Thứ sáu, 22/11/2024 | 07:08
RSS

Cảnh báo ứng dụng cho vay lãi 'cắt cổ' từ Trung Quốc về Việt Nam

Thứ năm, 07/05/2020, 15:00 (GMT+7)

Hiện nay có khoảng 60 - 70 doanh nghiệp của Trung Quốc vào Việt Nam lập doanh nghiệp và thuê người Việt đứng tên để cho vay tiền online với lãi suất "cắt cổ".


Cảnh báo ứng dụng cho vay lãi 'cắt cổ' từ Trung Quốc về Việt Nam. Các đối tượng trong đường dây vay app bị bắt - Ảnh: Công an cung cấp

Mới đây, đội phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm trên tuyến, địa bàn (đội 4) - Phòng cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP.HCM cho biết ngày 20/4, đơn vị triệt phá một đường dây quy mô cho vay nặng lãi qua app (ứng dụng) do người Trung Quốc cầm đầu.

Hiện PC02 đã khởi tố, bắt tạm giam 5 nghi phạm gồm Tu Long (28 tuổi), Yuan Deng Hui (27 tuổi), Lâm Cẩm Quyền (30 tuổi), Lài Thế Hùng (29 tuổi) và Chề Ngọc Trinh (25 tuổi) để điều tra tội "cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự", Tuổi trẻ đưa tin. 

Trước đó, qua công tác nghiệp vụ, đội 4 - PC02 phát hiện Công ty Vinfin, Công ty Beta, Công ty Đại Phát do một người phụ nữ Trung Quốc tên Niu Li Li (chưa rõ lai lịch) và Jiang Miao (39 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) làm chủ nhưng thuê người đang ở TP.HCM đứng tên giấy phép kinh doanh và đại diện pháp luật

Các công ty có trụ sở tại hai địa chỉ ở quận Bình Tân (TP.HCM) và "núp bóng" hoạt động, cung cấp các dịch vụ cho vay tiền nhanh thông qua các app (ứng dụng) trên điện thoại di động như "Vaytocdo", "Moreloan" và "VD online" với lãi suất rất cao.

Cảnh báo ứng dụng cho vay lãi 'cắt cổ' từ Trung Quốc về Việt Nam
Ứng dụng cho vay tiền với lãi suất cắt cổ do các nghi phạm người Trung Quốc đứng đằng sau chỉ đạo. Ảnh minh họa

Cụ thể, đối với khách hàng vay qua ứng dụng “Vaytocdo”, người vay lần đầu chỉ được vay 1,7 triệu đồng nhưng thực tế nhận về chỉ là 1,428 triệu đồng, công ty sẽ thu 272 nghìn đồng tiền phí dịch vụ. Trong 8 ngày, người vay phải trả 2,040 triệu đồng (trong đó, 1, 7 triệu đồng tiền gốc và 340 nghìn tiền lãi 8 ngày). Nếu khách vay trả chậm sẽ bị phạt 102 nghìn đồng/ngày, theo ICT News.

Đối với khách hàng vay qua ứng dụng “Moreloan” và “VD online”, người vay lần đầu được duyệt vay số tiền là 1,5 triệu đồng, nhưng thực tế người vay chỉ được nhận 900 nghìn đồng, còn 600 nghìn đồng là tiền phí dịch vụ và tiền lãi trong 7 ngày. Sau 7 ngày, người vay phải trả tiền gốc vay là 1,5 triệu đồng. Người vay tiền nếu trả chậm 1 ngày sẽ bị phạt từ 2 % đến 5 %/ngày.

Nếu người vay trả nợ đúng hạn, có uy tín, lần vay sau, nhân viên Công ty sẽ duyệt cho người vay số tiền cao hơn từ cấp độ 1 đến cấp độ 7 (mỗi cấp độ gọi là 01 App), với số tiền tối đa được vay là 2,750 triệu đồng. Tuy nhiên, sau một thời gian, mỗi người có thể vay nhiều App khác nhau cùng lúc, để có thể vay được số tiền mình có nhu cầu vay. Như vậy, với hình thức cho vay nêu trên, các đối tượng đã cho vay với lãi suất 4,4 %/ngày, tương đương 30,8 %/tuần, 132 %/tháng và 1.600 %/năm.

Chia sẻ trên truyền thông về vấn nạn này, Phó Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần tiết lộ: “Đa phần cổ đông cốt cán của công ty cho vay trực tuyến hiện nay đều xuất phát từ tín dụng đen. Thậm chí, tôi được biết, nhiều công ty P2P ở Việt Nam chỉ do người Việt đứng tên, còn ông chủ thực sự là người Trung Quốc. Họ thuê người Việt đứng tên thành lập công ty, thuê xã hội đen đòi nợ, đứng giữa ăn lãi khủng, nhưng không lộ mặt”.

Một công ty Fintech chia sẻ, việc Chính phủ Trung Quốc siết chặt quản lý thị trường P2P sau một thời gian thả lỏng đã khiến nhiều công ty P2P Trung Quốc chạy sang Việt Nam. Các công ty này lập các app cho vay online với lời quảng cáo “lãi suất vay thấp" "cho vay không thế chấp"… 

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Nexttech cho biết: "Hiện nay có khoảng 60 – 70 doanh nghiệp của Trung Quốc vào thị trường Việt Nam lập doanh nghiệp và thuê người Việt đứng tên để cho vay tiền online. 

Đặc điểm chung rất đáng lo ngại là các doanh nghiệp này không hề có hoạt động kêu gọi người cho vay mà chỉ quảng bá kêu gọi người vay. Như vậy, đây không phải là mô hình P2P thực sự mà có thể họ huy động nguồn vốn tự có từ Trung Quốc để cho vay. Lãi suất của các công ty này thường rất cao đối với người dân Việt Nam".

Các công ty Trung Quốc tràn vào Việt Nam trong bối cảnh thị trường cho vay online tại Việt Nam bắt đầu phát triển trong khoảng 2 năm nay. Nếu người dùng không có lựa chọn cẩn thận thì rất dễ trúng cạm bẫy của tín dụng đen đội lốt ứng dụng cho vay trực tuyến. 

Điều này không chỉ gây ra nhiều hệ luỵ phiền toái tiêu cực cho khách hàng, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của những doanh nghiệp fintech chân chính, cũng như nguy cơ về lâu dài sẽ  ảnh hưởng xấu tới thị trường chung.

 

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN