Tuy nhiên, theo đánh giá của Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, số lượng lợn thiếu trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán có thể lớn hơn số liệu Bộ NNPTNT ước tính. Nguyên nhân là do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không hoặc đã tái đàn nhưng bị dịch bệnh trở lại làm nguồn cung giảm mạnh.
Trong khi đó, một số trang trại, cơ sở chăn nuôi lớn, khép kín cũng bị dịch bệnh, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung thịt lợn trong dịp cuối năm.
Người tiêu dùng chọn mua thịt lợn ở một cửa hàng bán thịt mát Meat Deli tại Hà Nội Ảnh: M.H
Trước nguy cơ trên, ngay từ tháng 10, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Bộ NNPTNT đánh giá chính thức về tình hình sản xuất, dự kiến nguồn cung dịp cuối năm và Tết Nguyên đán đối với mặt hàng thịt lợn.
Ngày 21/10, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Cụ thể, Bộ yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc Bộ chủ động tham mưu hoặc có phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ mặt hàng thịt lợn. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các đơn vị trên có phương án hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn.
Cũng theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương cần triển khai tích cực công tác chống đầu cơ, tích trữ, ngăn chặn việc chuyên chở lợn bệnh, lợn lậu, ngăn chặn việc đưa lợn sang các nước láng giềng qua đường tiểu ngạch…
Trước yêu cầu cấp bách về việc phải nhập khẩu thịt lợn các tháng cuối năm, Bộ NNPTNT đã công bố danh sách 24 quốc gia được nhập khẩu thịt lợn chính ngạch vào Việt Nam gồm: Argentina, Úc, Bỉ, Áo, Brazil, Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hungari, Ấn Độ, Irelen, Litva, Ý, Nhật, Hàn Quốc, Malaysia, Newzeland, Ba Lan, Tây Ban Nha, Mỹ Nga, Mexico.
Ngoài ra, Bộ NNPTNT cũng cho biết, sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong việc hướng dẫn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến, phân phối thực phẩm, nhất là với các doanh nghiệp đã đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương nhập khẩu.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đề xuất tiếp tục triển khai một số giải pháp như, hạn chế tối đa việc buôn bán thịt lợn sang nước láng giềng nhằm nhằm giữ nguồn cung cho thị trường trong nước; điều tiết hài hòa nguồn cung thịt lợn cho các vùng, miền nhằm hạn chế tăng giá cục bộ, gây bất ổn thị trường...
Các địa phương định hướng cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm trên địa bàn tăng cường việc đưa ra các sản phẩm thịt lợn chế biến sẵn mới (như thịt kho tàu, nhân bánh chưng, chân giò muối…) được chế biến từ thịt lợn đông lạnh nhập khẩu nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và thay thế một phần nhu cầu sử dụng thịt nóng trên thị trường.