Thứ hai, 25/11/2024 | 03:13
RSS

Cha mẹ không dám cho con đi bơi vì sợ viêm tai giữa, bác sĩ nói gì?

Thứ bảy, 27/04/2019, 06:49 (GMT+7)

Trẻ em thường rất thích được đi bơi nhất là vào dịp hè. Bơi lội giúp trẻ vận động toàn thân, từ đó giúp các em ăn tốt và ngủ ngon hơn. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều bậc phụ huynh vì la ngại các bệnh về hô hấp, đặc biệt là viêm tai giữa đã không dám cho trẻ đi bơi.

Cha mẹ không dám cho con đi bơi vì sợ viêm tai giữa, bác sĩ nói gì?
Nhiều cha mẹ không dám cho trẻ đi bơi vì sợ bị viêm tai giữa

Trả lời Đời sống Plus về vấn đề này, Thạc sĩ Vũ Toàn Mạnh (Bệnh viện Đa khoa An Việt) cho biết với đa số các trẻ màng nhĩ bình thường thì không gây viêm tai bởi vì tai giữa và tai ngoài ngăn cách với nhau bởi màng nhĩ, nước không thể thấm qua màng nhĩ vào tai giữa gây bệnh. Tuy nhiên, bác sĩ Mạnh cũng lưu ý, trong một số trường hợp trẻ có thể bị viêm tai giữa do đi bơi. 

"Cụ thể, những trẻ bị thủng màng nhĩ, nước bẩn có thể qua lỗ thủng màng nhĩ vào tai giữa gây viêm tai giữa. Vì vậy trẻ có thủng màng nhĩ không nên đi bơi hoặc nếu có đi bơi phải có nút che kín tai và không được lặn" - bác sĩ Vũ Toàn Mạnh cho hay.

Về bệnh viêm tai giữa, bác sĩ Vũ Toàn Mạnh cho hay bệnh này ở trẻ thường là hậu quả của viêm mũi họng do vi khuẩn có thể từ mũi họng qua vòi nhĩ (lỗ thông tai giữa với vùng vòm mũi họng) lên tai giữa gây viêm tai giữa cấp. Những trẻ có viêm tai giữa tái đi tái lại nếu hay bị viêm mũi họng sau khi đi bơi thì không nên đi bơi.

Nguy hiểm khi trẻ đi bơi ở những nguồn nước bẩn

Bác sĩ Toàn cảnh báo, khi đi bơi ở những nơi có nguồn nước bẩn thì hệ hô hấp của trẻ sẽ gặp nhiều nguy cơ, nguy hiểm cho sức khỏe

Cha mẹ không dám cho con đi bơi vì sợ viêm tai giữa, bác sĩ nói gì?
Thạc sĩ Vũ Toàn Mạnh (Bệnh viện Đa khoa An Việt)

* Viêm họng: Khi đi bơi về trẻ mệt mỏi, họng khô rát, đau, sốt.

* Viêm mũi xoang : Sau khi đi bơi về, trẻ có các dấu hiệu sau: ngứa mũi, nhảy mũi, nghẹt mũi, chảy nước mũi, nước mũi đục vàng hoặc xanh, đôi khi không ngửi được mùi; mệt mỏi, sốt; nhức đầu, đau nhức vùng má, vùng trán. Nhiễm trùng từ mũi xoang có thể đi theo vòi nhĩ vào tai giữa gây viêm tai giữa cấp với triệu chứng: Ù tai, giảm thính lực; đau tai (trẻ thường ôm tai khóc hoặc khóc thét khi có ai đó sờ vào tai trẻ); đôi khi sốt và tiêu chảy; sau đó vài ngày, nếu không được điều trị, mủ sẽ ứ trong tai giữa gây thủng màng nhĩ và chảy ra ngoài. 

* Viêm tai ngoài sau bơi: Thường gặp là nhiễm trùng da ống tai ngoài sau khi tiếp xúc với nước bẩn với các triệu chứng như: ngứa tai; ù tai, giảm thính lực; ống tai viêm sưng đỏ, đau tai ngày càng tăng, nhất là khi sờ vào tai, khi ngáp hoặc khi nhai nuốt (trẻ thường ôm tai khóc); sốt, đôi khi có mủ chảy ra từ tai.  

Một số lưu ý phòng tránh viêm tai do bơi lội gây ra

* Cha mẹ nên đưa trẻ đến những bể bơi công cộng đảm bảo vệ sinh, tránh những bể bơi quá nhỏ hoặc quá đông người.

* Tránh đưa trẻ đến ao, hồ để bơi vì nhưng nơi đó không đảm bảo vệ sinh và an toàn cho các cháu.

* Cha mẹ trang bị cho trẻ nút tai trong khi bơi là cách để tránh nước vào tai.

* Sau khi bơi lội xong hoặc khi trẻ có dấu hiệu nước vào trong ống tai thì nên hướng dẫn trẻ cách để cho nước thoát ra ngoài, bằng cách cho trẻ nghiêng đầu về phía tai có nước vào và kéo vành tai dốc xuống phía dưới sẽ làm nước chảy ra phía ngoài. Sau đó cha mẹ nhỏ nước muối sinh lý vào tai đó cho con để làm sạch. Có thể dùng bông ngoáy tai, lựa chon bông mềm, không đưa bông quá sâu vào trong ống tai vì như vậy có thể làm tổn thương ống tai, thậm chí cả màng nhĩ. Nên lau tai nhẹ nhàng bằng bông, tránh chà sát mạnh vì như thế càng làm tổn thương da ống tai và vi khuẩn càng dễ xâm nhập vào, cũng không nên lau tăm bông quá nhiều.

Ngọc Châu
Theo Đời sống Plus/GĐVN