Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:45
RSS

Cảnh sát đè gối lên cổ George Floyd ra toà với cáo buộc giết người cấp độ 2

Thứ ba, 09/06/2020, 06:59 (GMT+7)

Khi còn công tác ở sở cảnh sát Minneapolis, sĩ quan Chauvin đã phải nhận 18 đơn khiếu nại về hành vi của mình.


Sĩ quan cảnh sát đè gối lên cổ George Floyd ra toà với cáo buộc giết người cấp độ 2. Ảnh: AP

Theo CNN, sĩ quan cảnh sát Minneapolis tên Chauvin đã đè gối lên cổ của George Floyd trong gần 9 phút, ra toà lần đầu tiên hôm 8/6, đối mặt với cáo buộc giết người cấp độ 2.

Ngoài ra, 3 sĩ quan còn lại liên quan đến cái chết của George Floyd - bao gồm Thomas Lane, J. Alexander Kueng và Tou Thao - đều bị buộc tội giúp đỡ và tiếp tay giết người cấp độ 2, cũng như giúp đỡ và tiếp tay ngộ sát cấp độ 2.

Công tố viên quận Hennepin Mike Freeman ban đầu buộc tội giết người cấp độ 3 và ngộ sát cấp độ 2 đối với Derek Chauvin. Sau đó, Tổng chưởng lý bang Minneasota Keith Ellison đã nâng cáo buộc vào tuần trước, khi đề nghị tội giết người cấp độ 2 với sĩ quan này.

Gia đình của George Floyd đang đấu tranh để nâng mức cáo buộc lên thành giết người cấp độ 1. Ông Benjamin Crump, luật sư đại diện cho gia đình bị hại, cho rằng Derek Chauvin đã có ý định giết người từ trước.

Khi còn công tác ở sở cảnh sát Minneapolis, sĩ quan Chauvin đã phải nhận 18 đơn khiếu nại về hành vi của mình. Tổng chưởng lý Ellison cũng đã nâng mức cáo buộc với 3 sĩ quan còn lại. Một người trong số này mới đi làm được 4 ngày khi sự việc xảy ra.

Trong diễn biến khác, ngày 8/6, các nghị sĩ đảng Dân chủ tại Mỹ do một nhóm các nghị sĩ da màu dẫn đầu, đã công bố một dự luật nhằm chống lại tình trạng sử dụng vũ lực quá mức của cảnh sát, cũng như chống nạn phân biệt chủng tộc.

Dự luật này sẽ tạo thuận lợi cho việc truy tố những cảnh sát hành xử sai trái và vi phạm quyền công dân trong Hiến pháp. Văn kiện này cũng cho phép các nạn nhân cùng gia đình yêu cầu cảnh sát vi phạm bồi thường thiệt hại về mặt tài chính... Các nghị sĩ đảng Dân chủ hy vọng sẽ đưa dự luật này ra bỏ phiếu tại Hạ viện trước cuối tháng này. 

Cái chết của George Floyd đã gây ra làn sóng phản đối toàn cầu với những cuộc tuần hành lớn diễn ra trên khắp các thành phố của Mỹ vào cuối tuần qua. Trong những ngày đầu biểu tình, bạo lực nổ ra khi người biểu tình đụng độ với cảnh sát và cướp phá các cửa hàng.

Làn sóng biểu tình cũng đã lan rộng ra các nước khác. Từ ngày 31/5, một số cuộc biểu tình đã diễn ra tại Canada, Anh, Đức và New Zeland bất chấp các biện pháp giãn cách xã hội thời kỳ dịch bệnh.

Kim Hảo (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN