Thứ sáu, 29/03/2024 | 18:28
RSS

Chơi hi-end, thú vui quý phái và đốt tiền tỉ của những người có 'đôi tai vàng'

Thứ tư, 10/04/2019, 16:07 (GMT+7)

Khi cuộc sống đã bắt đầu đủ đầy, con người ta có nhu cầu hưởng thụ và tìm đến các thú chơi. Chơi hi-end là một thú chơi tuy không quá phổ biến, nhưng khi đã 'dính' thì lại khiến người ta say mê, thậm chí sẵn sàng chi tiền tỉ.

Thú chơi quý tộc

Thú chơi thiết bị âm thanh ở Việt Nam thì có từ rất lâu. Thời Pháp thuộc, các nhà tư sản, những người giàu có phải sắm trong nhà một cái máy quay đĩa, như là một biểu hiện của sự sang trọng và quý phái. 
 
Ngay cả thời bao cấp, khi một chiếc đài radiocassette có giá trị bằng cả mảnh đất, người ta cũng phải sắm cho bằng được. Không hẳn chỉ vì muốn chứng tỏ mình, mà còn vì, người Việt rất mê âm nhạc. 
 
Cho đến khi đất nước đổi mới, cuộc sống khấm khá dần lên, phong trào chơi âm thanh lại trỗi dậy, không ào ạt bởi người ta còn nhiều thú vui khác, nhưng cũng đủ để tạo thành một thú chơi. Đây cũng là thời điểm mà thuật ngữ âm thanh hi-end được du nhập vào, và dần dà trở thành chuẩn mực của thú chơi.
 
Có nhiều cách hiểu về hi-end, đại để như hi-end là âm thanh đỉnh cao, hi-end là những thiết bị đắt tiền có khi lên đến hàng chục tỷ vv… Nhưng có một định nghĩa về hi-end mà giới chơi âm thanh thích nhất, hi-end là thiết bị khiến cho chỉ còn âm nhạc ở lại, còn thiết bị thì biến mất. Có nghĩa là hi-end đem đến cho người chơi cảm xúc thăng hoa với âm nhạc chỉ đơn giản vậy thôi.
 
Hi-end, có thể hiểu vắn tắt là các thiết bị âm thanh đỉnh cao nhằm tái tạo lại âm nhạc một cách trung thực nhất và quyến rũ người nghe nhất. Hay cũng có thể hiểu, hi-end là những thiết bị khiến người nghe đắm chìm trong thế giới của âm thanh và giai điệu, để người nghe thưởng thức trọn vẹn. 

Chơi hi-end, thú vui quý phái và đốt tiền tỉ của những người có 'đôi tai vàng'
Chuyên gia hi-end Vũ Đức Công cân chỉnh dàn âm thanh hi-end

Người chơi hi-end không phải lúc nào cũng có thể đi nghe hoà nhạc hay các buổi biểu diễn, thế nên việc có một bộ dàn hi-end trong nhà để nghe những chương trình mình yêu thích là điều tất nhiên. 
 
Một bộ dàn nghe nhạc thông thường bao gồm loa, thiết bị khuếch đại hay còn gọi là ampli, thiết bị đọc hay phát có thể là đầu CD, đĩa than, băng cối, hay âm thanh số, dây tín hiệu và dây loa. Tất cả các thiết bị này với người chơi hi-end đều có tầm quan trọng như nhau. Thú chơi hi-end hấp dẫn là ở đó, bởi đôi khi thay một sợi dây tín hiệu cũng đem lại những hiệu ứng âm thanh tích cực. 
 
Bỏ tiền tỉ mua cảm xúc
 
Chơi hi-end luôn khiến người chơi mất tiền và mất thời gian. Mất tiền là tất nhiên, thậm chí mất rất nhiều tiền, bởi thiết bị hi-end thì không bao giờ rẻ như những đồ âm thanh second-hand vốn không còn giữ chất lượng âm thanh như ban đầu khi người chơi nước ngoài đã thải ra, và cũng bởi thiết bị hi-end ngày nay là sản phẩm trí tuệ của các kỹ sư hàng đầu cũng như những người thợ thủ công tài hoa trên thế giới. 
 
Bởi là đồ độc nên giá của một bộ hi-end cũng rất… độc. Tuy nhiên, khi vướng vào "vòng đam mê", người ta có thể bỏ tiền tỉ, thậm chí cả chục tỉ cho một bộ hi-end mình thích, đắm đuối mà chẳng phải đắn đo nhiều. 
 
“Thiết bị hi-end không phải là quá đắt, nhưng rẻ thì không phải là hi-end”, định nghĩa của anh Vũ Đức Công, một trong những chuyên gia hi-end được giới chơi thừa nhận. 
 
Chơi hi-end mất thời gian, bởi trước khi bỏ tiền mua một món đồ không rẻ, người chơi luôn phải tìm hiểu kỹ chất lượng, xuất xứ của sản phẩm. Người chơi có thể đi nghe thử ở nhà một người bạn rồi phối ghép y chang, cũng có khi đi nghe ở một showroom là nơi mà các chuyên gia đã lắp đặt theo chuẩn mực được đúc kết sau nhiều thực nghiệm. 
 
Cái được của thú chơi này, chỉ là cảm xúc. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, người chơi ẩn mình trong căn phòng được dành riêng cho nghe nhạc, pha một ấm trà, hoặc rót một ly rượu vừa để thư thái vừa để giãn gân cốt, bật dàn máy, thưởng thức một bản nhạc mình yêu thích. Cả căn phòng chỉ chìm lắng trong tiếng nhạc, lời ca. 
 

Chơi hi-end, thú vui quý phái và đốt tiền tỉ của những người có 'đôi tai vàng'
Một buổi trình diễn hi-end với chuyên gia hãng​

Nhắm hờ đôi mắt, thấy như ca sỹ đang đứng trước mặt mình trình diễn, tiếng kèn văng vẳng, tiếng đàn contrebass lan toả trầm lắng, tiếng violon lả lướt, tiếng piano thánh thót bên tai. Cảm giác mang được cả một dàn nhạc về nhà, thưởng thức riêng mình, không bị chi phối bởi người xung quanh, tránh được những cánh tay giơ smartphone lên chụp hay livestream vốn là thói quen xấu trong đời đại công nghệ này, là một cảm giác thật sảng khoái. 
 
Cái được của thú chơi này cũng là cảm giác chinh phục. Người chơi nghe một bản nhạc ở nhà hát, muốn đem bản nhạc đó về nhà, hay thậm chí chỉ muốn tiếng trầm được như nhạc sống. Loay hoay phối ghép, bỗng một ngày nào đó, tiếng trầm mình muốn bỗng bật ra từ dàn máy. 
 
Lúc đó, cảm giác sảng khoái không khác gì khi đến được một nơi mà mình mong muốn từ thuở thiếu thời, hay như gặp được một nàng tiên từ trong mộng bước ra ngoài đời. 
 
Và với người chơi hi-end, chừng ấy là quá đủ để họ có thể không quan trọng đến việc thiết bị này giá bao nhiêu. 
 
Nghề chơi cũng lắm công phu
 
Người chơi âm thanh hi-end luôn cầu kỳ đến mức cực đoan. Không như những người chơi âm thanh phổ thông là chỉ mua một bộ dàn đủ nghe mọi loại nhạc, đáp ứng nhu cầu chung của đại gia đình, người chơi hi-end luôn xác định trước rằng, mỗi loại thiết bị âm thanh đỉnh cao chỉ tối ưu nhất với một dòng nhạc. 
 

Chơi hi-end, thú vui quý phái và đốt tiền tỉ của những người có 'đôi tai vàng'
Cuộc chơi hi-end dù âm thầm nhưng vẫn rất phát triển

Bởi thế, khi sắm thiết bị, người chơi hi-end phải tính toán thật kỹ. Chẳng hạn, nếu thích nghe nhạc giao hưởng, thì người chơi tìm loa sao cho có dải tần thật rộng, độ động phải rất tốt, nếu không khi dàn nhạc chơi ở mức âm thanh nhỏ thì không thể nghe được như trên sân khấu, hoặc không thể hiện được những nốt cao của cây vĩ cầm vốn là nữ hoàng của các nhạc cụ. 
 
Ấy là còn chưa kể đến những yếu tố khác như phải tái hiện được vị trí của các bộ như bộ hơi bộ đồng bộ gõ, hay vị trí của ca sỹ. Một bộ dàn êm ái mà khi nghe lại có cảm giác như ca sỹ đứng thụt lùi so với ban nhạc, ấy lại là hỏng rồi. 
 
Hoặc có những người chơi chỉ thích dòng nhạc hoà tấu nhẹ nhàng nhưng phải rất ngọt ngào êm tai, vậy thì một bộ âm thanh chơi giao hưởng hay chưa chắc đã đáp ứng được, lại phải tìm đến ampli đèn phối ghép cùng loa toàn dải hay đồng trục. 
 
Bật ampli đèn lên, chờ chừng chục phút cho bóng đèn nóng lên, trong lúc đó đi pha một ấm trà hoặc hãm một chầu café, rồi thư thái nghe nhạc. Lúc đó, với người chơi hi-end, không chỉ là nghe nhạc nữa mà là thưởng thức âm nhạc thì đúng hơn. 
 
Cái cảm giác được thưởng thức âm nhạc đúng nghĩa khiến người chơi không thể cầm lòng được, đôi khi chỉ nghe được một tiếng cymbale như rớt xuống nền nhà mà cũng sởn hết cả da gà.
 
Những đôi tai vàng
 
Khi chơi âm thanh hi-end đến một độ nào đó, người chơi lại không quan tâm đến xuất xứ của sản phẩm, quốc gia nào sản xuất mà họ để cho đôi tai quyết định. Vì đôi khi, một sản phẩm đỉnh cao của một hãng ít tên tuổi ở một quốc gia không có truyền thống sản xuất thiết bị này lại hơn một sản phẩm cùng phân khúc của một hãng nổi tiếng khác. 

Chơi hi-end, thú vui quý phái và đốt tiền tỉ của những người có 'đôi tai vàng'
Các thiết bị hi-end

Nhưng để có được đôi tai ấy, người chơi phải trải qua nhiều sản phẩm, cũng như phải đi nghe nhạc sống rất nhiều. 
 
Anh Nguyễn Sỹ Chí, một chuyên gia âm thanh và là thành viên sáng lập diễn đàn VNAV kể, để có được đôi tai như ngày nay bởi anh còn thường xuyên phải làm giám khảo các cuộc thi thiết bị âm thanh tự chế, gần như tháng nào anh và các bạn chơi cũng phải đi nghe giao hưởng, đến mức từ một người không biết nhiều mà đến giờ anh đã thuộc gần như các bản giao hưởng phổ biến, đánh giá được cái hay cái khác biệt trong trình tấu của từng nhạc công, và điều đó khiến anh lấy làm thú vị. 
 
Có đi nghe nhiều, mới biết dàn máy của mình đang thiếu hụt điểm gì, và cũng để hiểu rằng, không phải tự nhiên mà có những thiết bị hi-end có giá trên trời như ta thường nghĩ, mà rõ ràng đó là cái giá xứng đáng. 
 
Đã có những nhãn loa chỉ có 100 đôi trên toàn thế giới nhưng đã có 3 đôi ở lại Việt Nam, đủ để thấy rằng sức chơi của người Việt không hề thua kém. Sức chơi ở đây không nói đến tài chính, mà là khả năng cảm thụ âm thanh. Bởi với những thiết bị đỉnh cao, thấy hay thì hầu hết ai cũng thấy kể cả người không chơi âm thanh, nhưng để cảm nhận được sự hay thì lại là chuyện khác.
 
Chơi hi-end lại là chơi chứ không phải trưng bày cho đẹp phòng khách, giống như một số nhà giàu mới nổi mua một chiếc đàn piano rất đắt tiền vì đó là dấu hiệu của sự sang trọng quý phái dù cả nhà chẳng ai biết chơi. 
 
Cũng vì thế mà cuộc chơi hi-end, tuy âm thầm nhưng vẫn ngày càng phát triển, bởi khi con người ta đã không còn lo đến những nhu cầu thiết yếu, thì thú chơi lại được ưu tiên, nhất là một thú chơi lành mạnh như thế. 
Phi Vân
Theo Đời sống Plus/GĐVN