Thứ ba, 23/04/2024 | 16:32
RSS

Châu Âu đang trải qua một mùa đông ấm áp bất thường

Thứ sáu, 06/01/2023, 10:50 (GMT+7)

Châu Âu đang trải qua một mùa đông bất thường trong lịch sử, phá vỡ nhiều kỷ lục thời tiết khi nhiệt độ ấm áp như mùa hè lan rộng khắp châu lục.


Ảnh minh họa/INT

Châu Âu đang trải qua một mùa đông bất thường trong lịch sử, phá vỡ nhiều kỷ lục thời tiết khi nhiệt độ ấm áp như mùa hè lan rộng khắp châu lục, vào thời điểm đáng lẽ nhiều nơi phải chìm trong băng tuyết tháng 1 như mọi năm.

Hiện nay, nhiều nước châu Âu gồm Liechtenstein, Ba Lan, Hungary, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Czech, Hà Lan, Belarus, Lithuania, Đức, Latvia, Pháp, Tây Ban Nha… đang ghi nhận nhiệt độ ấm chưa từng thấy trong tháng 1/2023. Các nước khác trong châu lục này cũng chung điều kiện nhiệt độ trung bình cao hơn so với mọi năm.

Thời tiết tại khu vực miền Bắc Tây Ban Nha và miền Nam nước Pháp ngày 5/1 được mô tả như mùa hè. Tại thành phố Bilbao của Tây Ban Nha, nhiệt độ cao nhất những ngày đầu năm này được ghi nhận lên tới 24,9 độ C, cao nhất từ trước đến nay trong thời điểm tháng 1. Các khu vực khác của Tây Ban Nha như Cantabria, Asturias và vùng Basque cũng ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục trong mùa đông năm nay.

Tại Budapest, Hungary, nhiệt độ ấm áp được ghi nhận bất thường từ dịp Giáng sinh và Tết Dương lịch là 18,9 độ C và kéo dài đến hiện nay. Hiện chỉ còn các nước thuộc khu vực phía Bắc châu Âu như Na Uy, Anh, Ireland chưa ghi nhận nhiệt độ ấm lên bất thường trong mùa đông.

Trong khi đó, hai nước vốn nổi tiếng có mùa đông lạnh giá là Nga và Ukraine vốn đang xảy ra xung đột quân sự cũng chứng kiến những ngày tháng 1/2023 ấm một các dị thường. Các chuyên gia thời tiết châu Âu đánh giá hiện tượng này là một kiểu thời tiết cực đoan, khi nhiệt độ cao lan ra nhiều vùng của châu Âu vào giữa mùa đông.

Nhà khí tượng học cấp cao Alex Burkill của Cơ quan Thời tiết quốc gia Anh (MET) cho biết, một khối không khí ấm phát triển ngoài khơi bờ biển phía Tây châu Phi đã di chuyển về phía Đông Bắc tới châu Âu từ ngả Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, sau đó bị áp suất cao trên Địa Trung Hải kéo vào đã gây ra hiện tượng ấm bất thường ở châu Âu.

Bên cạnh đó, La Nina, hiện tượng nhiệt độ trên bề mặt biển giảm cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng mùa đông ấm ở châu Âu. Một chuyên gia về thời tiết là Giáo sư Bill McGuire, người từng viết nhiều cuốn sách về hậu quả của biến đổi khí hậu, thì nhận định nhiệt độ cao là dấu hiệu cho thấy những điều tồi tệ sắp xảy ra.

Nhiều chuyên gia cho rằng, mùa đông lạ thường hiện nay là kết quả của biến đổi khí hậu do con người gây ra. Nhà khoa học Freja Vamborg, thuộc Cơ quan về biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU), nhận định mùa đông đang ấm lên ở châu Âu chính là do nhiệt độ toàn cầu tăng lên.

Hiện tượng này đã ít nhiều gây đảo lộn nhịp sinh hoạt của người dân châu Âu. Nhiều khu trượt tuyết đáng lẽ đang bước vào mùa cao điểm hoạt động đã phải đóng cửa vì thiếu tuyết, trong khi đó cỏ và bùn đang thay thế tuyết bao trùm cả một khu vực trượt tuyết nổi tiếng thế giới từ Chamonix của Pháp đến Innsbruck của Áo.

Tuy nhiên, hiện tượng mùa đông ấm lạ thường cũng mang lại những hiệu ứng tích cực nhất định, nhất là trong bối cảnh năng lượng khan hiếm và giá tăng cao ở châu Âu do xung đột Nga - Ukaine gây ra. Giá dầu và khí đốt tại châu Âu do đó đang có xu hướng giảm mạnh, trái ngược hoàn toàn so với cùng thời điểm năm 2022.

Mùa đông lạnh giá khắc nghiệt từng được cảnh báo trước đây đang nhường chỗ cho thời tiết ấm hơn đã đẩy nhu cầu sưởi ấm của các nước châu Âu đi xuống. Chính vì vậy, hệ quả của cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu lục này cũng bớt trầm trọng hơn so với dự đoán.

Đức Anh
Theo Giáo dục & Thời đại

CÙNG CHUYÊN MỤC

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, một trận động đất lớn với cường độ 7,4 độ richter đã xảy ra ngoài khơi bờ biển phía đông Đài Loan khiến cảnh báo sóng thần cho hòn đảo và miền nam Nhật Bản.