Nói một cách không ngoa thì nhiều quy định, cơ chế trong quản lý kinh tế đang là rào cản, là những “sợi dây vô hình” đang trói tay, trói chân doanh nghiệp, bất kể đó là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân.
Và cũng chưa bao giờ trong khoảng 2 năm nay, các doanh nghiệp và nhiều bộ, ngành lên tiếng, phản ánh về những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt mà chủ yếu là vướng về cơ chế, chính sách, quy định. Đặc biệt khi nền kinh tế toàn cầu suy giảm do hậu Covid-19 và do xung đột Nga-Ukraine, thì kinh tế Việt Nam cũng ảnh hưởng, và hậu quả của những “sợi dây vô hình” càng bộc lộ rõ.
Thấy rõ nhất là những quy định không còn hợp trong việc mua sắm trang thiết bị vật tư y tế, quy định phòng cháy chữa cháy (PCCC); quy định về đầu tư trái phiếu, chứng khoán, quy định về đấu thầu… Nhưng sự bất cập của các quy định này đối với những ngành nghề nêu trên đã gây tác động cực kỳ lớn đối với xã hội, điển hình như vụ thiếu thuốc và vật tư y tế vừa qua, hay hàng ngàn cơ sở karaoke phải đóng cửa vì các quy định của PCCC…
Thực ra, sự “lằng nhằng dây điện” của những điều luật, những thông tư, những nghị định không còn phù hợp là điều đã nói đến từ lâu, nhưng chẳng ai chỉ đạo giải quyết cho rốt ráo, cho triệt để.
Thủ tướng thị sát công trường xây dựng và trao đổi chủ đầu tư, đơn vị thi công về dự án thành phần các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tôi xin dẫn chứng một ví dụ rất cụ thể.
Thời điểm tháng 4/2016, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - một trong tập đoàn kinh tế quan trọng nhất của quốc gia đã hết hạn và cần phải có Quy chế mới. Dù tập đoàn đã chuẩn bị xong từ lâu nhưng chả bộ, ngành nào xem xét.
Lúc đó, lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính, các Bộ, ngành liên quan được yêu cầu phải khẩn trương hoàn thiện Quy chế Tài chính cho Tập đoàn, hạn trong… 2 tháng phải xong. Nhưng suốt từ giữa năm 2016 cho đến cuối năm 2021, Quy chế vẫn chưa được duyệt. Các bộ, ngành có liên quan thì “đánh võng, đùn đẩy cho nhau”, còn các cơ quan tham mưu của Chính phủ thì cũng xin ý kiến hết chỗ này đến chỗ khác. Lãnh đạo Tập đoàn thì như ngồi trên đống lửa vì chưa bao giờ một doanh nghiệp nhà nước lớn như Petrovietnam hoạt động mà không có Quy chế tài chính.
Thậm chí, đã có lần đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn từng thốt lên: "Như thế này, lãnh đạo chủ chốt có thể bị xử lý kỷ luật bất cứ lúc nào vì Tập đoàn hoạt động suốt gần 5 năm mà không có quy chế Tài chính".
Mất 5 năm cho việc ban hành một quy chế tài chính? Quả thực đó là điển hình của sự trì trệ và vô cảm của những người có trách nhiệm.
Chính vì vậy, Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phải ra tay gỡ rối một cách rất quyết liệt và cực kỳ mạnh mẽ.
Có thế thấy ngay những quyết sách, những biện pháp của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như mới đây Bộ Tài chính đã hoàn tất kế hoạch cắt giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% trong nửa cuối năm 2023, tương đương với việc kích thích khoảng 1,5 tỷ USD cho nền kinh tế 450 tỷ USD của Việt Nam.
Chính phủ cũng sẽ cho phép các cá nhân và tổ chức trì hoãn từ 3 đến 6 tháng trong việc thanh toán các loại thuế khác nhau. Đây thực sự là tín hiệu vui cho những doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Chính phủ cũng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất chính sách từ 50-100 điểm cơ bản. Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn (lãi suất chính sách quan trọng nhất ở Việt Nam) giảm 50 điểm cơ bản xuống còn 5,5%.
Thêm nữa, lãi suất tối đa mà các ngân hàng được phép trả cho người gửi tiết kiệm đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn lên đến 6 tháng giảm 50 điểm cơ bản xuống còn 5,5%.
Bên cạnh những bước cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ đã lùi một số quy định mới được đưa ra vào cuối năm 2022 nhằm áp đặt các điều kiện chặt chẽ hơn đối với việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Chính phủ cũng chỉ đạo các Bộ, Ngành giải quyết nhiều nút thắt hành chính hiện đang cản trở việc phát triển bất động sản và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Cho tới nay, có thể khẳng định rằng việc Chính phủ cắt giảm thuế và cắt giảm lãi suất chính sách là những hành động cụ thể nhất để hỗ trợ tăng trưởng. Và chính những biện pháp này sẽ tác động mạnh mẽ đến việc phục hồi sản xuất, tạo đà cho sự phát triển kinh tế trong năm nay và những năm sau.
Trong lĩnh vực bất động sản, phát triển bất động sản chiếm gần 10% GDP của Việt Nam đã bị đình trệ rất nghiêm trọng. Các doanh nghiệp bất động sản đang vô vàn khó khăn trong việc xin phê duyệt để làm dự án. Lỗi do doanh nghiệp chuẩn bị thủ tục chưa chuẩn cũng có, nhưng hầu hết là do bị chính quyền các cấp đùn đẩy, “chuyền bóng” cho nhau, không ai chịu ký duyệt… Tình trạng này đang là thực trạng đáng buồn ở tất cả các địa phương.
Nhận thấy điều này, Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều biện pháp cứng rắn nhằm khắc phục tình trạng “không dám làm, không dám quyết và không dám chịu trách nhiệm”. Trong nhiều biện pháp thì có biện pháp nghiêm khắc nhất là “phải thay thế người đứng đầu” nếu để xảy ra tình trạng đùn đẩy, thoái thác trách nhiệm, gây khó khăn cho hoạt động bình thường của doanh nghiệp và sự phát triển của xã hội.
Ở cấp vĩ mô, Chính phủ cũng định hướng giải quyết các vướng mắc trong việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang sử dụng cho các dự án bất động sản nhà ở, sự chậm trễ trong việc thẩm định giá trị đất đai để xác định tiền sử dụng đất hoặc tiền chuyển đổi phải nộp cho Chính phủ.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đưa ra gói cho vay trợ cấp trị giá 5,1 tỷ USD để hỗ trợ phát triển hơn một triệu nhà ở xã hội mới. Các khoản vay hỗ trợ lãi suất sẽ được cung cấp cho người mua nhà và chủ đầu tư thông qua các ngân hàng thương mại nhà nước. Chính phủ cũng đã thành lập các tổ nhóm công tác mới để xem xét và loại bỏ những trở ngại mà các nhà phát triển bất động sản gặp phải khi tiến hành dự án.
Với mục tiêu tăng giải ngân cho đầu tư công khoảng 40% vào năm 2023 (lên 30 tỷ USD), Chính phủ cũng đã thành lập Tổ công tác đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công trong năm nay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan và dự Lễ khánh thành NMNĐ Thái Bình 2
Sự quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong việc tập trung tháo gỡ những vướng mắc cho sự phát triển của nền kinh tế. Ta có thể nhận thấy rất rõ với Thủ tướng Chính phủ, hầu như không có ngày nghỉ… Ông luôn có mặt trên những dự án trọng điểm như các dự án đường cao tốc, Dự án sân bay Quốc tế Long Thành, các nhà máy nhiệt điện… Và tỉnh nào, địa phương nào có vấn đề về tăng trưởng kinh tế là ông có mặt để tập trung chỉ đạo, tháo gỡ.
Hầu như không có ngày nào không có công điện của Chính phủ đốc thúc các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết các tồn đọng của ngành mình. Có cảm giác rằng, nhiều quan chức cấp bộ, cấp tỉnh cứ như cái máy nổ… Có giật thì mới chạy. Họ thiếu tính chủ động một cách lạ lùng mà cái gì cũng chờ Chính phủ “có ý kiến”… Họ không dám làm, không dám chịu trách nhiệm cái gì cả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ ràng quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo là Thủ tướng không làm thay việc các Phó Thủ tướng. Chính phủ không làm thay việc cho các bộ trưởng… Nhưng xem ra, các cấp dưới vẫn cứ “sợ hãi điều gì đó”!