, người ta thường chăm chút đến tâm linh nhiều hơn. Việc cúng bái, lễ chùa xin sức khỏe, bình an, hạnh phúc là phong tục tốt đẹp của dân tộc ta, song những người quá cuồng tín để tin lời mê tín dị đoan, lạm dụng việc đi lễ đền chùa để ham cầu sinh lộc là điều không phù hợp, thậm chí còn đi ngược với ý nghĩa tâm linh của việc thờ cúng. Đã có nhiều trường hợp rơi vào hoàn cảnh dở khóc dở cười, gia đình mâu thuân chỉ vì tin lời bói toán hoặc sa đà vào lễ bái.

Theo các chuyên gia tâm lý, không chỉ những người vợ mới cuồng tín, nhiều người chồng cũng tìm thấy niềm tin trong việc lễ bái, bói toán. Tuy nhiên, sinh lão bệnh tử là điều thường tình trong cuộc sống. Do đó, thay vì cố tìm kiếm sự trợ giúp từ đấng linh thiêng một cách mê muội, mọi người hãy xây dựng cuộc sống lành mạnh, làm ăn chân chính, chăm chỉ vì người xưa đã dạy “năng nhặt chặt bị” để hóa giải những điều bất trắc khác.

Nếu chồng quá sa đà vào mê tín, người vợ có thể nhờ người thân trong gia đình tác động thêm, đồng thời tìm hiểu những khó khăn, khúc mắc trong cuộc sống hằng ngày của chồng để hỗ trợ, giúp chồng giải quyết vấn đề.

Quỳnh An
Theo Đời sống Plus